Tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ 1/7/2022
Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Nghị định này quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Đối tượng áp dụng gồm:
1- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
2- Người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động gồm: Doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.
3- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định này.
Tăng tiền lương tối thiểu vùng thêm 6%
Về mức lương tối thiểu tháng, Nghị định quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng. Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng. Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng. Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Về mức lương tối thiểu giờ, Nghị định cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.
Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động.
Nghị định cũng nêu rõ mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.
Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.
Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ.
Nghị định trên có hiệu lực từ ngày 1/7/2022.
Tăng lương tối thiểu từ 1/7/2022 là phương án tối ưu?
Kinhtedothi – 8 hiệp hội đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng (LTTV) đến ngày 1/1/2023; trong khi đó phía đại diện người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) cho rằng không thể kéo dài sự chậm trễ này bởi NLĐ đang rất khó khăn.
Giải bài toán tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022
Kinhtedothi – Lao động là nguồn lực quý giá nhất của mọi DN. Trước thực tế đời sống của công nhân lao động (CNLĐ) rất khó khăn vì tiền lương thấp, nhiều DN đồng ý tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022 nhưng đang tìm nguồn để thực hiện.
Rà soát, cập nhật các địa bàn để đề xuất tăng lương tối thiểu vùng
Kinhtedothi – Bộ LĐTB&XH đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, TP chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát và cập nhật lại tên các địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu để làm căn cứ nghiên cứu đề xuất Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu vùng.