Trong tháng 6, cơ bản người lao động được nhận tiền hỗ trợ thuê nhà
Kinhtedothi – Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (NLĐ) đã có 2 tháng, nhưng đến nay mới giải ngân được khoảng 40 tỷ đồng cho hơn 10.000 người. Bộ LĐTB&XH đề nghị các địa phương thúc đẩy, trong tháng 5 và 6, để cơ bản NLĐ được nhận tiền.
Gần 10.000 người lao động được hỗ trợ hơn 33 tỷ đồng
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 Quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ, trong đó có hai đối tượng được thụ hưởng. Đó là: NLĐ đang làm việc trong DN đã ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/2/2022 đến ngày 30/6/2022, được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng, thời gian tối đa 3 tháng, tương ứng 1.500.000 đồng. NLĐ quay trở lại thị trường lao động ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2022 đến ngày 30/6/2022, được hỗ trợ 1.000.000 đồng/tháng, thời gian tối đa 3 tháng, tương ứng 3.000.000 đồng.
Trong buổi tọa đàm trực tuyến “Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh nhận định, thủ tục của chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ hết sức đơn giản. NLĐ chỉ cần viết đơn, có xác nhận của chủ cơ sở cho thuê, cho trọ, gửi đơn cho DN để lập danh sách chuyển cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận, sau đó trình UBND cấp huyện thẩm định, rồi UBND cấp tỉnh phê duyệt là chi tiền được ngay cho NLĐ.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng thông tin về việc vừa rồi Bộ LĐTB&XH đi kiểm tra và thấy về cơ bản các địa phương đã ban hành kế hoạch để triển khai; tuy nhiên vẫn còn chậm hơn so với mong muốn bởi nhiều nơi muốn dồn ba tháng (4, 5, 6) lại nhận tiền 1 lần. Hiện nay, một số địa phương đã phê duyệt được gần 10.000 NLĐ với số tiền hơn 33 tỷ đồng.
“Chúng tôi đang yêu cầu các địa phương thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, làm sao trong tháng 5, tháng 6 để NLĐ cơ bản nhận được số tiền này. Thời gian thực hiện đến ngày 15/8 sẽ kết thúc, hoàn thành được việc này” – Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho hay. Đồng thời, đề nghị NLĐ phải chủ động hơn, viết đơn, có xác nhận của nhà trọ. Gửi cho DN thì mới có cơ sở lập danh sách. Bộ LĐTB&XH cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn lao động địa phương phát huy vai trò của công đoàn cơ sở đôn đốc các DN nhanh chóng lập danh sách gửi thẩm định.
Bộ LĐTB&XH nên phát hành bộ câu hỏi – trả lời
Bộ LĐTB&XH khẳng định thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ rất đơn giản. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng chính sách được ban hành, số NLĐ được nhận tiền hỗ trợ chiếm tỉ lệ rất thấp so với dự kiến có khoảng 3,4 triệu người được thụ hưởng với tổng kinh phí 6.600 tỷ đồng. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Việc triển khai chính sách đang gặp vướng mắc gì?
Những người triển khai chính sách cho biết, quy định không vướng nhưng đang có câu chuyện về mốc thời gian NLĐ được hưởng hỗ trợ. Cụ thể, Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định NLĐ đang làm việc tại DN có thời gian ở thuê, ở trọ từ ngày 1/2/2022 đến ngày 30/6/2022. Thế nhưng trong bản Đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà (Mẫu số 01, dành cho NLĐ) lại ghi: “Trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2022 đến ngày 30/6/2022, tôi chưa nhận được tiền hỗ trợ của tháng……… và chưa nhận quá 3 tháng.” Vì quy định thế này, cho nên nhiều DN, NLĐ chưa triển khai, đang băn khoăn không biết được hỗ trợ tháng 2, 3, 4 hay tháng 4, 5, 6? “Nếu mốc hỗ trợ tính từ tháng 2/2022, các DN sẽ tập trung tổng hợp số NLĐ thuê nhà 3 tháng (2, 3, 4) thì nhanh; nhưng mốc hỗ trợ từ tháng 4/2022 thì NLĐ và DN làm từng tháng một đến hết tháng 6 sẽ lâu” – Trưởng phòng LĐTB&XH Hà Đông Đỗ Minh Loan cho biết.
Một nội dung nữa đang khiến những người thực hiện chính sách băn khoăn đó là: Trong Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg nêu rõ, DN gửi hồ sơ theo quy định đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh. Có nghĩa, chi nhánh nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà tới UBND cấp huyện nơi đặt chi nhánh. Nhưng trường hợp chi nhánh lại đặt ở địa phương không thuộc 24 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm được quy hoạch, thì NLĐ ở chi nhánh này có được hỗ trợ tiền thuê nhà?
Với 5 vướng mắc của khi triển khai hỗ trợ tiền thuê nhà của Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh, mới đây, Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH đã có văn bản trả lời, trong đó có nội dung về thời gian thực hiện chính sách: Theo quy định tại khoản 1, Điều 4 thì điều kiện ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/2/2022 đến ngày 30/6/2022 nên NLĐ có thời gian ở thuê, ở trọ tháng 2, 3 năm 2022 nếu đủ điều kiện vẫn được hỗ trợ tiền thuê nhà tháng 2, tháng 3. Ví dụ, tháng 5/2022, DN có thể lập danh sách đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ 3 tháng: Tháng 2, 3, 4 năm 2022.
Thực tế, trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ, các địa phương sẽ gặp những vấn đề cụ thể phát sinh. Vì thế, các địa phương mong muốn Bộ LĐTB&XH nên soạn bộ câu hỏi kèm theo nội dung trả lời, để có cơ sở thực hiện thống nhất. Về phía công đoàn tiếp tục tuyên truyền chính sách tới đoàn viên để họ biết, hiểu được ý nghĩa của việc hỗ trợ để làm đơn. Về phía DN nhanh chóng lập danh sách gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận, sau đó chuyển đến bộ phận một cửa cấp huyện để thẩm định hồ sơ…để NLĐ kịp thời được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà.
Khoảng 3,4 triệu lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ
Kinhtedothi – Người lao động (NLĐ) được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ mức hỗ trợ 500.000 đồng, 1.000.000 đồng, tối đa 3 tháng; từ ngày 1/4/2022, người lao động làm thủ tục để hưởng chính sách này.
Người lao động phấn khởi được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ
Kinhtedothi – Để những người lao động (NLĐ) sớm được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, hiện nay các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đang khẩn trương xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền và triển khai xem xét, phê duyệt đối tượng.
83 người lao động đầu tiên được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà
Kinhtedothi – Những người lao động (NLĐ) đầu tiên ở Hà Nội đã được hỗ trợ tiền thuê nhà đều vui mừng, phấn khởi khi Nhà nước, TP quan tâm kịp thời, giúp họ có thêm động lực làm việc hiệu quả và gắn bó lâu dài với công ty.