Quản lý nhà, đất công: Chặn trục lợi chính sách
Kinhtedothi - Thời gian gần đây, việc sử dụng sai mục đích nhà, đất công nhằm trục lợi cá nhân xảy ra ở nhiều địa phương, gây bức xúc dư luận.
Tại Công văn số 1076/BTC-QLCS gửi các bộ, ngành, địa phương mới đây, Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công trong đó có nhà, đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên kết... trước tình trạng trục lợi chính sách và lãng phí từ việc sử dụng nhà, đất công trong thời gian gần đây.
Tồn tại nhiều vi phạm
Qua số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, hiện nay 31/63 địa phương có quỹ nhà, đất giao cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà. Các tổ chức quản lý, kinh doanh nhà hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau (DN, đơn vị sự nghiệp, cơ quan Nhà nước) đang quản lý 87.664 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích 23.706.619m2 đất, diện tích sàn là 5.237.139,6m2.
Thời gian gần đây, việc sử dụng sai mục đích nhà, đất công nhằm trục lợi cá nhân xảy ra ở nhiều địa phương, gây bức xúc dư luận. Đơn cử, tại TP Hồ Chí Minh theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở của DN Nhà nước, DN cổ phần hóa giai đoạn 2011 – 2021, đối với 28 vị trí đất (gần 6 triệu mét vuông) và ban hành 8 kết luận thanh tra. Các đơn vị được thanh tra gồm: Trung tâm Hạt nhân TP Hồ Chí Minh, Công ty Fimexco, Công ty CP Đầu tư và Xây lắp 5, Công ty CP NAKYCO, Công ty TNHH MTV Cây trồng TP Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, Công ty CP Cảng Phú Định, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn. Theo đó, đã thu hồi được 6,5 tỷ đồng tiền thất thoát ngân sách, xử lý hành chính 21 tổ chức, cá nhân và chuyển 7 vụ việc vi phạm sang cơ quan công an để xử lý hình sự.
Căn cứ vào trích dẫn của Thanh tra, những sai phạm này đều liên quan đến chuyển mục đích đất công, DN thực hiện chuyển nhượng hoặc góp vốn bằng tài sản trên đất sau đó chuyển quyền được thuê đất của Nhà nước hoặc quyền phát triển dự án cho đối tác để toàn quyền phát triển dự án.
DN Nhà nước lập công ty liên doanh, liên kết mới để triển khai dự án kinh doanh bất động sản, thực chất là chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư nhưng không thông qua thủ tục đấu thầu hoặc bán đấu giá tài sản, giao quyền khai thác dự án cho đối tác để phân chia lợi nhuận cố định. Ngoài ra còn sai phạm liên quan đến sử dụng đất thuê của Nhà nước không đúng mục đích giao, thuê theo phương án cổ phần hóa DN Nhà nước được duyệt...
“Những lỗ hổng về pháp lý thời gian qua đã khiến cho tài sản nhà, đất công trở thành mục tiêu phát sinh những nhóm trục lợi dựa trên quan hệ thân hữu với một số cán bộ, lãnh đạo các địa phương, dẫn đến những tiêu cực xảy ra, gây thất thoát tài sản Nhà nước, bức xúc trong dư luận. Tôi cho rằng, những vụ việc được Thanh tra đưa ra xử lý mới chỉ là phần nổi, còn “tảng băng chìm” thì chưa biết thế nào” – luật sư Trịnh Hữu Đức, Văn phòng luật Hàm Rồng nói.
Bỏ tư duy theo lối cũ
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, ở Việt Nam đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công thường không được các cơ quan quản lý đất đai đặt thành trọng tâm, nên nguồn lực công sản bị rơi vào hoàn cảnh dễ dàng bị tham nhũng, lãng phí.
Các quy định của pháp luật không chỉ liên quan đến pháp luật đất đai, mà liên quan tới cả pháp luật ngân sách, sự sắp xếp lại việc sử dụng nhà, đất thuộc tài sản công mà phần nhà đất công dôi dư sẽ mang lại nguồn thu ngân sách rất lớn và phải được coi như một nguồn thu từ đất, định giá thành tiền để đưa vào nguồn thu ngân sách Nhà nước. Nhưng điều khó khăn mà Việt Nam chưa vượt qua được là việc giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích công, lợi ích tư trong quá trình chuyển đổi.
