Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ: giữ được tinh hoa trong bộ máy hành chính công

Kinhtedothi-Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lưu ý Bộ Nội vụ trong thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy làm sao tránh để “người tài xin nghỉ, người dở ở lại”; lựa chọn giữ được tinh hoa trong bộ máy hành chính công, những người thật sự tâm huyết, có đóng góp, có kinh nghiệm, có bản lĩnh.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ sáng nay, 21/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận, Bộ Nội vụ đã giải quyết được rất nhiều việc khó, như vấn đề vị trí việc làm, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), tăng lương, giảm biên chế, đổi mới thi cử…

Dám làm, dám chịu trách nhiệm, đổi mới sáng tạo

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, năm 2024, hoạt động của Chính phủ thành công trên nhiều lĩnh vực, trong đó có sự đóng góp hiệu quả, tích cực của Bộ, ngành Nội vụ, toàn thể cán bộ, công chức (CBCC). Được Thủ tướng giao trực tiếp chỉ đạo Bộ Nội vụ, những tháng vừa qua lăn lộn với lãnh đạo, CBCC của Bộ, ông cảm nhận Bộ Nội vụ đảm nhận khối lượng công việc rất lớn, “cái gì cũng cấp bách, dồn dập, tính chất nhạy cảm và phức tạp”. 

Khẳng định thành công của Bộ Nội vụ cũng là thành công của Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực điểm lại những kết quả nổi bật của ngành trong năm qua: chỉ đạo điều hành quyết liệt và đổi mới; sắp xếp ĐVHC khối lượng rất lớn và kịp thời để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng (sắp xếp 38 đơn vị cấp huyện và 1.178 đơn vị cấp xã); cải cách chế độ tiền lương; xây dựng thể chế với khối lượng văn bản rất lớn; đặc biệt là tinh gọn bộ máy, giải quyết những vấn đề phức tạp về tôn giáo.

Qua đó cho thấy tinh thần trách nhiệm rất cao của Bộ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đổi mới sáng tạo; tuân thủ các chỉ đạo, chủ trương của Đảng, Chính phủ, nhất là trong việc tinh gọn bộ máy.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo

Cũng theo Phó Thủ tướng Thường trực, mặc dù bình diện người bị ảnh hưởng đợt này có lẽ là đông nhất, khoảng 100 nghìn người, nhưng chúng ta cũng mạnh dạn bỏ ra một nguồn lực đáng kể với một chính sách, nếu như đề xuất của Bộ Nội vụ được chấp nhận, thì đây là chính sách đặc thù vượt trội, hết sức mạnh mẽ.

Trông chờ những đột phá trong đánh giá, sử dụng cán bộ

Nêu lên những cố gắng, kết quả đạt được song cũng chỉ ra những điểm còn tồn tại mà Bộ và ngành Nội vụ cần khắc phục, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục suy nghĩ làm sao thu hút, giữ chân, đào tạo, đãi ngộ được người tài; đánh giá cán bộ cho đúng để sử dụng cho đúng. Là cơ quan tham mưu trong việc này, Bộ Nội vụ cần làm sao “loại bỏ người lười biếng trong bộ máy, thu hút người tài vào trong nền hành chính công” như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói.

“Đây là mong muốn, gửi gắm, chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy nên chăng suy nghĩ cuộc cách mạng về công tác cán bộ. Bởi bộ máy có khoa học bao nhiêu, tinh gọn bao nhiêu, có hợp lý bao nhiêu thì hiệu lực, hiệu quả của bộ máy là do con người quyết định… Đánh giá, sử dụng đúng cán bộ, Đảng, Nhà nước và Nhân dân trông chờ chúng ta có điều gì đó đột phá”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lưu ý.

Về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 đối với ngành Nội vụ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết 18-NQ/TW là nhiệm vụ của toàn hệ thống, Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu, đặc biệt quan trọng, nhưng tất cả bộ ngành, địa phương đều có trách nhiệm trong việc này, chứ không chỉ đặt “trên vai” Bộ Nội vụ.

