Liên tục tái diễn hành vi xúc phạm, không chấp hành hiệu lệnh CSGT
Kinhtedothi - Thời gian qua, nhiều địa phương liên tục xảy ra tình trạng người vi phạm giao thông chống đối, xúc phạm lực lượng chức năng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, thậm chí có trường hợp đã gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cán bộ chiến sĩ.
Xem thường pháp luật
Ngày 17/1, Công an TP Hà Nội cho biết, đã tạm giữ hình sự 2 đối tượng Vũ Hoàng Kỳ (Sinh năm 2006, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Đặng Duy Tiến (Sinh năm 2006, quê huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình) để làm rõ hành vi gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ.
Trước đó, khoảng 2 giờ cùng ngày, Tổ công tác tuần tra lưu động kết hợp cắm chốt tại tuyến đường Lê Đức Thọ - Nguyễn Hoàng phát hiện 2 đối tượng điều khiển xe máy BKS 14AP - 01514 phóng tốc độ cao hướng từ Lê Đức Thọ - Hồ Tùng Mậu có biểu hiện nghi vấn nên ra hiệu lệnh dừng xe. Tuy nhiên, 2 đối tượng không chấp hành hiệu lệnh mà quay đầu xe phóng tốc độ cao ngược chiều về hướng sân vận động Mỹ Đình rồi đâm trực diện khiến một cán bộ công an văng ra đường, chảy máu đầu.
Ngày 12/1, Tổ tuần tra Đội CSGT số 2, Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận trong quá trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trên QL1A phát hiện xe máy BKS 86B2 - 744.90 do một nam thanh niên điều khiển vi phạm lỗi không đội mũ bảo hiểm.
Lực lượng chức năng đã theo sát phương tiện vi phạm đến Km1666 thì nam thanh niên dừng xe và bước vào một cửa hàng điện thoại. Sau khi nam thanh niên này hoàn tất giao dịch và ra ngoài, Tổ công tác đã mời làm việc và thông báo lỗi vi phạm thì người này không hợp tác, thậm chí vu khống công an "ăn cắp xe mô tô". Sau đó, có hành vi giằng co, xô đẩy lực lượng chức năng.
Khi ngã do vấp vào xe đạp, cho rằng mình bị lực lượng CSGT tác động, đối tượng đã dùng tay đấm vào mặt một CSGT gây thương tích ở vùng mặt và mắt phải. Danh tính đối tượng là Nguyễn Quốc Phong (33 tuổi), trú xã Bình Tân, huyện Bắc Bình. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở là 0,649 mg/l khí thở, vượt mức cho phép.
Trước đó, ngày 2/1, sau khi kết thúc trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan, Tổ công tác Y18A-141H triển khai cắm chốt theo kế hoạch tại khu vực ngã tư Quang Trung - Phùng Hưng, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội phát hiện đối tượng Hồ Xuân Sinh “đi bão” bằng xe máy BKS 89F1 - 496.40, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, lạng lách hướng về đường Thanh Xuân.
Dù đèn giao thông đang báo đỏ và thấy lực lượng chức năng, nhưng đối tượng không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm đã tăng ga bỏ chạy, đâm gãy chân một cán bộ công an. Đến ngày 5/1, lực lượng Công an quận Hà Đông đã làm rõ và tạm giữ hình sự đối với Hồ Xuân Sinh về hành vi chống người thi hành công vụ.
Qua một số vụ việc có thể thấy, những hành vi manh động nêu trên xuất phát từ thái độ coi thường pháp luật và lực lượng làm nhiệm vụ. Nguyên nhân do ý thức chấp hành pháp luật của một số đối tượng còn kém, có đối tượng vì sợ bị phạt tiền nên chống đối, cản trở việc thi hành công vụ để bỏ chạy, trốn tránh việc xử lý của pháp luật. Thậm chí có những đối tượng do vi phạm nồng độ cồn, trạng thái nhận thức không tỉnh táo dẫn đến chống trả.
Các chuyên gia cho rằng, việc gia tăng các hành vi chống người thi hành công vụ đã gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ. Vấn đề này cần phải đấu tranh, ngăn chặn kịp thời để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật và sự an toàn của xã hội.
Xét xử điểm để răn đe
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó, tại Điều 9, hành vi xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối hoặc không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn, yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là hành vi bị nghiêm cấm.
