Trưng cầu dân ý Brexit đã bị can thiệp?
Kinhtedothi - Quốc hội Anh đang bày tỏ quan ngại về các cáo buộc rằng cuộc trưng cầu dân ý về Brexit có thể đã bị can thiệp.
Theo đó, Ủy ban Hành chính công và Hiến pháp (PACAC) của Quốc hội Anh tuyên bố, wesbite lấy ý kiến về việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit - đã bị đánh sập trong giai đoạn nước rút của cuộc trưng cầu dân ý hồi năm ngoái.
Chính phủ Anh đã buộc phải gia hạn thời điểm đăng ký bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý sau khi website của chính phủ bị đánh sập vào ngày 7/6 năm ngoái. Vào thời điểm đó, chính phủ Anh cho biết, nguyên nhân của việc sập website này là do lượng người truy cập tăng đột biến, với khoảng hơn 500.000 người cố gắng truy cập để bỏ phiếu vào ngày cuối cùng.
Việc website bị đánh sập dấy lên lo ngại rằng, hàng chục nghìn người có thể đã bị tước quyền tham gia bỏ phiếu.
Báo cáo được đưa ra hôm 12/4 cho thấy có những manh mối của một cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDOS), sử dụng botnet - một mạng máy tính bị nhiễm phần mềm độc, khiến hệ thống bị gián đoạn hoặc chậm đi một cách đáng kể đối với người dùng.
PACAC không nêu rõ ai chịu trách nhiệm đứng sau các hoạt động can thiệp này. Mặc dù vụ việc không có ảnh hưởng quan trọng đến kết quả của cuộc trưng cầu dân ý, đại diện PACAC bày tỏ sự quan ngại trước sự can thiệp từ nước ngoài.
Nước Anh đã bị tấn công bởi hàng chục cuộc tấn công mạng/một tháng, bao gồm cả những nỗ lực của các hacker nước ngoài để lấy trộm bí mật quốc phòng và chính sách đối ngoại, người đứng đầu Trung tâm an ninh quốc gia, Cơ quan tình báo Anh Ciaran Martin cho biết.
Cũng theo Trung tâm An ninh Quốc gia, London đã ngăn chặn 34.550 cuộc tấn công tiềm ẩn đối với các cơ quan chính phủ trong vòng 6 tháng, tương đương với khoảng 200 vụ tấn công mạng mỗi ngày.