TP Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp phát triển thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp
Kinhtedothi - Sáng 20/12, UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức hội thảo “Phát triển thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp TP”.
Tham dự có Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong; Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến; đại diện các sở, ngành, DN trên địa bàn TP.
Tại hội thảo, các chuyên gia, các DN đã cùng nhau chia sẻ những góc nhìn nhằm tìm ra những giải pháp phát triển thương hiệu sản phẩm, DN cho TP.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh để hướng đến sự phát triển kinh tế TP nhanh, bền vững và mong muốn các DN ngày càng lớn mạnh, TP Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, DN trên địa bàn.
Ông Phong nhấn mạnh, với lợi thế là một TP năng động, sáng tạo môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, minh bạch TP đang được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các DN trong và ngoài nước.
Việc thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài vào TP đặt ra yêu cầu với các DN trong nước phải nâng cao năng lực cạnh tranh, không ngừng đổi mới sáng tạo và phải xây dựng cho được thương hiệu cho sản phẩm và DN.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, nhận thức rõ vai trò của chính quyền TP trong việc hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá thương hiệu sản phẩm, TP đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Ban hành chương trình kích cầu đầu tư; thường xuyên tổ chức kết nối ngân hàng và DN; tổ chức các buổi đối thoại giữa DN và chính quyền TP để kịp thời lắng nghe và tháo gỡ vướng mắc cho các DN.
Tại hội thảo lần này, ông Nguyễn Thành Phong đã đề nghị các chuyên gia, DN cùng nhau thảo luận tập trung vào 3 nội dung chính. Thứ nhất, để xác định thương hiệu có uy tín, có khả năng lan tỏa, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế TP thì cần những tiêu chí gì. Cách thức tổ chức bình chọn như thế nào để việc công nhận bình chọn thực sự trở thành niềm tự hào của DN, huy động được sự tham gia đông đảo của DN.
Thứ hai, hội thảo cần thảo luận về vai trò của DN trong xây dựng, phát triển thương hiệu. Thứ ba, phát triển thương hiệu không chỉ là vấn đề của DN mà các chính sách của nhà nước cũng giữ vai trò hết sức quan trọng, vậy các đại biểu có đề xuất giải pháp gì để chính quyền TP tạo điều kiện phát triển sản phẩm DN.
Ông Nguyễn Thành Kiên - Giám đốc Sở Công thương TP cũng nhấn mạnh xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, DN của TP đang trở thành một nhu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây không chỉ là mối quan tâm của chính quyền TP mà còn của cộng đồng DN đặc biệt là các DNNVV. Nếu xem thương hiệu như là một yếu tố sống còn đối với DN, nhất là trong điều kiện "thế giới phẳng" như hiện nay thì đối với chính quyền TP, thương hiệu của sản phẩm, DN được xem là động lực cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững của trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước.
Ông Kiên cũng khẳng định, về phía Sở Công Thương TP với trách nhiệm là cơ quan đơn vị đầu mối, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh đồng hành cùng DN hoạt động và phát triển, duy trì việc tiếp xúc, gặp gỡ DN để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn; sẵn sàng hỗ trợ DN tham gia Chương trình kích cầu đầu tư để vay vốn đầu tư, đổi mới máy móc thiết bị công nghệ, mở rộng sản xuất, đổi mới sáng tạo, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; phối hợp các tổ chức quốc tế triển khai các Chương trình đào tạo về nhân lực, huấn luyện cải tiến sản xuất cho DN, đồng thời, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ DN thông qua việc quảng bá thương hiệu sản phẩm của DN TP đến thị trường quốc tế qua các chương trình xúc tiến thương mại ra nước ngoài.
Chia sẻ tại hội thảo, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhìn nhận việc xây dựng thương hiệu TP phải nằm trong tổng thể chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia. Cần tìm ra lĩnh vực/nhóm sản phẩm chủ lực mang thương hiệu của TP đồng thời định hướng xây dựng thương hiệu sản phẩm của TP.
TS Võ Trí Thành nêu ra một ví dụ các bước thực hiện xây dựng thương hiệu sản phẩm TP bao gồm: Đánh giá hiện trạng, xây dựng tiêu chí lựa chọn sản phẩm chủ lực. Xác lập quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý với sản phẩm mang thương hiệu TP. Thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý, khai thác, phát triển nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm thương hiệu TP. Cải thiện khả năng thương mại hóa cho sản phẩm; nâng cao năng lực tiếp thị và kinh doanh cho DN...
Đồng tình với ông Thành, TS. Nguyễn Quốc Thịnh chuyên gia thương hiệu bổ sung thêm góc nhìn về 3 cấp độ xây dựng thương hiệu, sản phẩm địa phương. Cấp độ thứ nhất xây dựng thương hiệu ở phạm vi DN sẽ do DN là chủ thể. Cấp độ thứ hai, xây dựng thương hiệu ở phạm vi nhóm DN, ngành hàng sẽ do tổ chức tập thể làm chủ thể.
Cấp độ thứ ba, là xây dựng thương hiệu địa phương/thương hiệu quốc gia sẽ do chính quyền địa phương/quốc gia là chủ thể và tập trung tạo dựng hình ảnh địa phương/quốc gia thông qua tổng hợp các yếu tố từ ngoại giao đến thu hút đầu tư, thương hiệu các điểm đến du lịch, thương hiệu sản phẩm và các giá trị văn hóa bản địa...
Như vậy, nói đến vấn đề xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương, dù có thể liên quan đến cả ba cấp độ nêu trên, song chủ yếu nhất vẫn là tiếp cận theo quá trình xây dựng thương hiệu nhóm DN và thương hiệu địa phương, nghĩa là đề cập đến các mô hình xây dựng thương hiệu tập thể mang chỉ dẫn địa lý, thương hiệu làng nghề, thương hiệu chứng nhận.
Theo ông Thịnh quá trình xây dựng thương hiệu cũng luôn hàm chứa những rủi ro tiềm ẩn, vì thế cần dự báo được những rủi ro và đề xuất những phương án phòng ngừa.
Cũng tại hội thảo lần này, các DN có thương hiệu uy tín lâu năm của TP cũng cùng nhau chia sẻ các góc nhìn trong việc thương hiệu sản phẩm, DN TP hiệu quả nhất.