Tổng tiến công Xuân 1968: Đánh địch trên mọi vùng chiến lược
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 ở tỉnh Quảng Trị, nhiệm vụ đánh địch ở Đường 9-Khe Sanh chủ yếu là do bộ đội chủ lực đảm nhiệm; còn đánh địch trong thị xã Quảng Trị- trung tâm tỉnh lỵ của ngụy quyền Sài Gòn lúc bấy giờ và vùng ven, lại có sự phối hợp chặt chẽ của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và quần chúng nhân dân.
Nhân dân khu tập trung Cửa Việt, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng xã Gio Hải, huyện Gio Linh nổi dậy, đòi địch phải để cho nhân dân ra biển đánh bắt hải sản. Nhân dân khu tập trung Quán Ngang đấu tranh đòi địch phải để cho nhân dân đi rừng, buôn bán làm ăn sinh sống. Đỉnh cao của phong trào là nhân dân vùng đồng bằng Triệu Hải nổi dậy giải phóng các xã Triệu Trạch, Triệu Đại, Triệu Hòa huyện Triệu Phong; Hải Xuân, Hải Trường, Hải Chánh huyện Hải Lăng.
Ông Ngô Quận, 69 tuổi, trú ở đường Tôn Thất Thuyết, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) và ông Nguyễn Quang Dõng, 74 tuổi, Hội Chiến sỹ Thành Cổ Quảng Trị, mỗi dịp gặp nhau vẫn thường kể về thời oanh liệt làm người "lính cụ Hồ".
Trong những câu chuyện dài về các trận đánh địch của hai ông, ký ức hào hùng về cuộc tiến công Xuân năm 1968 ở mặt trận Trị Thiên, vẫn còn in đậm trong tâm trí. Trong cuộc tiến công vào thị xã Quảng Trị Tết Mậu Thân năm 1968, ông Nguyễn Quang Dõng trực tiếp làm công tác tải thương.
Ông Dõng nhớ lại: "Trước sự tấn công bất ngờ của ta, địch co cụm ở các đồn bốt. Quân ta đã gây nhiều thiệt hại cho địch. Điển hình là đã phá nhà lao trong nội thị Quảng Trị, nơi địch dùng để giam cầm các chiến sỹ, cán bộ của ta..."
Hoạt động trên địa bàn rộng lớn, ông Dõng cũng chứng kiến nhân dân ở vùng nông thôn, nổi dậy chặn đánh địch ở nhiều nơi. Ông Dõng bảo, ở cái thời "đất nước đứng lên" đánh đuổi quân xâm lược, giành lại độc lập, tự do, thống nhất cho nước nhà, kể già trẻ, gái trai, tất cả cùng chung một ý chí quyết tâm đánh thắng giặc và bè lũ tay sai.
Năm 1968, anh lính Ngô Quận làm công tác binh vận, đơn vị K300B, thuộc Binh vận Quân khu Trị Thiên. Chứng kiến cuộc tiến công Xuân 1968 ở mặt trận Trị Thiên, ông Ngô Quận nhận định, sau khi địch tập trung lực lượng và hỏa lực phản công lại, gây cho quân ta không ít tổn thất, nhưng cuộc tiến công Xuân năm 1968 có tác động rất lớn đến cục diện chiến tranh Việt Nam.
Nếu như trước năm 1968, quân ta chủ yếu tấn công địch ở vùng nông thôn và đồng bằng, thì nay quân ta đánh thẳng vào trung tâm đầu não của địch ở ngay trong các đô thị. Việc thay đổi về chiến lược này đã làm cho Mỹ ngụy nhận thấy rằng, không có bất cứ vùng nào có thể đảm bảo an toàn được nữa.
Về tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trong Xuân 1968, ông Ngô Quận khẳng khái nói rằng, tất cả đều rất xứng đáng với tám chữ "vàng": Tấn công-nổi dậy-anh dũng-kiên cường.
Góp thêm vào câu chuyện, Chủ tịch Hội Chiến sỹ Thành Cổ Quảng Trị Lê Xuân Tánh nhìn nhận, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta trên toàn miền Nam, đã góp phần quyết định làm phá sản chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris về Việt Nam".