Sau Nhật, Thái, hàng Hàn Quốc đổ bộ vào thị trường Việt
Sau cơn sốt các chuỗi cửa hàng món nướng Hàn Quốc, thực phẩm của xứ sở kim chi đã bắt đầu len lỏi vào thị trường Việt thông qua các kênh bán lẻ. Người tiêu dùng trong nước dễ dàng mua được những gói mỳ tôm, hoa quả hay những loại rong biển chữ Hàn ngay trong siêu thị gần nhà.
Từ mỳ gói tới củ sâm
Được gói trong những hộp giấy đẹp, những quả lê xuất xứ nhập về từ Hàn Quốc có giá khoảng 250 nghìn đồng/kg nhưng vẫn được nhiều gia đình đặt mua. Lý do, chị Nguyễn Thị Vân (KĐT Trung Văn, Hà Nội) chuộng đồ Hàn vì một phần đam mê văn hóa Hàn, một phần vì chất lượng. “So với thực phẩm của Nhật, đồ Hàn cũng khá ổn về chất lượng, bên cạnh đó giá cũng không đắt nhiều so đồ nhập ngoại khác”, chị Vân cho hay.
Theo chia sẻ của chị, gia đình chị hay mua nhiều đồ Hàn, trước đây chủ yếu là sâm thì bây giờ từ gói mỳ tôm, rong biển, nước gạo, lô hội,… Một điều mà chị Vân nhận thấy các mặt hàng của Hàn Quốc đang bán ngày càng rộng rãi hơn. Nếu như trước đây chủ yếu ở các siêu thị chuyên biệt đồ Hàn tại Trung Hòa Nhân Chính, Mỹ Đình thì nay ngay tại các cửa hàng siêu thị nhỏ lẻ, nhiều sản phẩm của Hàn đã được bày bán.
Khảo sát tại một cửa hàng tiện ích ở Hà Đông, nhiều mặt hàng từ Hàn Quốc đang bày bán tại đây, trong đó chiếm đa số là mỳ tôm, nước gạo,…Chị Thu Hồng, nhân viên bán hàng tại đây chia sẻ, khách hàng đặc biệt là người trẻ rất thích các loại mỳ Hàn.
”Nhiều bạn trẻ xem phim Hàn, nên tò mò muốn thử món mỳ cay hay kim chi. Cửa hàng đã nhập nhiều sản phẩm như vậy về bán và được tiêu thụ cũng khá tốt”, chị Hồng cho biết thêm.
Thực tế, đồ Hàn Quốc đã thâm nhập thị trường Việt Nam cách đây nhiều năm thông qua các kênh tiêu dùng. Nhu cầu ban đầu phục vụ đối tượng khách hàng Hàn Quốc tại Việt Nam sau đó khi các hệ thống bán lẻ vào Việt Nam, hàng Hàn càng có điều kiện phát triển mạng lưới phân phối.
Các mặt hàng thực phẩm Hàn Quốc đang dần đi vào đời sống tiêu dùng của người Việt như một trong những sự lựa chọn mới bên cạnh các sản phẩm của Nhật Bản hay Thái Lan. Đặc biệt nhóm tiêu dùng trẻ đang ưu chuộng ngày càng nhiều.
Đổ bộ của doanh nghiệp
Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang dịch chuyển trọng tâm từ thị trường Trung Quốc sang thị trường tiềm năng là Việt Nam để mở rộng xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng. Điển hình là Tập đoàn Shinsegae đưa vào hoạt động đại siêu thị Emart đầu tiên với tổng vốn đầu tư khoảng 60 triệu USD. Lotte liên tục mở rộng kinh doanh và gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam. Lotte Mart đã đầu tư gần 650 triệu USD để mở 12 siêu thị tại Việt Nam, trong đó Lotte Mart Gò Vấp chiếm đến 45 triệu USD.
Hay như tại hội chợ Vietfood & Beverage-ProPack có tới 33 doanh nghiệp trong tổng số 180 doanh nghiệp tham gia. Hàn Quốc là một trong những nước có số doanh nghiệp tham gia nhiều nhất.
Các doanh nghiệp Hàn mang tới Việt Nam nhiều mặt hàng tiêu dùng để giới thiệu từ cao cấp cho đến bình dân. Đơn cử như sâm và các sản phẩm từ sâm, nấm linh chi, bánh kẹo, đồ uống, nước hoa quả, sản phẩm từ sữa, rau củ quả tươi và sấy khô, thuỷ sản, mỳ ăn liền, gia vị… thậm chí là cả những bánh xà bông thơm cũng được bày bán.
Đại diện một doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc cho biết, doanh nghiệp này đang cố gắng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hoá sang Việt Nam. Việt Nam với dân số 90 triệu dân đang được xem là thị trường cực kỳ tiềm năng. Thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam đã tăng 6,81% trong quý 3 năm 2015, và là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất châu Á.
Ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) nhận định, thực phẩm và đồ uống là một trong những ngành công nghiệp có tăng trưởng nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, là ngành có tiềm năng phát triển rất lớn tại Việt Nam - quốc gia có quy mô dân số lớn, trong giai đoạn “độ tuổi vàng”.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi các hiệp định thương mại tự do đang được đàm phán và ký kết chuẩn bị đi vào thực thi. Với việc FTA song phương được ký kết chắc chắn rằng các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ có điều kiện hơn nữa để gia tăng, mở rộng đầu tư, thương mại và thành công tại thị trường Việt Nam.