Điều 12 Nghị định 168/2024/NĐ/CP về xử phạt hành chính về vi phạm giao thông quy định, hành vi xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối người thi hành công vụ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ bị phạt tiền 35 - 37 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân thực hiện hành vi này nếu là người điều khiển phương tiện còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.
Trường hợp gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người thi hành công vụ tùy theo tính chất, mức độ vụ việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Phạm Thanh Hải - Văn phòng Luật sư Hải Thanh, dù luật đã quy định về việc xử lý hành vi chống người thi hành công vụ nhưng chủ yếu mới xử lý những vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Còn các vụ gây hậu quả ít nghiêm trọng thường chỉ bị xử lý hành chính. Thậm chí, có trường hợp cố tình khiêu khích, chửi bới CSGT trên đường nhưng do không kịp ghi lại hình ảnh, âm thanh làm bằng chứng hoặc không có nhân chứng xác nhận nên khi bị bắt các đối tượng chối cãi sẽ rất khó cho CSGT xử lý.
Luật sư Phạm Thanh Hải cho rằng, hiện nay, Nghị định 168/2024/NĐ-CP đã tăng mức phạt với hành vi này lên mức 35 – 37 triệu dù có tính răn đe cao hơn, nhưng cần kết hợp với tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong Nhân dân, nhất là giới trẻ để chuyển biến nhận thức, đạt được hiệu quả thực hiện lâu dài. Đối với những vụ việc chống đối người thi hành công vụ có tình tiết nghiêm trọng, cần đưa ra xét xử điểm để làm gương.
Đại diện Công an quận Hà Đông cho biết, đối với việc đối tượng Hồ Xuân Sinh đâm gãy chân cán bộ công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ làm rõ, truy tố để đưa ra xét xử điểm, tạo sự răn đe, phòng ngừa chung.
Các chuyên gia khác cũng cho rằng, trong tình huống xảy ra hành vi chống người thi hành công vụ, ở nước ngoài lực lượng thực thi công vụ có quyền sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để ngăn chặn kịp thời. Điều này cần làm rõ thêm trong quy định của pháp luật hiện nay. Bên cạnh đó, các mức độ nguy hại của những hành vi "chống người thi hành công vụ" cũng cần có những quy định rõ ràng và được đánh giá đúng mức để xử phạt nghiêm minh.
Bày tỏ ý kiến về vấn đề này, người dân càng thể hiện sự đồng tình, ủng hộ với Bộ Công an khi đưa ra đề xuất cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn. Bởi đã có nhiều vụ việc tài xế sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông gây tai nạn nghiêm trọng, hoặc chống đối, chống người thi hành công vụ tại các chốt kiểm tra nồng độ cồn.
Anh Nguyễn Tuấn Tài (Cầu Giấy, Hà Nội) góp ý thêm, cần ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường phạt nguội thay cho dừng phương tiện, trừ những trường hợp buộc phải dừng phương tiện mới phát hiện được vi phạm như nồng độ cồn, ma túy. Việc xử phạt nặng kết hợp tuyên truyền, xử điểm làm gương sẽ có tác dụng răn đe, ngăn tái diễn các hành vi chống người thi hành công vụ.
Xe cá nhân tiếp tục tăng mạnh: Hà Nội oằn mình trong áp lực giao thông
Kinhtedothi - Trong khi diện tích đất dành cho giao thông chỉ tăng 0,3%/năm, xe cá nhân lại tăng gấp hơn 11 với 4 - 5%/năm, ô tô tăng gấp hơn 30 lần với 10%/năm. Áp lực giao thông của Hà Nội sẽ ngày càng khủng khiếp nếu không hạn chế được tốc độ gia tăng xe cá nhân.
Hà Nội đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông năm 2025
Kinhtedothi - Sáng 17/1, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ ra quân Năm An toàn giao thông 2025. Năm nay, TP Hà Nội đặt nhiều mục tiêu và giải pháp được triển khai đồng bộ nhằm kéo giảm tai nạn và ùn tắc giao thông.
Chuyển đổi số để tối ưu hiệu quả quản lý vận tải
Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội Đào Việt Long cho biết, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ đã mang đến những kết quả thiết thực, rõ rệt cho công tác quản lý GTVT của Hà Nội.