Ngày Phật đản còn là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật (Phật đản, Vu lan, Thành đạo). Năm 1999 ngày lễ Phật Đản 15/4 (âm lịch) đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Lễ Phật đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca, sống trong nhung lụa, giàu sang nhưng thái tử dòng họ Thích Ca tại thành Ca Tỳ La Vệ cảm thấy không được tự do nên ngài đã rũ bỏ tất cả để đi tu. Trải qua 6 năm tu hành khố hạnh Ngài đã thành chính quả hóa thân thành Phật.
Ngài được cho là sinh vào ngày rằm tháng tư âm lịch năm 624 trước Tây lịch tại vườn Lâm Tỳ Ni - nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal. Chính vì thế, lễ Phật đản được tổ chức hàng năm, vào ngày rằm tháng tư, ở các nước theo đạo Phật là để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời.
Trong dịp này chùa Thạch Khê (Quế Sơn – Quảng Nam) đã tổ chức nhiều hoạt động kể cả tâm linh cũng như truyền thống, trong đó có hội cúng linh, lễ như tắm phật, an vị phật...
Theo Đại đức Thích Chúc Đạt – trụ trì chùa Thạch Khê, ngày Lễ Phật đản có ý nghĩa sâu sắc, giúp cho con người đi theo con đường hướng thiện “tu nhân học Phật”. Việc duy trì ngày Lễ Phật đản không chỉ là để tưởng nhớ đến công lao của Đức Thích ca mà còn nhằm vào mục tiêu hướng thiện. Cũng qua đây góp phần đưa Phật giáo đến với đông đảo quần chúng Nhân dân, giáo lý đạo Phật không phải là cái gì cao siêu, huyền diệu mà là cách đối nhân xử thế hàng ngày và cuộc sống hoàn thiện về đạo đức của con người.