|
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính chủ trì buổi Hội thảo. |
Một thông tin đáng chú ý được đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra tại đây là, bên cạnh các DN đã thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), tổ chức bố trí lao động khoa học để đảm bảo ĐKLĐ an toàn, vệ sinh; tuân thủ các quy định về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi thì còn nhiều DN chưa quan tâm vấn đề này, vẫn tổ chức cho NLĐ làm thêm giờ quá quy định pháp luật.
Trưởng Phòng Bảo hộ lao động (Ban Quan hệ lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam) Đặng Văn Khánh cho biết: Theo nghiên cứu, khảo sát gần đây của các nhà khoa học, của Bộ LĐ-TB&XH và của Tổng LĐLĐ, việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ ở các DN nhà nước được chú ý hơn so với DN vừa và nhỏ, DN tư nhân.
Các DN có vốn đầu tư nước ngoài phần lớn tổ chức sản xuất trên cơ sở công nghệ kỹ thuật mới như: DN thăm dò khai thác dầu khí, chế tạo và lắp ráp ô tô xe máy, hàng điện tử cao cấp... đều sử dụng thiết bị hiện đại và công nghệ tiên tiến nên ĐKLĐ được cải thiện hơn. Tuy nhiên, điều đó chỉ diễn ra với những liên doanh, DN 100% vốn đầu tư lớn, được thẩm định kỹ càng trước khi được cấp giấy phép và được thanh tra, kiểm tra ngay từ khi tiến hành xây dựng hoặc những được đầu tư bởi những chủ đầu tư có ý định làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Còn với những liên doanh có vốn đầu tư ít, năng lực sản xuất thấp, đầu tư trong những lĩnh vực như: Dệt may, da giày, chế biến và xây dựng công nghiệp các khâu kiểm định ngay từ đầu không làm tốt thì tình hình thực hiện các quy định về ATVSLĐ và các quy chuẩn, tiêu chuẩn, thời gian lao động còn nhiều vi phạm nghiêm trọng.
Đặc biệt, có tới 95% DN đang hoạt động là DN vừa và nhỏ, phần lớn có nhà xưởng thiết bị lạc hậu, mua lại hoặc chưa có điều kiện mua sắm mới, trình độ công nghệ thấp, người sử dụng lao động và NLĐ đều rất kém hiểu biết pháp luật, lại hầu như chưa có tổ chức công đoàn; đa số có mặt bằng chật hẹp, nhà xưởng tạm bợ, thiếu ánh sáng...