Quan tâm phát triển công nghiệp văn hóa để thúc đẩy du lịch
Kinhtedothi – Sáng 18/7, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy chủ trì Hội nghị giao ban đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quý II/2024, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Dự và chủ trì hội nghị còn có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”; Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà.
Hoàn thành 14/18 chỉ tiêu
Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm, trong 18 chỉ tiêu của Chương trình 06-CTr/TU, đến nay đã có 14 chỉ tiêu hoàn thành và tập trung nâng cao chất lượng, trong đó có chỉ tiêu “tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa; tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa”.
Các địa phương, đơn vị đã quan tâm tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa, đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, di tích văn hóa, không gian cây xanh.
Về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, TP nâng cao chất lượng các mô hình, phong trào văn hóa. Nhiều mô hình, cách làm hay được nhân rộng trong toàn xã hội, nhiều tấm gương sáng, câu chuyện đẹp kịp thời được phát hiện, biểu dương và tôn vinh.
Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục phổ thông tiếp tục được giữ vững và có nhiều tiến bộ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU cũng nhận diện những khó khăn, hạn chế cần phải sớm khắc phục. Trong đó, có 5 chỉ tiêu cần tập trung chỉ đạo trong năm 2024 gồm: số lượt khách du lịch đón và phục vụ hàng năm, mục tiêu đến năm 2025 đạt 35 - 39 triệu lượt; số lượt khách du lịch quốc tế đón và phục vụ hàng năm, mục tiêu đến năm 2025 đạt 8 - 9 triệu lượt; tỷ lệ lao động qua đào tạo, mục tiêu đến năm 2025 đạt 75 - 80%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ, mục tiêu đến năm 2025 đạt 55 - 60%; số lao động được đào tạo nghề hàng năm, mục tiêu đến năm 2025, mỗi năm đạt 230.000 lượt.
3 nhóm chỉ tiêu khó hoàn thành, phải tập trung quyết liệt gồm: nâng cấp xếp hạng di tích quốc gia, mục tiêu đến năm 2025 xếp hạng 8 di tích, kết quả đến nay hoàn thành 3/8; tỷ lệ thôn, làng có nhà văn hóa, mục tiêu đến năm 2025 đạt 100%, kết quả thực hiện đến nay đã đạt 99,3% (còn thiếu 34 nhà văn hóa thôn); xây dựng thêm trường liên cấp (tiểu học, THCS, THPT) ngang tầm các nước trong khu vực, mục tiêu đến năm 2025 có 3 - 5 trường, đến năm 2025 dự kiến có trường khởi công xây dựng.
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, quận, huyện đã trao đổi ý kiến về các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình 06-CTr/TU.
Theo Bí thư Quận ủy Cầu Giấy Trần Thị Phương Hoa: “Trong các nhóm chỉ tiêu, chúng tôi băn khoăn về chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia. Hiện nay, theo đánh giá của TP, Hà Nội đang đạt 64,3%, còn thiếu 15 – 20%. Riêng Cầu Giấy, chúng tôi đã nhận thấy và xác định là sẽ không đạt được chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia. Nhiệm kỳ trước, chúng tôi đã dành quỹ đất để đầu tư xây dựng 10 trường; nhiệm kỳ này cũng tiếp tục xây dựng được 6 trường và hiện nay 2 trường tiếp tục đang khởi công. Tuy nhiên, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia của chúng tôi vẫn giảm còn 40%, nỗ lực cũng chỉ được 50%. Vì vậy, để đạt được tỷ lệ từ 80 - 85% theo đặt ra từ đầu nhiệm kỳ đối với Cầu Giấy rất khó, điều này sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu của TP”.
Chia sẻ với quận Cầu Giấy về vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết: hiện nay, có những đơn vị có kinh phí nhưng không có quỹ đất. Mặt khác, thời gian qua, lãnh đạo một số quận, huyện như Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh đã quyết liệt trong quá trình triển khai thực hiện. Theo kết quả dự kiến, đến hết năm 2024 sẽ hoàn thành công nhận mới cho 139 trường chuẩn quốc gia và công nhận lại cho 274 trường. Như vậy, chúng ta sẽ đạt tỷ lệ hơn ơn 80%, bảo đảm chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ TP đề ra.
Khắc phục những khó khăn
Tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản đề nghị các địa phương, đơn vị gắn việc thực hiện Chương trình 06-CTr/TU với việc triển khai Chỉ thị 30-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các địa phương, ngành và thời gian thực hiện.
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, đánh giá, kết quả của Chương trình 06-CTr/TU đạt được từ đầu năm đến nay khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Các sản phẩm liên quan đến lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là công nghiệp văn hóa được thể hiện rõ, mang lại hiệu quả và tác động đến phát triển kinh tế - xã hội. Điều này giúp du lịch Hà Nội phục hồi mạnh mẽ, nhất là du lịch nội địa.
Bên cạnh đó, một trong những điểm nhấn trong hoạt động đầu năm nay là Thành ủy Hà Nội đã ban hành và tổ chức thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU, góp phần làm cho công việc của Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU trở nên toàn diện hơn. Nhiều địa phương chuyển đổi tích cực, vận dụng khá tốt kỳ cuộc, tổ chức sự kiện tạo điểm nhấn cho các hoạt động của TP.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các sở, ngành, địa phương rà soát lại các chỉ tiêu, nỗ lực, cố gắng phấn đấu thực hiện, đặc biệt là cần sớm khắc phục việc thiếu nhà văn hóa tại các thôn, làng.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các địa phương, đơn vị cần quan tâm hơn trong phát triển công nghiệp văn hóa để thúc đẩy phát triển du lịch. “Phát triển công nghiệp văn hoá không phụ thuộc vào giàu hay nghèo, xa hay gần trung tâm mà phụ thuộc vào 2 yếu tố là quyết tâm của người đứng đầu và cách thức để tổ chức thực hiện. Tôi đề nghị, các địa phương rà soát và xác định xây dựng ít nhất 1 sản phẩm du lịch và 1 sự kiện có liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn” – Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU cũng đề nghị Sở VH&TT Hà Nội cùng các sở, ngành liên quan nghiên cứu việc lập quỹ hỗ trợ phát triển văn hóa để hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức trong phát triển văn hóa địa phương.
Đồng thời rà soát chặt chẽ việc thực hiện Chương trình 06-CTr/TU và các hoạt động liên quan đến cam kết với UNESCO về phát triển Thành phố sáng tạo. Sở GD&ĐT cần quan tâm đến chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đại trà.
Mặt khác, các địa phương, sở, ngành cần cụ thể hóa việc thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi); tổ chức các hoạt động, sự kiện thiết thực ý nghĩa khơi dậy khát vọng phát triển của mỗi địa phương.
Văn học, nghệ thuật Thủ đô khơi dậy vẻ đẹp thanh lịch, văn minh
Kinhtedothi - Trong giai đoạn hiện nay, vai trò, trách nhiệm của văn học, nghệ thuật trong việc xây dựng đạo đức, nhân cách con người nói chung và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nói riêng là đặc biệt quan trọng.
Phát huy vai trò của báo chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Kinhtedothi - Sáng 26/6, Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức Tọa đàm “Phát huy vai trò của báo chí truyền thông với việc tuyên truyền xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, gắn với cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”.
Phát huy văn hóa xứ Đoài, xây dựng người Thạch Thất thanh lịch, văn minh
Kinhtedothi - Tối 11/7, huyện Thạch Thất đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện Thạch Thất (13/7/1945 - 13/7/2024) và gắn biển công trình vườn hoa Phùng Khắc Khoan chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).