Bên cạnh đó, tình trạng trục lợi từ đất công còn diễn ra qua việc chia lô bán nền trái pháp luật. Đất rừng, nông nghiệp, thổ cư, đất vườn đều làm giả hạ tầng đường sá, rồi chia lô đem ra bán như đất ở, thu lợi bất chính cho tư nhân. Chuyện này xảy ra ở khắp các địa phương, từ vùng nông thôn cho tới đô thị lớn. Đây là một cơ chế phát triển đất đai làm ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, tiền của dân đầu cơ vào nền đất nằm yên chờ tăng giá, đấy là những đồng tiền “chết” gây sốt giá ảo, tạo nên một phần lạm phát kinh tế.
Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, kết quả của sự mạnh dạn khi dám tiếp nhận chính sách giao đất của hợp tác xã cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài.
Hay như, Đà Nẵng là địa phương hiếm hoi thực hiện được chính sách thu lại giá trị đất đai tăng thêm không do đầu tư của người sử dụng đất, khi TP phát triển hạ tầng đô thị tại các xóm nghèo để tạo dựng trung tâm TP mới, người dân có điều kiện sống tốt hơn. Sau đó, chính quyền thu toàn bộ giá trị đất đai tăng thêm tại các khu đô thị mới đầu tư nâng cấp hạ tầng đô thị cũ.
“Để khắc phục tình trạng quản lý lỏng lẻo này, cần bổ sung vào Luật Đất đai sửa đổi quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công, quyền tài sản tư gắn với nó là các quy tắc quản lý phù hợp. Việt Nam đang áp dụng kinh tế thị trường để thực hiện công nghiệp hóa, kinh tế tư nhân đóng vai trò động lực phát triển, chuyển dịch đất đai đang diễn ra rộng khắp và phức tạp. Trong hoàn cảnh này, một khái niệm tương tự “đất công”, “đất tư” như ở các nước khác cần được đặt ra và nên bỏ tư duy quản lý, sử dụng đất đai theo lối cũ” – GS.TSKH Đặng Hùng Võ phân tích.
Trước những bất cập của việc sử dụng nhà, đất công, mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 1076/BTC-QLCS gửi các bộ, ngành, địa phương về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, phải xác định giá trị tài sản đúng giá cho thuê để tránh thất thoát. Trước đó, Bộ Tài chính cũng xin ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng, khai thác nhà, đất không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý.
“Tôi cho rằng, việc siết chặt quy định là cần thiết nhằm tránh tình trạng lợi dụng “khoảng trống” pháp lý để các nhóm lợi ích lợi dụng, điều đó không những không đem lại nguồn lợi cho ngân sách Nhà nước, cho sự phát triển đô thị, mà còn khiến người dân bị thiệt thòi, gây bức xúc trong dư luận” – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận.
"Thời gian qua, các vụ án vi phạm trong sử dụng nhà, đất công đều liên quan đến trục lợi để trốn thuế. Vì vậy nhà, đất công phải được định giá theo giá thị trường và việc đấu giá phải được thực hiện rộng rãi, công khai, thậm chỉ cả nhà đầu tư nước ngoài cũng nên được tham gia. Những Nghị định, Thông tư được ban hành là cần thiết nhưng nhất thiết Luật Đất đai sửa đổi phải quy định rõ việc quản lý, sử dụng nhà, đất công, đặc biệt là công tác đấu giá." - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu
Quận Thanh Xuân: Siết chặt quản lý đất công, đất nông nghiệp tại phường Khương Đình
Kinhtedothi - Thời gian qua, việc quản lý, chống lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp được lãnh đạo quận Thanh Xuân quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt tại phường Khương Đình - khu vực có 9/10 khu dân cư chủ yếu có nguồn gốc đất công, đất nông nghiệp.
Khánh Hòa: Chốt thời gian thu hồi hơn 21.700m2 đất công viên Phù Đổng
Kinhtedothi - UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Công ty TNHH Invest Park Nha Trang - chủ đầu tư dự án Công viên Phù Đồng đến ngày 10/1/2023 phải bàn giao hơn 21.722m2. Quá thời hạn trên, UBND TP Nha Trang sẽ thực hiện thủ tục thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
“Phù phép” 9ha đất công để doanh nghiệp phân lô, 13 cán bộ bị truy tố
Kinhtedothi - Cơ quan điều tra đề nghị truy tố 13 bị can là lãnh đạo, cán bộ thuộc các sở, ngành, địa phương. Đây là vụ án liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án khu dân cư thương mại Phước Thái (phường Tam Phước, TP Biên Hòa, Đồng Nai).