Thi hành án hành chính: Còn nhiều bất cập
Kinhtedothi - Một trong những khó khăn của việc thi hành án (THA) hành chính là tình trạng chấp hành không nghiêm do chủ thể phải thi hành là những đối tượng “đặc biệt nhạy cảm”.
Kết quả theo dõi thi hành án hành chính năm 2017 cho thấy, có 36 bản án, quyết định, thuộc trách nhiệm theo dõi của cơ quan THA dân sự, đã ban hành văn bản thông báo trách nhiệm tự nguyện THA với 297 việc, 64 việc còn lại Tòa án đã có quyết định buộc phải THA. Thi hành xong 276 việc, còn 85 việc, trong đó có 5 vụ việc người phải THA là UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện...
Thực thi khó khănTuy nhiên, đối tượng bị khởi kiện trong các vụ án hành chính là những quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền. Do đó, người phải THA trong trường hợp này là các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước. Với đặc thù như vậy, nên việc thi hành các bản án hành chính gặp nhiều khó khăn.
Theo Tổng cục THA dân sự (Bộ Tư pháp), tình trạng không chấp hành nghiêm bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính nói chung và phần tài sản trong bản án, quyết định của một số cơ quan Nhà nước vẫn còn, nhất là các khoản trả lại tài sản, giao lại đất đai cho người khởi kiện, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Nhà nước, gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài. Thời gian vừa qua, Bộ Tư pháp, Tổng cục THA dân sự liên tục nhận được đơn thư khiếu nại của người dân liên quan đến việc không chấp hành án của cơ quan Nhà nước.Bên cạnh đó, một số tòa án địa phương thực hiện chưa nghiêm việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính sang cơ quan THA dân sự theo quy định tại Điều 196, Điều 244 của Luật TTHC và Điều 28 của Luật THA dân sự, trong khi đây là cơ sở quan trọng, phát sinh trách nhiệm theo dõi thi hành án hành chính và tổ chức thi hành các khoản án phí của các cơ quan THA dân sự.Phối hợp thiếu nhịp nhàngCông tác phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan khác và giữa Cục THA dân sự với các cơ quan liên quan trong công tác THA hành chính còn chưa chặt chẽ, thiếu nhịp nhàng; cơ chế thông tin, trao đổi giữa các cơ quan này còn chưa đầy đủ. Một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan THA dân sự chưa thật sự quan tâm, phối hợp, chấp hành còn chưa nghiêm chế độ thông tin, báo cáo Chính phủ về công tác THA hành chính nói chung và việc thi hành phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính nói riêng. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát việc thi hành phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính chưa được chú trọng thực hiện.Để khắc phục được những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc nêu trên, Tổng cục THA dân sự đã kiến nghị cần xem xét quy định cụ thể các biện pháp cưỡng chế đối với cả cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức bị kiện trong trường hợp không chấp hành án hoặc chấp hành không đúng bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính như quyết định phạt tiền hoặc xử lý hành chính nêu tên trên phương tiện truyền thông…Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ngành và UBND các cấp trong việc chấp hành, chỉ đạo chấp hành nghiêm các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật.
Tổ chức kiểm tra công tác THA hành chính ở các Bộ, ngành, địa phương theo hướng có trọng tâm, trọng điểm tại các cơ quan, địa phương có số lượng vụ việc THA hành chính lớn, phức tạp, kéo dài nhằm xác định rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp bảo đảm thi hành dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật, tránh tình trạng tồn đọng án hành chính, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giảm uy tín của cơ quan Nhà nước và gây bức xúc trong dư luận xã hội.