Thừa Thiên Huế quyết tâm đưa du lịch trở lại đường băng
Kinhtedothi – Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch để tận dụng tốt thời cơ mở lại thị trường khách quốc tế.
Sẵn sàng đón khách quốc tế
Tỉnh Thừa Thiên Huế xác định, việc mở cửa hoàn toàn trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”.
Điểm nhấn là quảng bá hình ảnh du lịch Thừa Thiên Huế với thông điệp “Huế - Điểm đến an toàn và thân thiện”, khẳng định thương hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài”, “Huế - Kinh đô Ẩm thực”, “Huế - Festival Bốn mùa” gắn với thông điệp chung của du lịch quốc gia “Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn”. Qua đó, thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế đến và trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ.
Theo đó, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo rà soát và hệ thống hóa lại các hoạt động của du lịch cộng đồng trên cơ sở tổ chức đảm bảo, thiết thực, mang tính cộng đồng cao để có thể kêu gọi, xúc tiến những đoàn du lịch trong và ngoài nước. Đồng thời, tập trung chỉnh trang cơ sở vật chất, hạ tầng để đảm bảo điều kiện đón khách được tốt nhất.
Chiều 15/3 vừa qua, tại Ngọ Môn – Đại Nội Huế, Thừa Thiên Huế đón đoàn khách của Công ty TNHH Du lịch và Sự kiện Việt (Công ty Viettours) với số lượng khách gần 600 người đến tham quan Hoàng cung Huế theo khuôn khổ chương trình du lịch hình thức Incentives (khen thưởng) và Teambuilding (giao lưu tập huấn/đào tạo) tổ chức cho các nhân sự cao cấp và cán bộ của một tập đoàn lớn. Trước đó, vào ngày 10/3, địa phương đã ký kết hợp tác toàn diện với Vietnam Airlines, nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh điểm đến, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư và du lịch.
Mới đây, trong cuộc họp bàn về kế hoạch mở cửa đón khách quốc tế và phục hồi, kích cầu du lịch tỉnh trong điều kiện bình thường mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình đã chỉ đạo Sở Du lịch có các giải pháp cụ thể, sẵn sàng và chuẩn bị tốt nhất để mở cửa trở lại cả du lịch quốc tế và nội địa trong điều kiện bình thường mới. Giao Sở Y tế phối hợp với Sở Du lịch xây dựng quy trình, hướng dẫn cụ thể để phục vụ việc đón khách nói chung, trong đó có khách quốc tế, quy trình xử lý các tình huống trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Đối với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cần quan tâm đến việc chỉnh trang, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, khai thác hiệu quả các di tích, chủ động xây dựng, phục hồi các sản phẩm du lịch phụ vụ du khách về đêm, có sự chuẩn bị đầy đủ, kết nối chặt chẽ để tái khởi động, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút du khách đến với Huế, nhất là gắn với các hoạt động đêm Huế ở đường đi bộ xung quanh hoàng thành.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Theo ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, đơn vị đang phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới như: Phố đêm Hoàng Thành, phố ẩm thực… cùng hàng loạt điểm du lịch thư giãn cộng đồng dọc hai bờ sông Hương. Đồng thời, tập trung sắp xếp và hướng dẫn lại các mô hình khai thác dịch vụ suối thác ở những điểm du lịch cộng đồng… để thu hút du khách.
Song song đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh công tác truyền thông điểm đến, các sự kiện, lễ hội và chuỗi sản phẩm du lịch của địa phương trên các kênh trong và ngoài nước, trên mạng xã hội với thông điệp chung của quốc gia “Việt Nam – Trải nghiệm trọn vẹn” gắn với thông điệp của địa phương “Huế - điểm đến an toàn và thân thiện”; Tập trung giới thiệu, quảng bá thương hiệu nổi trội của của địa phương”, “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”, “Huế - Festival Bốn mùa”.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh du lịch, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có những hỗ trợ cụ thể, góp phần giúp sớm trở lại hoạt động, như: Tiếp tục giảm giá nước 3 tháng; giới thiệu, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận các hình thức, gói vay lãi suất được tỉnh hỗ trợ và ngân hàng cùng đồng hành; có chính sách kích cầu hỗ trợ loại hình du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo), Teambuilding và các đoàn du lịch theo hình thức charter (thuê bao chuyến); giảm 50% phí tham quan các điểm di tích Cố đô Huế; Hỗ trợ các chương trình đào tạo lại, tập huấn thêm kỹ năng chuyên môn cho người lao động ngành du lịch.
Cùng với đó, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục triển khai những chính sách chung như: Giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%; gia hạn thời gian nộp bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp đến hết năm 2022; Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2022; Giảm phí cấp giấy phép kinh doanh lữ hành, phí cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, giảm tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Với sự chủ động của doanh nghiệp du lịch, những chính sách hỗ trợ thiết thực của chính quyền hứa hẹn sẽ thổi một “làn gió mới” đến ngành du lịch.
Vietnam Airlines ký kết hợp tác toàn diện với Thừa Thiên Huế và Quảng Trị
Kinhtedothi - Ngày 10/3, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với UBND Thừa Thiên Huế (giai đoạn 2022 - 2026) và UBND tỉnh Quảng Trị (giai đoạn 2022 - 2025).