Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Quận Cầu Giấy còn khó khăn trong quản lý dịch vụ thẩm mỹ, spa, làm đẹp

Kinhtedothi - Chiều 9/7, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP do Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên làm Trưởng đoàn đã làm việc với quận Cầu Giấy về công tác quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn quận từ năm 2021 đến nay.

Tham gia Đoàn giám sát có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Phạm Thị Thanh Mai.

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn quận Cầu Giấy

Xử phạt 99 cơ sở vi phạm với số tiền trên 1,8 tỷ đồng

Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung cho biết, tính đến ngày 31/5/2024, trên địa bàn quận Cầu Giấy có 858 cơ sở y, dược ngoài công lập; trong đó có 368 cơ sở hành nghề dược, 251 cơ sở hành nghề y và 239 cơ sở spa, massage, thẩm mỹ.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và kinh doanh dược đều được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh chữa bệnh hoặc giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dược. Đa số các cơ sở chấp hành tốt các quy định của pháp luật về hành nghề y dược ngoài công lập.

UBND quận chỉ đạo các phường rà soát trên địa bàn quản lý, đối với cơ sở mới, yêu cầu cam kết chỉ được hoạt động khi có giấy phép, tuyệt đối không để cơ sở không phép hoạt động trên địa bàn.

Được sự chỉ đạo hướng dẫn cụ thể của TP, Sở Y tế Hà Nội, sự quan tâm chỉ đạo của Quận ủy, HĐND quận cùng với sự phối hợp đồng bộ chặt chẽ của các phòng ngành liên quan trọng công tác quản lý hoạt động của các cơ sở y, dược ngoài công lập, UBND quận Cầu Giấy đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Quang cảnh buổi làm việc chiều 9/7

Hằng năm, UBND quận phối hợp Sở Y tế Hà Nội tổ chức tập huấn cho người hành nghề về các văn bản pháp luật trong lĩnh vực hành nghề y dược, đặc biệt là các văn bản mới ban hành. Hằng quý tổ chức giao ban với các cơ sở hành nghề y, dược trên địa bàn lồng ghép phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật về hành nghề y dược...

Trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, qua kiểm tra tại các cơ sở y tế chuyên khoa, đa khoa, các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp trên địa bàn, từ năm 2021 đến nay, toàn quận kiểm tra 854 cơ sở, xử phạt 99 cơ sở với số tiền trên 1,8 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu: hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp, quảng cáo dịch vụ khám bệnh chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động, quảng cáo khi chưa có xác nhận nội dung quảng cáo, sổ sách ghi chép hoạt động, bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc...

Nhìn chung, hệ thống y, dược ngoài công lập trong những năm qua đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng góp phần không nhỏ trong công cuộc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và hỗ trợ UBND quận, UBND các phường trong công tác phòng chống dịch bệnh và các công tác khác.

Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung báo cáo tới Đoàn giám sát

Trong những năm gần đây không có khiếu kiện liên quan công tác quản lý y, dược, không có vụ việc về thuốc giả, thuốc buôn lậu trên địa bàn, không có tai biến do vô trách nhiệm của cán bộ y tế, cơ sở không có giấy phép hoạt động thực hiện cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bị xử lý kịp thời và đình chỉ hoạt động, không tái hoạt động không phép.

Việc cấp chứng chỉ hành nghề còn chậm

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, mặc dù được Sở Y tế, UBND quận và Phòng Y tế tập huấn, hướng dẫn bằng nhiều hình thức nhưng ý thức chấp hành pháp luật của người hành nghề vẫn hạn chế, hoặc cố tình lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để thực hiện những hoạt động vi phạm. Nhận thức của người dân trong việc lựa chọn các dịch vụ y tế, nhất là các dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ làm đẹp... cũng hạn chế. Người dân lựa chọn sử dụng các dịch vụ y tế thường phụ thuộc rất nhiều vào thông tin quảng cáo trên các nền tảng số, mạng xã hội…. Việc mở mới và đóng cửa cơ sở spa, làm đẹp, dịch vụ thẩm mỹ thủ tục đơn giản (chỉ cần đăng ký kinh doanh), do đó các cơ sở loại hình này biến động rất nhiều gây khó khăn cho công tác quản lý.

