Wednesday, 08:56 08/11/2017
Nỗi niềm “công bộc” xã, phường - Bài 1: Gồng mình trước áp lực công việc
Kinhtedothi - “Việc gì cũng đến tay” - nhiều người vẫn nói vậy về công việc của những cán bộ làm việc tại cơ sở. Nhưng khi áp lực về khối lượng, thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và nhất là đòi hỏi của người dân về chất lượng phục vụ ngày càng cao, thì thách thức đặt ra cho cán bộ, công chức (CBCC) xã, phường, thị trấn cũng ngày càng lớn.
Bài 1: Gồng mình trước áp lực công việc
Với đặc thù địa bàn đô thị hóa nhanh, dân số đông, thành phần lại phức tạp, trong khi trình độ dân trí ngày càng cao, nhiều CBCC ở phường thực sự đang rơi vào tình trạng quá tải bởi công việc phải giải quyết mỗi ngày.
Mỗi ngày phải “ngốn” hàng trăm hồ sơMặc dù đã gần 11 giờ nhưng CBCC bộ phận Một cửa (BPMC) phường Vĩnh Tuy vẫn không ngơi tay. Trong khoảng nửa tiếng phải tiếp hàng chục công dân. 2 công chức nhận, giải quyết hồ sơ và giải đáp mọi thắc mắc về mọi TTHC chứng thực, tư pháp, địa chính, LĐ-TB&XH…, trung bình khoảng 120, có khi tới 150 hồ sơ/ngày. “Từ sáng tới giờ tôi nhận gần 70 hồ sơ. Thường đúng 7 giờ 30 phút tôi có mặt để nhận kết quả từ bộ phận chuyên môn, sau đó nhận hồ sơ, trả kết quả cho công dân… Theo quy định sáng từ 8 giờ đến 11 giờ, chiều từ 13 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút (trừ chiều thứ Bảy), nhưng sau giờ đó mà còn công dân, chúng tôi vẫn phục vụ. Sau đó, tôi lại sắp xếp, bàn giao sang bộ phận chuyên môn để kịp xử lý, trả đúng hẹn. Thường 18 - 19 giờ tôi mới rời được cơ quan” - chị Nguyễn Thị Giang kể. Là một trong những phường có số dân đông nhất Hà Nội, Vĩnh Tuy được định biên 25 CBCC, trong đó BPMC bố trí hai công chức Văn phòng - Thống kê trực tiếp nhận, một lao động hợp đồng (LĐHĐ) chuyển hồ sơ cho lãnh đạo phường hoặc bộ phận chuyên môn, một LĐHĐ cập nhật văn bản, hỗ trợ người dân về dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)... Ngoài tiếp nhận, thẩm định, xử lý hồ sơ, CBCC còn phải đến địa bàn, vận động người dân..., nhất là vào những chiến dịch như chống sốt xuất huyết thì càng phải “căng” ra.
Cán bộ tư pháp - hộ tịch phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến. Ảnh: Linh Chi |
Với những TTHC thông thường như chứng thực, xác nhận lý lịch…, công chức BPMC không chuyển hồ sơ đến bộ phận chuyên môn mà phải thẩm định luôn để trình lãnh đạo (có thể Phó Chủ tịch UBND phường ngồi ngay tại BPMC để ký). Sau đó, công chức nhận lại kết quả, chuyển sang đóng dấu, thu phí… và trả ngay cho người dân, thời gian chờ chỉ khoảng nửa tiếng. |
(Còn nữa)