Những bất lợi khi rút bảo hiểm xã hội một lần
Kinhtedothi – Khi rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, người lao động bị thiệt tới 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH, không được hưởng lương hưu và không được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Trong giai đoạn 2016 – 2021, mỗi năm có tới 700.000 người hưởng BHXH một lần và số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm 11,6%, theo thông tin từ Bộ LĐTB&XH.
Những người nhận BHXH một lần chủ yếu là lao động trẻ, tuổi từ 20 đến 40, chiếm 77,5%. Việc số người lao động nhận BHXH một lần gia tăng ảnh hưởng đến việc tích lũy quá trình đóng góp cần thiết để đủ cơ hội hưởng lương hưu hàng tháng.
Đối tượng rút bảo hiểm xã hội một lần
Tại khoản 1 Điều 60 Luật BHXH 2014 đã được sửa đổi bổ sung, khoản 1 Điều 77 Luật BHXH 2014 và Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 quy định đối tượng rút BHXH một lần:
- Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật BHXH 2014 mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
- Ra nước ngoài để định cư
- Người đang mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt. xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
- Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và e khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH 2014 bao gồm công an, bộ đội khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
- Người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Nghị định 115/2015/NĐ-CP mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần.
Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm đóng được tính như sau:
+ 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;
+ 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đã đóng BHXH.
Mức hưởng BHXH một lần của đối tượng được Nhà nước hỗ trợ không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện.
Bất lợi khi rút bảo hiểm xã hội một lần
- Mỗi năm rút một lần thì người lao động chỉ được hưởng 1,5 tháng lương cho mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và 2 tháng lương cho mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014.
Theo cơ quan BHXH Việt Nam, số tiền người lao động hưởng BHXH một lần thấp hơn nhiều so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH. Bởi vì, theo quy định của pháp luật hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%; tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương.
Nếu người lao động hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, nếu rút BHXH một lần thì người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.
- Khi rút BHXH một lần, người lao động không được mua bảo hiểm y tế miễn phí, không được hưởng chế độ miễn phí 100% tiền khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng tuyến
- Khi người lao động tử vong thì gia đình không được nhận tiền trợ cấp mai táng và trợ cấp hàng tháng.
- Sau khi rút BHXH một lần, người lao động muốn hưởng BHXH thì phải đóng lại từ đầu đối với BHXH bắt buộc. Trường hợp không tham gia BHXH nữa thì không đảm bảo nguồn thu nhập hàng tháng khi về già.
Với những ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi khi rút BHXH một lần, người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định. Nếu đang ở thời điểm khó khăn không thể tiếp tục đóng BHXH, người lao động có quyền bảo lưu và sau đó đóng tiếp (tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện) để đủ điều kiện nhận lương hưu và được cấp thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe, để có tuổi già an yên.
Mở rộng chế độ thai sản để thu hút người tham gia bảo hiểm xã hội?
Kinhtedothi – Chế độ thai sản với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện như đề xuất là quá ít, rất cần mở rộng; nên có chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi được “thế chấp” bằng quá trình đóng BHXH sẽ giải bài toán người lao động rút BHXH một lần…
Tuyển chọn trên 12.000 người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc
Kinhtedothi – Kỳ thi tiếng Hàn năm 2023 dành cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS sẽ được tổ chức tuyển chọn lấy 12.121 người.