Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Cùng với cả nước, kỷ nguyên mới của Thủ đô Hà Nội là phát triển hướng tới “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, sớm trở thành thành phố kết nối toàn cầu, hội nhập sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới; người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển đặc sắc, hài hòa, thật sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

 

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam sẽ phải đặt trong bối cảnh rất mới, đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, đó là bối cảnh thế giới có nhiều chuyển động mang tính thời đại, tức là những chuyển động tầm cỡ thời đại, tác động trong dài hạn đến an ninh và phát triển của tất cả các quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam.

Theo các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra một thời đại kinh tế mới - kinh tế số. Khi kinh tế bước vào thời đại mới, tất cả các lĩnh vực từ xã hội, văn hóa, an ninh chính trị đều phải có những chuyển động sâu sắc. Đồng thời, đó là vấn đề oàn cầu hóa, mỗi quốc gia, dân tộc có phát triển được hay không tùy thuộc vào vị trí mà mình hội nhập và khai thác được ví trí ấy có lợi cho mình...

Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: "đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển theo chế độ xã hội Xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại".

Kỷ nguyên mới sẽ là kỷ nguyên Việt Nam tập trung thúc đẩy năng lực sáng tạo, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, đưa khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực của phát triển đất nước nhanh và bền vững, bảo đảm phát huy cao nhất tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”; mở ra triển vọng phát triển mới, mở rộng không gian sinh tồn. Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển con người toàn diện là hai trụ cột quan trọng, tạo động lực bứt phá cho phát triển đất nước... 

Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra 7 định hướng chiến lược để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Đó là: cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tinh gọn tổ chức bộ máy; chuyển đổi số; chống lãng phí; cán bộ đủ năng lực và phát triển kinh tế số, kinh tế xanh. Trong đó, việc thực hiện cách mạng chuyển đổi số; đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển là một vấn đề được chú trọng.

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú (nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương), kỷ nguyên vươn mình của dân tộc diễn ra song hành với kỷ nguyên số, kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo mà tiếng nói chung của nhân loại là "không có gì là không thế". Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo đang và sẽ làm đảo lộn phương cách suy nghĩ, sản xuất, sinh hoạt của các quốc gia, cộng đồng và của mỗi con người. Một lần nữa, thực tiễn lại đòi hỏi và tạo điều kiện để chúng ta đổi mới mạnh mẽ về tư duy, nhận thức. Trên cơ sở kế thừa những tư duy khoa học đã tích lũy được qua 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, chúng ta cần cởi mở, chăm chú, mạnh dạn tiếp thu những tư duy mới, những xu hướng phát triển mới của nhân loại với phương châm tiến kịp, tiến cùng thời đại.

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế để phát triển vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh quan điểm, chúng ta phải đổi mới tư duy, phải "cởi trói", phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình. Để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt hai con số liên tục trong những năm tiếp theo. Đây là một bài toán rất khó mà chúng ta phải làm. Chỉ có phép giải rút gọn mới ra đáp số kịp thời gian.

“Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội đang tập trung giải quyết những điểm nghẽn và tạo lập những yếu tố nền tảng để đất nước có thể "cất cánh", nhất là các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, hạ tầng năng lượng, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, cải cách thể chế phát triển, thủ tục hành chính...”- Tổng Bí thư Tô Lâm nói.

Trước thềm kỷ nguyên mới, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế thực hiện kế hoạch năm 2026 và cả giai đoạn tiếp theo. Những yêu cầu tiếp tục đột phá hơn nữa về thể chế phát triển, tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển tiếp tục được đặt ra.

