TP Hồ Chí Minh không thiếu hàng hóa trước và sau Tết Nguyên đán 2023
Kinhtedothi - Đây là khẳng định của Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh với Hội đồng Nhân dân về tình hình chuẩn bị hàng hóa, đảm bảo dịp Tết Quý Mão 2023.
Sở Công thương vừa có báo cáo gửi Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh về tình hình chuẩn bị hàng hóa, đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu dịp Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, để đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu, từ ngày 29/3/2022 UBND TP đã ban hành quyết định về thực hiện chương trình “Bình ổn thị trường” năm 2022 - Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn.
Mặc dù hệ thống phân phối như chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... đã hoạt động bình thường trở lại sau đại dịch Covid-19, nhưng theo ông Lê Huỳnh Minh Tú từ nay đến Tết Nguyên đán 2023, tình hình kinh tế tiếp tục diễn biến khó lường, giá nhiên liệu, nguyên liệu, chi phí vận tải... tăng/giảm thất thường với biên độ lớn. Đến nay, các doanh nghiệp (DN) bình ổn thị trường, hệ thống phân phối, chợ đầu mối đã chuẩn bị cơ bản chu đáo. TP luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải đảm bảo nguồn cung, đảm bảo lưu thông hàng hóa, không để xảy ra khan hàng, sốt giá, đầu cơ trục lợi.
Để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của hơn 12 triệu dân TP Hồ Chí Minh dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, TP chỉ đạo các DN bình ổn thị trường tập trung nguồn hàng, bố trí hệ thống kho dự trữ tập kết hàng hóa, nhân lực, đảm bảo khả năng cung ứng kịp thời khi có yêu cầu. Hiện, DN bình ổn thị trường chiếm 25%-43% nhu cầu thị trường (tăng 10% so với tháng thường), DN sản xuất kinh doanh, hệ thống phân phối, chợ… chiếm 57%-75% nhu cầu thị trường.
Năm 2022, chương trình bình ổn thị trường có 73 DN cung ứng, phân phối gồm: 39 DN lương thực, thực phẩm, 11 DN mùa khai giảng, 7 DN sữa, 12 DN dược phẩm, 4 DN các mặt hàng phòng chống dịch Covid-19.
Nguồn vốn DN bình ổn thị trường phục vụ 2 tháng Tết là 20.000 tỷ đồng. Theo đó, lượng hàng bình ổn thị trường, gồm: lương thực, trứng gia cầm, đường, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản, dầu ăn…
Cũng theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, lượng nông sản cung ứng thị trường của TP thông qua 3 chợ đầu mối bình quân 7.600 tấn/ngày (thịt gia súc, gia cầm; thủy hải sản; rau củ quả). Dự kiến, vào thời điểm Tết Nguyên đán 2023, lượng hàng nhập về tăng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000-15.000 tấn/ngày.
TP Hồ Chí Minh hiện có 225/232 chợ truyền thống hoạt động (7 chợ tạm ngừng hoạt); 46 trung tâm thương mại, 237 siêu thị (105 siêu thị tổng hợp và 131 siêu thị chuyên ngành); có 3.012 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Tổng lượng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng ra thị trường bình quân 1.800 tấn/ngày.
Sở Công thương vận động các hệ thống siêu thị kéo giãn thời gian phục vụ khách hàng, cụ thể từ ngày 20-27 tháng Chạp Âm lịch mở cửa từ 7 giờ đến 23 giờ; trong ngày 28 và 29 tháng Chạp mở cửa từ 6 giờ đến 24 giờ. Ngày 30 Tết mở cửa từ 6 giờ đến 12 giờ trưa. Khai trương năm mới từ 8 giờ sáng Mùng 2 Tết; từ Mùng 2 đến Mùng 5 Tết mở cửa từ 8 giờ đến 12 giờ trưa và từ Mùng 6 Tết hoạt động kinh doanh bình thường.
Về quản lý giá hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2023, các DN tham gia bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết; đồng thời, thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...
Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh còn cho biết, nhằm chủ động, kịp thời cung ứng bổ sung, không để xảy ra khan hàng, sốt giá cục bộ các nhóm hàng bình ổn thị trường trên địa bàn, Sở Công thương tổ chức 4 nhóm DN bán hàng lưu động tập trung do 4 đơn vị làm đầu mối, gồm: Trung tâm Hỗ trợ và phát triển DN, Hiệp hội các DN Khu công nghiệp TP, Saigon Co.op, Tổng Công ty TNHH MTV Thương mại Sài Gòn.
Bầu trời TP Hồ Chí Minh đã bớt dần những “ổ nhện” trên cao
Kinhtedothi - Thực hiện ngầm hóa hệ thống lưới điện và cáp viễn thông, đến nay TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành 240 dự án tại 195 tuyến đường, ngầm hóa hơn 2.700km lưới điện trung thế và hạ thế. Việc ngầm hóa đã làm cho không gian trên cao thông thoáng, không còn những “ổ nhện” xấu xí.
Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh trao học bổng cho công đoàn viên
Kinhtedothi - Việc trao học bổng cho đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ) nhằm đẩy mạnh phong trào học tập và xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong đội ngũ ĐVCĐ, công nhân viên chức, lao động.
TP Hồ Chí Minh: GRDP năm 2022 tăng trưởng 9,03%
Kinhtedothi - Mặc dù vậy, công tác phối hợp giữa các ngành còn chậm, thiếu đồng bộ dẫn đến một số mặt chưa đạt hiệu quả mong muốn.