Sân khấu dành cho thiếu nhi thiếu tác phẩm thuần Việt
Kinhtedothi - Hiện nay, các tác phẩm sân khấu đa số lấy cảm hứng từ hình tượng nhân vật hoặc cốt truyện nước ngoài. Vì thế, nhiều thế hệ thiếu nhi yêu thích các nhân vật nước ngoài, biết chuyện cổ tích nước ngoài nhiều hơn là những câu chuyện mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Đó là những trăn trở, suy ngẫm của các nghệ sĩ, lãnh đạo đơn vị nghệ thuật tại tọa đàm Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên nhi đồng lần thứ nhất – năm 2024 vừa diễn ra tại Hải Phòng.
![](https://resource.kinhtedothi.vn/2024/05/26/img-20240521084648.jpg)
Kịch thiếu nhi không nên gây cười nhảm nhí
Sân khấu vốn là một loại hình mang đủ yếu tố có thể thu hút và khiến khán giả nhỏ tuổi yêu thích. Tuy vậy, có một điều dễ nhận thấy rằng, ngoài loại hình múa rối nước mang nội dung và hình thức đậm bản sắc dân tộc và được nhiều người biết đến, thì những loại hình nghệ thuật sân khấu khác chưa được biết nhiều, đặc biệt là sân khấu kịch nói với chủ đề mang sắc màu văn hoá.
Theo NSND Trung Hiếu – Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội: ngày nay, trẻ em được tiếp xúc sớm với các kênh giải trí và truyền thông thông qua nhiều thiết bị điện tử. Do vậy, các con bị thu hút và yêu thích những sản phẩm giải trí của nước ngoài nhiều hơn. Nắm bắt tâm lý và thị yếu của khán giả nhí, các đơn vị nghệ thuật có sự lựa chọn về nội dung và cảm hứng từ những nội dung liên quan đến văn học, giải trí và hình tượng nhân vật nước ngoài nhiều. Do vậy, các bạn thiếu nhi biết những câu chuyện cổ tích nước ngoài hơn là những câu chuyện và vở diễn có nội dung về văn hoá Việt Nam.
![](https://resource.kinhtedothi.vn/2024/05/26/z5440163329993-69bb664dc1b70bb57513de0c47aebaf7.jpg)
Không chỉ ít kịch bản, sản phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi thuần Việt, theo các chuyên gia, hiện nay, các đơn vị nghệ thuật có lịch biểu diễn cố định hàng tuần (hoặc hàng tháng) dành cho thiếu nhi không nhiều, và chỉ chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Gia đình, nhà trường cùng các tổ chức đoàn thể thường chỉ tổ chức đưa con em đến Nhà hát thưởng thức sân khấu nghệ thuật vào những dịp dành cho thiếu nhi. Chính vì vậy, trẻ em có ít cơ hội được chủ động lựa chọn sân khấu.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, sân khấu lồng ghép các bài học trong tác phẩm còn gượng ép và chưa thiết thực. Điều này dẫn đến, yếu tố giáo dục thông qua các vở diễn chưa được phát huy hết.
Từng tham gia các vở diễn dành cho thiếu niên, nhi đồng của Nhà hát Tuổi trẻ, Sân khấu Lệ Ngọc, em Nguyễn Như Khôi - Đại sứ trẻ em Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - học sinh lớp 12, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ: “Trẻ em hiện nay không chỉ được tiếp xúc với nền văn hoá của Việt Nam mà còn biết được nét độc đáo của các nước nhờ công nghệ phát triển. Vì vậy kịch thiếu nhi không thể làm dễ dãi, gây cười nhảm nhí”. Nguyễn Như Khôi cũng bày tỏ, sân khấu muốn thu hút giới trẻ cần phải có cách làm hiện đại. Vở diễn cho thiếu niên, nhi đồng phải dễ hiểu. Đặc biệt, khi dàn dựng và biểu diễn, các đơn vị nghệ thuật cần phân hóa nội dung theo lứa tuổi.
