Monday, 14:10 17/02/2020
Thực hư chuyện trường Newton thu 2,5 triệu mỗi học sinh khi học online
Kinhtedothi - Có ý kiến cho rằng, thật lạ khi trường Newton thu đến 2,5 triệu đồng/học sinh đợt học trực tuyến với vài cái clip giao, chữa bài. Tuy nhiên, hiệu trường trường này đã có thông tin khác.
Sáng nay (17/2), trên nhiều diễn đàn trực tuyến, các cư dân chia sẻ sau văn bản có tên gọi "Thông báo số 15", ban hành ngày 15/2 của trường liên cấp Neuton (trường THCS - THPT Newton) về việc kế hoạch dạy học online trong tháng 2/2020.
Nội dung trong Thông báo số 15 có nhắc đến khoản học phí. Tuy nhiên, hiệu trường nhà trường cho biết, hiện văn bản này chưa có hiệu lực. |
Tại thông báo này, có 3 nội dung được nhắc tới, gồm kế hoạch học tập online của học sinh trong tháng 2/2020; kế hoạch học bù cho thời gian nghỉ và học phí trong thời gian học sinh nghỉ và học online tại nhà.
Điều được nhiều phụ huynh quan tâm đó chính là việc thu học phí từ nhà trường trong đợt cả nước đang phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, tại phần nội dung thứ 3 của Thông báo 15, trường liên cấp Newton nêu: "Sự bùng phát của dịch viêm phổi do virus Corona là nằm ngoài mong muốn và kế hoạch của tất cả mọi người, mọi gia đình và nhà trường. Học sinh không đến trường trong thời gian dài, nhưng để duy trì được sự ổn định của đội ngũ giáo viên, để đảm bảo mức thu nhập cho các thầy cô yên tâm công tác và cống hiến, Ban lãnh đạo nhà trường vẫn trả lương, bảo hiểm xã hội và phúc lợi cho giao viên toàn trường... Trong thời gian này, Ban lãnh đạo nhà trường rất mong phụ huynh cùng chia sẻ".
Và, sau hồi dẫn giải những khó khăn của nhà trường trong thời gian vừa qua, Ban lãnh đạo đưa ra mức phí thu thêm trong thời gian học sinh học online tại nhà là 2.200.000 đồng/tháng với khối Tiểu học và 2.500.000 đồng/tháng với khối THCS và THPT.
Theo Thông báo 15, mức phí này là chung cho tất cả hệ học, trước hết áp dụng với tháng 2/2020 và sẽ được tính vào phụ thu cuối năm học.
Ngay khi văn bản này được chia sẻ, đã có nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến phân tích, học và dạy online chỉ có giao bài, quay chữa bài giảng cho cả khối rồi gửi về chưa không phải học theo giờ và có giao lưu hỏi đáp trực tuyến, đồng thời cho học Vio - trang web miễn phí mà vẫn bị thu tiền thì lạ thật.
Anh Đăng Hạ ở quận Long Biên nhận xét: “Tôi thấy nhiều trường đã công khai không thu học phí khi dạy trực tuyến cho các học sinh đợt nghỉ phòng dịch. Thậm chí, có một số trường còn đề xuất giảm học phí. Giờ cả nước đang cùng chung tay chống dịch, việc thu thêm tiền có thể dẫn đến căng thẳng hơn tới các gia đình hay học sinh. Nếu làm chương trình online quá vất vả trong khi vẫn phải dạy bù thì nên chọn phương án khác hợp lý hơn”.
Ở góc độ khác, chị Trần Quỳnh ở quận Đống Đa, Hà Nội nhìn nhận, văn bản đã nêu rõ, đây là đề xuất từ phía nhà trường để hỗ trợ các khoản chi bắt buộc trong thời gian tổ chức dạy online, do vậy, với khoản tiền nhỉnh 2 triệu đồng cho cả tháng thì chưa thật quá lớn.
“Các thầy cô giáo cũng mất nhiều công sức để tạo một bài giảng hướng dẫn học trực tuyến. Trong điều kiện khó khăn chung, mỗi bên sẽ chịu thiệt thòi một chút là hợp lý hơn cả” - chị Quỳnh nói thêm.
Nhìn nhận ở chiều hướng khác, chị Ngô Thị Phương ở quận Hoàng Mai, Hà Nội đánh giá, Thông báo 15 nêu rõ, việc học bù sẽ được tính cho năm học 2019 - 2020, còn mức thu 2,2 đến 2,5 triệu đồng kia là khoản hỗ trợ. “Các thầy cô đi làm thêm, do đó, nếu được chi trả thêm một khoản tiền cũng là điều bình thường” - chị Phương nói.
Sáng 17/2, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, cô Lê Thị Chính - Hiệu trường trường THCS - THPT Newton cho hay, trong sáng nay, Ban lãnh đạo nhà trường sẽ tổ chức họp về các nội dung trong Thông báo số 15. “Hiện Thông báo số 15 chưa có hiệu lực, chúng tôi đang họp và chưa quyết định các nội dung này” - cô Chính cho biết.