Dự án mới chỉ khởi động đã khiến người dân hy vọng vào một không gian đi bộ mới, nhưng cũng vướng không ít lùm xùm. Theo các chuyên gia, Hà Nội xây dựng các không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng không phải là chuyện "muốn là được".
Chưa kể đường rặng nhãn, đường Vệ Hồ, hồ sen hay khu vực được giới trẻ đặt tên là “đường Hàn Quốc” cận kề bên con đường Trịnh Công Sơn khiến nơi đây đang trở thành điểm hẹn của sự thơ mộng. Từ khi được đặt tên, một vài sự kiện nhạc Trịnh chuyên nghiệp đã được tổ chức, chưa kể không thiếu những người yêu nhạc Trịnh đến đây và ngân ca các bản: “Ru em từng ngón xuân nồng”, “Nối vòng tay lớn”…
Đã gần một năm nay, quận Tây Hồ rục rịch với các phần việc biến Đề án tổ chức không gian biểu diễn nghệ thuật (BDNT), ẩm thực đường phố quận Tây Hồ, khởi đầu là đường Trịnh Công Sơn thành hiện thực. Theo như những gì thể hiện trong đề án, thì phố đi bộ Trịnh Công Sơn sẽ bình dân và giản dị hơn, mang phong cách lãng mạn chứ không cổ kính, uy nghiêm như không gian đi bộ quanh Hồ Gươm. Đến với con phố Trịnh Công Sơn vào mỗi dịp cuối tuần, người dân sẽ được nghe nhạc Trịnh, uống cà phê ở các quán ven đường chỉ với giá 10.000 - 20.000 đồng. Đến với phố đi bộ Trịnh Công Sơn để thưởng thức bún ốc, xôi Phú Thượng và cả bánh tôm Hồ Tây…, cũng không thiếu những món ăn ở các làng nghề khác của Thủ đô như bánh cuốn Thanh Trì, cốm làng Vòng… Một sân khấu nhạc Trịnh và cả âm nhạc dân gian do trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cùng các nghệ sĩ nghiệp dư cũng được lên phương án tổ chức. Theo ông Nguyễn Đình Khuyến - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ: “Chúng tôi mong muốn phố Trịnh Công Sơn sẽ là không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, điểm hẹn cho du lịch đúng nghĩa”.
Giảng hòa với người người dânPhố đi bộ Trịnh Công Sơn chưa khai trương, nhưng một số người dân ở đây đã bức xúc phản ứng. Theo ông Nguyễn Đình Khuyến, UBND quận Tây Hồ nhận được 14 đơn khuyến nghị của người dân, chủ yếu bày tỏ phản ứng xung quanh việc dựng kiốt cố định cho các gian hàng trên con phố. “Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương của TP khi phát triển con đường này thành không gian phố đi bộ, nhưng không đồng ý với việc những gian hàng dựng lên cố định như thế này. Theo thiết kế, các gian hàng sẽ là gian hàng di động, nhưng hiện tại được bắt vít. Nhiều hộ gia đình ở đây bị che hướng gió nếu những kiốt như lô cốt này được dựng lên” - bà Nguyễn Biên Thùy một người dân sống ở phố Trịnh Công Sơn đã có đơn khuyến nghị cho biết. KTS Đoàn Kỳ Thanh - một trong các chuyên gia nghiên cứu đề xuất xây dựng đề án tổ chức không gian BDNT, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ cũng thông tin, việc dựng kiốt cố định không đúng với đề xuất ban đầu, đặc biệt là khu vực quảng trường trung tâm.
Sau phản ứng, chính quyền quận Tây Hồ đã tổ chức họp dân, những kiốt cố định đã được tháo dỡ. Ông Nguyễn Đình Khuyến thừa nhận: “Đơn vị xây dựng đã thử nghiệm dựng kiốt cố định, nhưng khi mới dựng lên, chúng tôi thấy những điều bất hợp lý nên kiên quyết tháo bỏ. Các kiốt cố định được thay bằng gian hàng di động khung nhôm, tháo dỡ nhanh trong vòng 20 phút, sau thời gian kết thúc tuyến phố đi bộ”.
