Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về bản sắc người Hà Nội thanh lịch văn minh
Kinhtedothi - Chiều 3/10, Đoàn giám sát số 2 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Quận ủy Hoàn Kiếm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ-TU của Thành ủy Hà Nội (khoá XVII).
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.
Trở thành điểm đến thân thiện, an toàn của du khách
Báo cáo với Đoàn giám sát về việc thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU, ngày 17/3/2021 của Thành uỷ về “phát triển văn hoá; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Ban Thường vụ Thành uỷ về “phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết: Chương trình 06-CTr/TU, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy đã được Quận ủy, HĐND, UBND quận triển khai nghiêm túc, kịp thời xây dựng Chương trình, Kế hoạch, Đề án và tổ chức triển khai hiệu quả gắn với các nhiệm vụ chuyên môn cụ thể của từng ngành, từng lĩnh vực trong toàn quận.
Công tác tuyên truyền giáo dục, quảng bá được triển khai sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tư tưởng, đạo đức và lối sống của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn có những chuyển biến tích cực; nhiều nét mới trong giá trị văn hoá và chuẩn mực đạo đức từng bước hình thành.
Về một số kết quả cụ thể, mặc dù nguồn lực ngân sách còn khó khăn do tỷ lệ điều tiết ngân sách của quận giai đoạn 2021-2022 giảm mạnh so với giai đoạn 2016-2020, song quận luôn dành nguồn lực ngân sách quan tâm đầu tư 3 lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo. Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của 3 lĩnh vực đạt 1.593 tỷ đồng, bằng 53% kế hoạch vốn trung hạn. Giai đoạn 2021-2022, quận đã tập trung đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 76,3%.
Cùng đó, thời gian qua quận đã thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư để giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân trong các trường học, các di tích để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tổng thể. Từ năm 2021 đến nay, đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo 5 di tích gồm Đình, Đền Vũ Thạch, Hội quán Quảng Đông 22 Hàng Buồm, Đình Cổ Vũ, Đình Hà Vĩ, Đình Trung Yên; xây dựng mới 2 trường học; thực hiện nhiều dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trường học, trạm y tế, phòng khám của trung tâm y tế đạt chuẩn quốc gia.
Ngoài ra, quận đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức các chương trình tham quan “Hành trình Di sản” cho du khách nhằm gìn giữ, phát huy giá trị di sản và quảng bá, giới thiệu các điểm đến trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, từng bước góp phần nâng cao nhận thức và tình yêu của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.
Quận luôn xác định các công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa, không gian sáng tạo là thế mạnh có giá trị lớn nhất của quận. Đây là đòn bẩy quan trọng tạo ra chuyển đổi cơ cấu, tỷ trọng kinh tế từ thương mại, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ sang thương mại, du lịch, dịch vụ. Bình quân tốc độ tăng trưởng doanh thu thương mại-dịch vụ giai đoạn 2020-2023 ước đạt 9,8%, trong đó doanh thu ngành du lịch đạt 21,4 % (chỉ tiêu nhiệm kỳ 20%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế quận chiếm 98,04% (đạt chỉ tiêu nhiệm kỳ 98-99%).
Đáng chú ý, trrước đây quận Hoàn Kiếm chỉ là một trong các điểm trung chuyển để khách du lịch đi các danh lam thắng cảnh ở khu vực miền Bắc thì nay đã trở thành một điểm đến thân thiện, an toàn và thú vị, là nơi du khách ghé thăm khi đến Hà Nội. Nhiều du khách lưu trú thêm nhiều ngày trong lịch trình để khám phá những điểm đặc sắc của khu phố cổ, phố cũ, các không gian mang đậm văn hóa của quận đặc biệt là không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm trở thành một biểu tượng thành công về tổ chức phố đi bộ trong cả nước.
Nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu
Bên cạnh những kết quả đó, Quận ủy Hoàn Kiếm cũng chỉ ra một số vướng mắc, khó khăn trong thực hiện Chương trình 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU như: Thiết chế văn hóa, thể thao của quận đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng, các phường không có thiết chế văn hóa, thể thao. Các trường học có diện tích hạn chế, nhiều điểm lẻ, nằm trong ngõ nên khó khăn trong việc quy hoạch, xây dựng để đảm bảo công năng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành giáo dục và đào tạo. Việc triển khai xây dựng dự án trong khu vực nội đô lịch sử hay khu vực ngoài đê còn những hạn chế nhất định về tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng và đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Khó tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển văn hóa, du lịch do chế độ tiền lương, môi trường làm việc chưa thu hút được người lao động...
Sau khi các thành viên Đoàn giám sát trao đổi và Quận ủy Hoàn Kiếm làm rõ một số nội dung, phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận công tác chuẩn bị nội dung phục vụ giám sát đầy đủ, các cơ sở được khảo sát đã thực hiện có hiệu quả.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hoá đối với phát triển bền vững, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, TP rất quan tâm đến lĩnh vực y tế - văn hoá - giáo dục và bố trí vốn rất lớn cho 3 chương trình này.
Ghi nhận Quận ủy Hoàn Kiếm thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU nghiêm túc, trách nhiệm, bài bản, quyết tâm cao và có nhiều mô hình sáng tạo, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị quận cần rà soát, xác định lại các chỉ tiêu không chỉ tính theo bình quân chung của Thành phố mà phải cao hơn. Với chỉ tiêu nào còn cần cố gắng thì có cách làm khoa học, cụ thể, sâu sát và có định lượng cụ thể; phân công, phân nhiệm rõ người làm, thời gian hoàn thành và có cách làm mới, tiên phong, hiệu quả.
Đồng thời, quận cần tập trung tháo gỡ khó khăn để có giải pháp cụ thể cho từng nội dung, chú trọng kêu gọi vốn xã hội hoá xây dựng các công trình. Cùng đó, căn cứ vào đặc thù của quận để đưa ra giải pháp khai thác bờ sông Hồng, chỉnh trang và có thiết chế văn hoá phù hợp.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch HĐND TP nêu, quận Hoàn Kiếm tiếp tục quán triệt tuyên truyền sâu sắc tinh thần của Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU trong hệ thống chính trị từ cấp ủy đến chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, các ngành và nhân dân để lan tỏa bề dày văn hoá của Thủ đô văn hiến, văn hoá cũng như bản sắc văn hoá của người Hà Nội thanh lịch văn minh...
Nhấn mạnh công tác kiểm tra, giám sát rất quan trọng, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị quận xác định công tác kiểm tra giám sát phải đạt hiệu quả, phải huy động sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Chú ý trong công tác thi đua, khen thưởng có cách thức khen thưởng kịp thời đối với đơn vị làm tốt.
Xây dựng xã hội học tập gắn với văn hóa, con người Hà Nội
Kinhtedothi - Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 1260-TB/TU, truyền đạt kết luận của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng tại buổi làm việc với Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam diễn ra ngày 11/7/2023.
Ẩm thực của người Hà Nội: Tinh hoa hội tụ trong văn hoá
Kinhtedothi - “Tinh hoa ẩm thực Việt”, không gian giới thiệu ẩm thực Hà Nội nhằm quảng bá giá trị ẩm thực với tư cách một sản phẩm du lịch đặc sắc của Thủ đô tới nhân dân, du khách trong và ngoài nước nhân dịp 69 năm kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023).
Quy tắc ứng xử góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Kinhtedothi - Ngày 13/9, Đoàn Kiểm tra Quy tắc ứng xử (QTƯX) của TP Hà Nội làm việc tại huyện Ứng Hoà, Mỹ Đức.