 

Với vai trò Thủ đô, yêu cầu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới đặt ra nhiệm vụ ngày càng cao đối với Hà Nội trong đi trước, đi đầu, thúc đẩy đột phá, qua đó tạo nguồn lực mới, động lực mới trong phát triển. “Sớm xây dựng Hà Nội trở thành "Thủ đô xã hội chủ nghĩa" hình mẫu trên thế giới, góp phần đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới”, đó là những yêu cầu Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra cho Hà Nội. Hướng tới những tầm nhìn mới, khát vọng mới, Hà Nội cũng đang đứng trước những cơ hội để bứt phá trong giai đoạn mới.

Tại cuộc làm với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội (ngày 9/8/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, Hà Nội cần phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn nữa tiềm năng, lợi thế vượt trội, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội trong sự nghiệp đổi mới, phát huy truyền thống văn hiến và anh hùng, vị thế đặc biệt quan trọng của Thủ đô đối với vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Đồng thời nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm để đưa Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, trở thành thành phố tiêu biểu của cả nước về các mặt.

“Phát triển nhanh, bền vững, kết hợp hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, bảo vệ môi trường; an ninh an toàn và hạnh phúc của nhân dân với triết lý phát triển của Thủ đô dựa trên 5 trụ cột: Văn hóa và con người; 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo”- Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ.

Những định hướng lớn rất quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm chính là cơ sở để TP Hà Nội tiếp tục vận dụng, cụ thể hóa vào các chương trình, kế hoạch công tác, để tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị trong thời gian tới, thực hiện tốt nhất những mục tiêu chiến lược trong phát triển nhanh và bền vững.

Phát huy vai trò đi đầu, dẫn dắt của Thủ đô trong tiến trình phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, những mục tiêu Hà Nội dự kiến đặt ra trong nhiệm kỳ Đại hội XVIII cũng được nhận định sẽ mang đến những cơ hội mới, động lực mới, để Hà Nội hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Mục tiêu dự kiến được đặt ra là GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8,0 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD. Tạo nền tảng vững chắc để hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045 là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng là những mục tiêu đã được xác định trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo các chuyên gia, tình hình mới cũng tiếp tục đặt ra cho Thủ đô Hà Nội không ít cơ hội rộng mở và thách thức mới đòi hỏi TP phải vượt qua, tận dụng cơ hội để tiếp tục phát triển, thực sự đóng vai trò là động lực, khởi tạo và dẫn dắt sự phát triển của Vùng và của cả nước.

Trên cơ sở đó, TP Hà Nội cũng xác định tiếp tục đổi mới tư duy và hành động, phát huy sức sáng tạo của các cấp, ngành; phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển của Hà Nội trên các lĩnh vực kinh tế, đô thị, văn hóa, xã hội… Trong đó, triển khai hiệu quả Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 sau khi được ban hành. Triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024 và phát huy hiệu quả cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù trong thực tiễn. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các nghị quyết chuyên đề, đề án lớn của Thành ủy trong đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; tăng cường kết nối vùng; phân bố các không gian phát triển kinh tế - xã hội; phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; triển khai các dự án giao thông lớn, hạ tầng đô thị…

Đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; phát huy giá trị các làng nghề mang nét đặc trưng của Thủ đô. Phát triển nền nông nghiệp sinh thái xanh - sạch, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, làm cơ sở cho sự phát triển bền vững... Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, chuyển đổi số, thúc đẩy hội nhập quốc tế…

Trong các nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, Hà Nội cũng dự kiến tiếp tục tập trung quyết liệt xử lý các vấn đề về môi trường, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và xây dựng các công trình khu vực hồ Tây; quy hoạch phát triển hai bên bờ sông Hồng; đầu tư xây dựng các cầu vượt sông Hồng; dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Láng - Hòa Lạc); nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư; đầu tư công và giải phóng mặt bằng; phát triển hai thành phố trực thuộc Thủ đô…

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, TP Hà Nội sẵn sàng đảm nhận các nhiệm vụ T.Ư giao; sẵn sàng là địa phương đi đầu đưa thực hiện chuyển đổi số vào hoạt động của các cơ quan Đảng, tạo sự đồng bộ với chuyển đổi số của chính quyền TP, phát huy hiệu quả hoạt động của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể toàn TP.