Theo kế hoạch phải làm khẩn trương, trong đó các cơ quan Đảng gương mẫu làm trước ngày 10/2/2025; tuần sau Bộ Chính trị sẽ kết luận để triển khai ngay. Tất cả bộ, địa phương cũng phải tinh gọn tổ chức bên trong của mình để giảm tối thiểu 15-20% đầu mối, cá biệt có những đơn vị Chính phủ yêu cầu phải tinh gọn đến 40%.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ

Đề nghị các bộ, địa phương chủ động trong việc đề xuất phương án tinh gọn bên trong của mình, Phó Thủ tướng Thường trực cũng nêu rõ 4 nhiệm vụ quan trọng đối với riêng Bộ Nội vụ: làm ra mô hình bộ máy tinh gọn, hiệu quả, hợp nhất của T.Ư là cơ sở của địa phương; hình thành cơ chế chính sách đủ mạnh, đủ ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ người lao động nghỉ sớm; hình thành một hạ tầng pháp lý cho bộ máy mới hoạt động; hướng dẫn các địa phương, bộ ngành.

“Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, thậm chí cho Bộ Chính trị, phải làm các nhiệm vụ này nhanh, khẩn trương, nhưng rất khoa học. Chúng ta đổi mới sáng tạo để tiến lên phía trước nhưng phải rất bình tĩnh để đề phòng các rủi ro, quản trị rủi ro. Người lãnh đạo giỏi là người lãnh đạo biết xông lên và phòng ngừa các rủi ro và các hệ lụy” - Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, rủi ro đã được chỉ ra là tránh nhập cơ học, nhập nhưng có chỗ không hợp lý thì phải đề phòng, lường xem những bất hợp lý của việc hợp nhất. Đây là việc rất khó, cần hạn chế tối đa các rủi ro; vừa làm, vừa thăm dò, điều chỉnh, không thể ngay một lúc hoàn thành, nhưng rủi ro phải thấp nhất.

Rủi ro tiếp theo, như lời Tổng Bí thư là “không để cơ quan nhà nước là nơi trú ngụ của người lười biếng”, vì vậy, Bộ Nội vụ cần lưu ý sắp xếp làm sao tránh để “người tài xin nghỉ, người dở ở lại”, lựa chọn giữ được tinh hoa trong bộ máy hành chính công, những người thật sự tâm huyết, có đóng góp, có kinh nghiệm, có bản lĩnh. “Đây là bài toán khó nhưng cố gắng làm, chứ đừng để làm một hồi rồi anh giỏi đi hết, dở ở lại là không thành công” -Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Song song đó, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khi sắp xếp, bộ máy phải vận hành liên tục, phục vụ Nhân dân đảm bảo không đứt quãng; cố gắng cao nhất không phát sinh tiêu cực.

Để bộ máy mới hoạt động phải có hạ tầng pháp lý tốt, Phó Thủ tướng Thường trực thông tin, hiện Chính phủ đang sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản liên quan. “Một núi việc” khổng lồ cho Bộ Nội vụ, nhưng không phải chỉ hình thành thể chế cho bộ máy sáp nhập, mà phải là hệ thống thể chế tạo nền tảng cho sự bứt phá, chuyển mình, tăng trưởng trong tương lai, nhất là khắc phục những bất cập đang tồn tại.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị Bộ Nội vụ đóng vai trò trụ cột để xây dựng một nền hành chính thông thoáng, nền hành chính phục vụ người dân, cải thiện môi trường đầu tư hấp dẫn; chuyển đổi số là giải pháp, liều thuốc hiệu quả để xây dựng Chính phủ điện tử.

Về việc hợp nhất Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội với Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu sẵn sàng sau hợp nhất đảm nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm sao Bộ mới quyết tâm, đoàn kết như hiện nay; đồng thời tin tưởng năm 2025, Bộ Nội vụ và toàn ngành sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó, góp phần tích cực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hà Nội: chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sát sao, cụ thể

Hà Nội: chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sát sao, cụ thể

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