Thành viên Đoàn giám sát nêu một số vấn đề đề nghị quận làm rõ thêm

Việc cấp chứng chỉ hành nghề và cấp phép hoạt động cho các cơ sở y, dược ngoài công lập hiện đang quá tải ở cấp TP nên tiến độ rất chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của người hành nghề, vì thế nhu cầu được khám chữa bệnh của nhân dân cũng chưa được đáp ứng; đi đôi với việc này dễ nảy sinh hoạt động không phép, chưa phép, hoạt động quá phạm vi được cấp phép và hoạt động mà chưa có chứng chỉ hành nghề; đây cũng là nguyên nhân tiềm ẩn sự bất ổn trong quản lý hành nghề ngoài công lập tại cơ sở.

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát quan tâm, đề nghị quận trao đổi, làm rõ về việc kiểm tra các cơ sở không phép, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn trong phát hiện cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập hoạt động không phép; công tác phòng cháy chữa cháy với các cơ sở. Việc quản lý phòng khám có yếu tố nước ngoài; quản lý việc niêm yết giá khám, chữa bệnh, theo dõi mua bán lĩnh vực dược...

Thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai đề nghị Sở Y tế nêu cụ thể những vướng mắc về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế để Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ theo từng nhóm nội dung.

Đồng thời, tính toán để quản lý tốt giá thuốc, việc niêm yết giá thuốc hiện đang có nhiều hạn chế. Nội dung này Sở Y tế đã ủy quyền cho UBND các quận, huyện, thị xã nhưng theo tổng hợp của Sở Y tế là thiếu nhân lực nên làm không xuể.

Đối với việc phối hợp giữa các đơn vị trong quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ việc phân cấp, ủy quyền, nêu rõ trách nhiệm của cấp xã.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại buổi giám sát

Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên nhấn mạnh, quận Cầu Giấy là địa bàn có số lượng các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập lớn nên khối lượng công việc nhiều. Ghi nhận những kết quả đạt được trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn quận Cầu Giấy trong thời gian qua, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị Sở Y tế, quận Cầu Giấy tập trung làm rõ những nội dung theo yêu cầu của Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đã nêu.

Trưởng Đoàn giám sát cũng đề nghị Sở Y tế trên cơ sở Luật Thủ đô (sửa đổi) có phương án nghiên cứu về vị trí việc làm phù hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn.

Trước đó, Đoàn đã khảo sát hoạt động của 2 cơ sở khám, chữa bệnh hành nghề y ngoài công lập  trên địa bàn quận Cầu Giấy.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
Đường sắt đô thị: xương sống “xanh” của giao thông đô thị

Đường sắt đô thị: xương sống “xanh” của giao thông đô thị

28/01/2025 | 10:56

Kinhtedothi - Đường sắt đô thị (ĐSĐT) được ví như xương sống của hệ thống giao thông công cộng bởi năng lực vận chuyển ưu việt. Hơn nữa, ĐSĐT còn là phương tiện chủ đạo để những đô thị lớn như Hà Nội kiến tạo một hệ thống giao thông xanh, bến vững.

Hà Nội: tăng cường xử phạt vi phạm trông giữ xe

Hà Nội: tăng cường xử phạt vi phạm trông giữ xe

28/01/2025 | 10:51

Kinhtedothi - Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, năm 2024 đã xử phạt hơn 748 trường hợp vi phạm trông giữ xe, phạt tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Năm 2025, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng liên ngành cùng địa phương tăng cường kiểm tra các điểm trông giữ xe trên địa bàn TP.

“Tết vội” trên công trường trọng điểm của Thủ đô Hà Nội

“Tết vội” trên công trường trọng điểm của Thủ đô Hà Nội

27/01/2025 | 08:34

Kinhtedothi - Những ngày sát Tết Nguyên đán Ất Tỵ, trên công trường khoan hầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội vẫn nhộn nhịp công nhân, kỹ sư cùng máy móc ầm ì hoạt động. Để bảo đảm “đường găng” tiến độ, công trường sẽ nghỉ Tết muộn và quay trở lại làm việc từ sớm.

Bổ sung quy định mới giúp khắc phục bất cập đầu tư trạm dừng nghỉ

Bổ sung quy định mới giúp khắc phục bất cập đầu tư trạm dừng nghỉ

25/01/2025 | 07:30

Kinhtedothi - Do các quy định ở giai đoạn trước về đầu tư, kinh doanh, khai thác trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ, rõ ràng, nên việc triển khai xã hội hóa nguồn lực gặp rất nhiều khó khăn. Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 165/2024/NĐ-CP có hiệu lực sẽ giúp khai thông cơ chế, tháo gỡ các bất cập.

Tin tài trợ