Như nhiều ý kiến chuyên gia đã chỉ ra, Thủ đô Hà Nội đang thực sự bước vào một kỷ nguyên kiến tạo mới. Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 5/5/2022 đã tạo sinh khí mới, động lực mới, tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực cả nước và nguồn lực quốc tế để Hà Nội trở thành Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Luật Thủ đô 2024 tiếp tục tạo bước đột phá về thể chế, cơ chế, khi Hà Nội được phân cấp giao quyền mạnh hơn. Việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng tạo nên một không gian phát triển mới rất rộng mở và tươi sáng cho Thăng Long - Hà Nội.

Cùng với những dự án, công trình hạ tầng trọng điểm như đường Vành đai 4, Vành đai 5, các tuyến đường sắt đô thị, các cầu qua sông Hồng (Tứ Liên, Trần Hưng Đạo… Hà Nội cũng định hướng phát triển theo 5 trục không gian chính, gồm trục sông Hồng, trục Hồ Tây - Ba Vì, trục Hồ Tây - Cổ Loa, trục Nhật Tân - Nội Bài và trục nam Hà Nội, trong đó trục sông Hồng là trục trung tâm quan trọng nhất, thể hiện bước đột phá có tính chiến lược chưa từng có. Đồng thời, mô hình thành phố trong thành phố, đô thị trung tâm kết nối với đô thị vệ tinh đã được xác định, trong đó Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực để xây dựng hai thành phố trực thuộc là Thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh) và Thành phố phía Tây (Hòa Lạc - Xuân Mai). Trong tương lai, dự kiến dọc theo đại lộ Võ Nguyên Giáp dài 12km từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài sẽ là những đô thị thông minh theo những tiêu chí của thời đại mới. Đây sẽ là một điểm nhấn ngời sáng của diện mạo Thủ đô trong kỷ nguyên kiến tạo mới.

Theo các chuyên gia, trên cả góc độ lý luận và thực tiễn đều cho thấy, TP Hà Nội có vai trò quan trọng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây là cơ hội để TP Hà Nội khơi dậy truyền thống năng động, sáng tạo, đồng thời cũng là thời cơ để TP hiện thực hóa khát vọng phát triển bứt phá, tương xứng với tầm vóc, sứ mệnh.

(Còn nữa)

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
Gỡ vướng để hoàn thành khoảng 1.000km đường cao tốc trong năm 2025

Gỡ vướng để hoàn thành khoảng 1.000km đường cao tốc trong năm 2025

29/01/2025 | 21:42

Kinhtedothi- Theo Bộ GTVT, các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT trong năm 2024 dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn bảo đảm tiến độ, chất lượng. Đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác 2.021km đường cao tốc. Để hoàn thành mục tiêu 3.000km cao tốc trong năm 2025, cần hoàn thành thêm khoảng 1.000km.

Hà Nội: tăng cường xử phạt vi phạm trông giữ xe

Hà Nội: tăng cường xử phạt vi phạm trông giữ xe

28/01/2025 | 10:51

Kinhtedothi - Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, năm 2024 đã xử phạt hơn 748 trường hợp vi phạm trông giữ xe, phạt tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Năm 2025, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng liên ngành cùng địa phương tăng cường kiểm tra các điểm trông giữ xe trên địa bàn TP.

Đường sắt đô thị: xương sống “xanh” của giao thông đô thị

Đường sắt đô thị: xương sống “xanh” của giao thông đô thị

28/01/2025 | 10:56

Kinhtedothi - Đường sắt đô thị (ĐSĐT) được ví như xương sống của hệ thống giao thông công cộng bởi năng lực vận chuyển ưu việt. Hơn nữa, ĐSĐT còn là phương tiện chủ đạo để những đô thị lớn như Hà Nội kiến tạo một hệ thống giao thông xanh, bến vững.

Tin tài trợ