Để xây dựng thành công tuyến phố đi bộ không chỉ là chuyện kiốt. KTS Đoàn Kỳ Thanh cho rằng, kiốt chỉ là biểu hiện, vấn đề là những thay đổi của một tuyến phố nên xuất phát từ lợi ích cộng đồng dân cư, việc quản lý mặt hàng, VSMT, trông giữ xe… cũng cần có những phương án rất chặt chẽ. Nếu người dân thực sự muốn gìn giữ không gian chung thì mọi chuyện sẽ thúc đẩy nhanh hơn. Theo GS Kim Donyum - thành viên Ban cố vấn Tổng thống Hàn Quốc, Đại học Sungkyunkwan, người dân quyết tâm thôi chưa đủ, TP cần đề ra những quy định phù hợp với sự phát triển. “Ở Hàn Quốc, luật pháp quy định việc quản lý không gian công cộng rất chặt chẽ. DN nào muốn thuê không gian công cộng cho mục đích thương mại thì phải cam kết phạm vi thực hiện, thời gian sử dụng và phải đóng góp lợi ích cho cư dân khu vực đó”.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Đình Khuyến, mỗi gian hàng tại tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn sẽ chỉ cho thuê khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Có nghĩa là lợi nhuận kinh doanh chưa được tính tới trong bài toán mở tuyến phố. Thế nhưng, chắc chắn chính quyền địa phương không thể ôm mãi công tác tổ chức, vận hành không gian văn hóa này nếu muốn biến nó thành địa điểm văn hóa, du lịch chuyên nghiệp. Chưa kể, trong các giai đoạn tiếp theo, quận Tây Hồ còn có ý tưởng mở rộng tuyến phố đi bộ ra các không gian sân bóng phường Nhật Tân, nhà văn hóa phường Nhật Tân, khu đỗ taxi ABC, 2 hồ sen, bến thủy nội địa và vườn sen Quảng An.
Giảm tải cho phố đi bộ quanh Hồ GươmTrước đó, năm 2014, Hà Nội tổ chức phố đi bộ tại các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm). Tháng 9/2016, TP tiếp tục thí điểm không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận. “Thực tế, phố đi bộ quanh Hồ Gươm và khu phố cổ hiện nay đang thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước cũng như người dân Thủ đô và các bạn trẻ mỗi dịp cuối tuần. Tuy nhiên, nhiều thời điểm nơi đây trở nên quá tải, những ngày trời nắng nóng tương đối ngột ngạt vì không gian phố cổ chật hẹp. Chính vì thế, tôi cho rằng, chủ trương biến phố Trịnh Công Sơn thành phố đi bộ, một không gian văn hóa của Thủ đô là hợp lý và đúng đắn. Trong quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội, khu vực Hồ Tây cũng là một trong những điểm đến trọng điểm của Thủ đô. Tuy nhiên, thời gian qua, các cấp quản lý dường như còn tương đối loay hoay nên khu vực này chưa có nhiều hoạt động phục vụ du khách và chưa được đầu tư tương xứng” - Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet Nguyễn Tiến Đạt cho biết.
Trên thực tế, không chỉ riêng quận Tây Hồ có đề án xây dựng phố đi bộ, mà một số quận khác cũng đã lên kế hoạch tổ chức. Trong năm 2016, quận Thanh Xuân lên kế hoạch tổ chức phố đi bộ kết hợp thương mại, dịch vụ đêm tại phố Nguyễn Quý Đức, dự kiến khai trương đầu năm 2017, tuy nhiên đến nay chưa được thực hiện. KTS Đoàn Kỳ Thanh ủng hộ các quận mở các tuyến phố đi bộ để tạo không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho dân cư. Bởi, theo nghiên cứu, dân cư chỉ thường xuyên hưởng thụ các không gian văn hóa trong vòng bán kính 1km. Chính vì vậy, dân cư ở khu vực Cầu Giấy, Thanh Xuân, hay Tây Hồ… không thể cuối tuần nào cũng lên Hồ Gươm để thưởng ngoạn trên phố đi bộ. Nếu các đề án này thành công, Hà Nội sẽ không chỉ có những con phố cổ kính, thân thiện với môi trường giống như Hội An, mà còn có hình ảnh như phố Stroget, Copenhagen của Đan Mạch, République, Lyon của Pháp…