Sắp đấu giá khối băng tần C3 cho 5G với giá khởi điểm 2.580 tỷ đồng
Kinhtedothi - Buổi đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C3 sẽ được tổ chức vào ngày 9/7 tại Hà Nội.
Cục Tần số vô tuyến điện sẽ phối hợp tổ chức cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C3 vào lúc 14h00 ngày 9/7, tại Hội trường tầng 10 Cục Tần số vô tuyến điện (Hà Nội).
Tài sản đấu giá do Bộ TT&TT ủy quyền, Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt là đơn vị tổ chức đấu giá. Doanh nghiệp trúng đấu giá được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm.
Được biết, giá khởi điểm quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 3800-3900 MHz là hơn 2.580 tỷ đồng. Tiền đặt trước là 130 tỷ đồng, bước giá là 25 tỷ đồng.
Cuộc đấu giá được tổ chức bằng bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng tại cuộc đấu giá và theo phương thức trả giá lên. Việc bỏ phiếu trả giá được tiến hành nhiều vòng cho đến khi không còn doanh nghiệp trả giá thì doanh nghiệp cuối cùng có mức giá trả cao nhất là doanh nghiệp trúng đấu giá.
Vào tháng 3/2024, Bộ TT&TT đã tổ chức đấu giá cả 3 khối băng tần được quy hoạch để triển khai 5G, gồm B1 (2.500-2.600 MHz), C2 (3.700-3.800 MHz) và C3 (3.800-3.900 MHz).
Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội đã trúng đấu giá khối băng tần B1 (2500-2600 MHz) với giá 7.533.257.500.000 đồng. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trúng đấu giá khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) với giá 2.581.892.500.000 đồng.
Riêng khối băng tần C3 (3800-3900 MHz), do chỉ có 1 doanh nghiệp nộp tiền đặt trước để tham gia đấu giá, không có đủ số lượng tối thiểu doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, nên cuộc đấu giá khối băng tần C3 không thành.
Theo quy định, Viettel và VinaPhone đều không có quyền tham gia cuộc đấu giá khối băng tần C3 vì đã trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần 2500-2600 MHz (khối băng tần B1) và khối băng tần 3700-3800 MHz. (khối băng tần C2).
Hiện chỉ còn nhà mạng MobiFone có nhu cầu phát triển 5G nhưng chưa có băng tần. Trong bối cảnh quyền sử dụng các băng tần 2500-2600 MHz (dành cho 4G, 5G) và 3700-3800 MHz đã lần lượt thuộc về Viettel và VNPT, còn Vietnamobile không mặn mà với mạng 5G, Bộ TT&TT quy định chi tiết về các phương án xử lý tình huống đấu giá trong trường hợp chỉ có một tổ chức đăng ký tham gia đấu giá, một tổ chức tham gia đấu giá, một tổ chức trả giá.
Cụ thể, trong trường hợp đấu giá lại các khối băng tần sau cuộc đấu giá không thành, tại cuộc đấu giá lại, khi đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá mà chỉ có một tổ chức đăng ký tham gia đấu giá hoặc có nhiều tổ chức đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có một tổ chức tham gia cuộc đấu giá hoặc có nhiều tổ chức tham gia cuộc đấu giá nhưng chỉ có một tổ chức trả giá hoặc có nhiều tổ chức trả giá nhưng chỉ có một tổ chức trả giá cao nhất và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm thì khối băng tần được bán cho tổ chức đó.
VNPT đấu giá thành công băng tần 5G
Kinhtedothi - VNPT đã đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C2 (3700 - 3800 MHz).
Khi nào 5G chính thức thương mại hóa?
Kinhtedothi - Các nhà mạng đã đấu giá các khối băng tần để triển khai 5G. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu để tiến tới việc thương mại hóa công nghệ mạng này...
5G sẽ bùng nổ với gần 5,6 tỷ thuê bao vào cuối năm 2029
Kinhtedothi - Dự đoán đến cuối năm 2029, công nghệ 5G tiếp tục phát triển mạnh mẽ và sẽ đạt gần 5,6 tỷ thuê bao trên toàn cầu, riêng Đông Nam Á có khoảng 560 triệu.