Sân khấu hoá tác phẩm văn học
Lâu nay, vấn đề kịch bản cho thiếu nhi tương đối khó vì ít tác giả viết cho trẻ em. Vì vậy, theo NSƯT Ngọc Ánh – Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, trong lúc chờ đợi những kịch bản phù hợp, nhà hát xây dựng mô hình sân khấu hoá các tác phẩm văn học dành cho thiếu niên, nhi đồng. Hoạt động này giúp các em giao lưu trực tiếp với nhà chuyên môn, nghệ sĩ yêu thích, từ đó vận dụng kiến thức văn học vào thực tế, nâng cao hiệu quả giáo dục sáng tạo. Đan xen trong buổi thưởng thức nghệ thuật là chương trình giao lưu với các chuyên gia khách mời gồm giáo sư, tiến sĩ, KOLs, KOC…. để họ phân tích nhân vật, nội dung vở diễn, liên hệ thực tiễn với các bài giảng trên lớp, tạo không khí sân khấu học đường, sân khấu hóa các tác phẩm văn học.
Chúng tôi làm sân khấu xã hội hóa nên rất quan tâm đầu ra cho tác phẩm. Mỗi lần dựng tác phẩm mới, luôn phải suy nghĩ, nghiên cứu, tính toán và thực hiện thật chỉn chu thì mới có thể đưa các em nhỏ đến với sân khấu nhiều nhất.
NSND Lệ Ngọc
Đồng quan điểm, NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội mong muốn có thêm nhiều dự án sân khấu học đường để các vở diễn có thể tiến thẳng vào trường học. NSND Trung Hiếu bày tỏ: “trong quá trình học tập hai bộ môn Ngữ văn và Lịch sử, việc kết hợp yếu tố nghệ thuật giúp học sinh các cấp có thêm một cách tiếp cận khác thêm phần thú vị, tăng hiệu quả và hứng thú học tập. Đây cũng chính là lý do và ý nghĩa của Đề án Sân khấu kịch học đường mà Nhà hát Kịch Hà Nội đang triển khai. Hi vọng rằng, những tác phẩm văn học, những hình tượng nhân vật lịch sử của đất nước ta sẽ không chỉ là tồn tại trong sách giáo khoa, mà có thể được tái hiện sinh động trong các vở diễn trên sân khấu. Bởi hiệu quả mà sân khấu biểu diễn đem lại cho các bạn học sinh sẽ là một trải nghiệm rất khác biệt, rất ấn tượng”.
![Hè này, Bà Nà thành “đại sân khấu” của chuỗi show diễn đẳng cấp thế giới](https://resource.kinhtedothi.vn//2024/05/14/img-5048-thumb.jpg)
Hè này, Bà Nà thành “đại sân khấu” của chuỗi show diễn đẳng cấp thế giới
Kinhtedothi - Thay vì phải đến các công viên ở những kinh đô du lịch và giải trí phương Tây, du khách có thể “mục sở thị” các show diễn chứa đựng tinh hoa nghệ thuật biểu diễn thế giới ngay tại Bà Nà trong mùa hè này.
![Biến đường phố thành "sân khấu": xử phạt nghiêm để tạo sức răn đe](https://resource.kinhtedothi.vn//2024/05/20/440968183-403556492662312-4847103962650040307-n-1947.jpg)
Biến đường phố thành "sân khấu": xử phạt nghiêm để tạo sức răn đe
Kinhtedothi - Nhiều người biến đường giao thông thành nơi chụp ảnh, quay video, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Hành vi này cần được xử lý nghiêm nhằm thực hiện các quy định của pháp luật góp phần giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông.
![Học sinh Thủ đô thêm yêu lịch sử qua Đề án sân khấu học đường](https://resource.kinhtedothi.vn//2024/05/20/dien.jpg)
Học sinh Thủ đô thêm yêu lịch sử qua Đề án sân khấu học đường
Kinhtedothi- Ngày 20/5, hàng nghìn học sinh Hà Nội đã được thưởng thức chùm kịch ngắn “Lời bà kể” do Nhà hát Kịch Hà Nội biểu diễn. Đây là chương trình mở màn triển khai Đề án sân khấu học đường cho học sinh tiểu học quận Hoàn Kiếm nói riêng và học sinh Thủ đô nói chung.