Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tiền Giang giải thích lý do “chưa áp dụng được” Nghị quyết 128

Kinhtedothi - Ngày 21/10, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức buổi họp báo thông tin tình hình công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Trong đó, có lý giải về những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp (DN) gặp phải và có đơn “cầu cứu” gửi Thủ tướng Chính phủ.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Nhật Trường - Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang cho biết, sau khi bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, tỉnh đã chỉ đạo đơn vị cùng các sở, ngành phối hợp triển khai phương án sản xuất kinh doanh theo phương thức “3 tại chỗ” từ ngày 15/7 đến 5/8.
19 doanh nghiệp ở Tiền Giang phải ''cầu cứu'' Thủ tướng vì gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Hồng Duy

Theo ông Nguyễn Nhật Trường, giai đoạn này đã xảy ra tình trạng bùng phát dịch ở một số khu công nghiệp, gần 10 DN có trên 1.000 F0. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã có chủ trương “ngưng kỹ thuật” để ban hành tiêu chí tạm thời phù hợp với tình hình thực tiễn. Sau đó, mô hình “3 tại chỗ” tiếp tục triển khai.
Dù vậy, đa số DN có số lao động trên 5.000 người, rất khó khăn để đảm bảo “3 tại chỗ”, nên nhiều DN dừng triển khai. Tỉnh Tiền Giang sau đó đã có kế hoạch, lộ trình, phương án rất bài bản để phục hồi sản xuất. Nhưng độ phủ vaccine còn thấp đã ảnh hưởng đến kế hoạch này. “Đến ngày 10/10, trong khu công nghiệp có 109.000 lao động, nhưng độ phủ vaccine mũi 1 mới chỉ đạt 45%” - ông Nguyễn Nhật Trường cho biết.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ tiêm mũi 1 cho lao động trong khu công nghiệp đạt gần 100% và mũi 2 đạt gần 40%. Như vậy đã đủ điều kiện xem xét mở rộng sản xuất. Trong thời điểm Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 nhưng Tiền Giang vẫn thực hiện “3 tại chỗ”, ông Trường cho rằng là do độ phủ vaccine còn thấp, không thể so sánh Tiền Giang với Đồng Nai hay Bình Dương trong điều kiện khôi phục sản xuất vì những địa phương này độ phủ vaccine mũi 2 là 80 - 90%.
“Hiện tỉnh đã phê duyệt cho 3 DN thực hiện người lao động lưu trú từ vùng xanh đến nhà máy làm việc. Chúng tôi không coi mô hình ‘3 tại chỗ’ là mô hình định hình sản xuất mà là mô hình để cứu, xử lý dịch khi phủ vaccine còn ít” - ông Nguyễn Nhật Trường nói.
Bà Châu Thị Mỹ Phương - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang cho biết, hiện có một số DN đang chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết 128. Các DN đang xây dựng lại phương án và sau khi xây dựng sẽ được phê duyệt.
Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang cũng đang thí điểm 2 hình thức mới để khôi phục sản xuất kinh doanh, đó là đưa rước công nhân tập trung và công nhân tự về nhà bằng xe cá nhân. Từ ngày 1/11 đến cuối năm 2021, Tiền Giang sẽ chuyển DN “3 tại chỗ” sang hoạt động gắn với phương án phòng chống dịch bệnh và DN sẽ từng bước tăng dần quy mô. Hiện không thể để DN cùng lúc tăng quy mô 100% mà sẽ tăng dần theo phương án để đảm bảo an toàn.
Tính đến ngày 18/10, Tiền Giang đã tiêm 958.317 liều vaccine ngừa Covid-19, đạt 65% trên tổng số 1.474.130 liều theo sự phân bổ của Bộ Y tế. Trong đó, mũi 1 đạt 758.724/1.485.194 người, đạt 51,1% và số người đã tiêm 2 mũi là 199.593 người, đạt 13,4%.
Trước đó, trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ, 19 DN ở Tiền Giang cho rằng, từ tháng 10/2021, nhiều tỉnh thành phía Nam đã có phương án hoạt động và hướng dẫn cụ thể cho DN, người lao động các vấn đề cần làm khi sản xuất trở lại.
Riêng Tiền Giang vẫn giữ quan điểm tiếp tục lấy mô hình sản xuất “3 tại chỗ” làm trọng tâm, kèm theo các yêu cầu xét nghiệm phức tạp hơn quy định của Bộ Y Tế, gây khó khăn cho người lao động cũng như lãng phí tài chính của DN trong lúc khó khăn. Trong khi đó, Nghị quyết 128 quy định rất rõ việc xét nghiệm và đi lại của người dân từ khu vực cấp độ 1 đến cấp độ 4, Bộ Y tế cũng cấp thẻ xanh để đi lại cho người dân đã tiêm 1 mũi vaccine.
“Hơn nữa, Tiền Giang cũng đã áp dụng phân vùng 2 trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đầu tháng 10 rất nhiều cơ sở kinh doanh mua bán đã được phép hoạt động bình thường, người dân được đã đi lại tự do trong tỉnh nhưng lại không thể đi làm, DN vẫn phải đóng cửa và thiệt hại kéo dài khiến chúng tôi rất khó hiểu và bức xúc. Việc tỉnh Tiền Giang “một mình đi một đường” khiến cho DN và người lao động rất khổ sở” - trích thư gửi Thủ tướng của 19 DN.
Từ những khó khăn trên, các DN kiến nghị không bắt buộc sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 địa điểm”; cho người lao động đang sinh sống tại vùng 1 - 3 đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine đủ 14 ngày được sử dụng phương tiện giao thông; không hạn thời gian giới nghiêm (19 giờ tối đến 5 giờ sáng) đối với người lao động trong quá trình đến nhà máy làm việc; chỉ test nhanh kháng nguyên, không bắt buộc xét nghiệm Realtime PCR mẫu đơn cho người lao động trước ngày đầu tiên quay lại làm việc, sau đó DN sẽ thực hiện xét nghiệm hàng tuần theo quy định của Bộ Y tế; cho phép người lao động ngoài tỉnh đã tiêm đủ 2 liều vaccine quay lại Tiền Giang làm việc…
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Cách tính tiền lương làm thêm ngày Tết Nguyên đán năm 2025

Cách tính tiền lương làm thêm ngày Tết Nguyên đán năm 2025

26/01/2025 | 22:07

Kinhtedothi – Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được nghỉ Tết Nguyên đán năm 2025 kéo dài 9 ngày liên tục. Trường hợp người lao động đi làm thêm ngày Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 được hưởng 400% tiền lương.

Tin mới
Bổ sung quy định mới giúp khắc phục bất cập đầu tư trạm dừng nghỉ

Bổ sung quy định mới giúp khắc phục bất cập đầu tư trạm dừng nghỉ

25/01/2025 | 07:30

Kinhtedothi - Do các quy định ở giai đoạn trước về đầu tư, kinh doanh, khai thác trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ, rõ ràng, nên việc triển khai xã hội hóa nguồn lực gặp rất nhiều khó khăn. Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 165/2024/NĐ-CP có hiệu lực sẽ giúp khai thông cơ chế, tháo gỡ các bất cập.

TOD và bài toán quy hoạch

TOD và bài toán quy hoạch

19/01/2025 | 09:24

Kinhtedothi - Transit Oriented Development (TOD) là định hướng phát triển đô thị lấy vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) nhanh, khối lớn làm hạt nhân trung tâm. Đây cũng là định hướng phát triển của Hà Nội trong hiện tại và tương lai, tuy nhiên TOD cũng đặt ra cho TP bài toán khó về quy hoạch.

Tin tài trợ