Ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô, phát huy hiệu quả các chính sách đột phá
Kinhtedothi - Nhằm tạo cơ chế, chính sách thực sự đột phá, vượt trội cho Hà Nội phát triển, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề xuất ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô, quy định tại Điều 4.
Tính đặc thù của quy định tại Điều 4 Dự thảo Luật Thủ đô
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định Điều 4 về áp dụng Luật Thủ đô – đây là quy định mới, chưa có trong Luật Thủ đô năm 2012.
So với bản dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mới nhất đã bổ sung thêm 2 khoản 3, 4 trong Điều 4.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 4 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định rõ nguyên tắc ưu tiên áp dụng quy định của Luật Thủ đô có nội dung khác so với quy định về cùng vấn đề tại các luật, nghị quyết khác của Quốc hội đang có hiệu lực.
Khoản 2 Điều 4 quy định cơ chế mới, có tính đặc thù, khác so với nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó.
Khoản 3 Điều 4 quy định: Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề với Luật Thủ đô và việc áp dụng quy định đó thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô nhưng chưa được quy định cụ thể trong luật, nghị quyết đó thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ trên cơ sở đề xuất của UBND thành phố Hà Nội.
Khoản 4 Điều 4 quy định: Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao hoặc văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên thì áp dụng văn bản quy định chi tiết, văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô.
Về điều kiện áp dụng luật trong Điều 4, tôi rất đồng tình đối với những quy định của luật khác trái với Luật Thủ đô thì phải áp dụng Luật Thủ đô. Nếu sau này khi ban hành những luật mới, nếu trong luật đó có những nội dung đòi hỏi Thủ đô phải tuân thủ thì phải ghi cụ thể vào trong luật mới, còn nếu không chúng ta vẫn áp dụng Luật Thủ đô.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội)
Tại Điều 51 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: (1) Chủ trì, phối hợp với chính quyền thành phố Hà Nội trong việc xây dựng chiến lược phát triển ngành, quy hoạch ngành, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; quyết định việc phân cấp, ủy quyền cho chính quyền thành phố Hà Nội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật này.
(2) Khi xây dựng dự án Luật, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, bộ, cơ quang ngang bộ có trách nhiệm rà soát, đối chiếu với quy định của Luật Thủ đô, xác định cụ thể nội dung thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô hoặc nội dung cần thực hiện theo luật, nghị quyết đó. Cơ quan thẩm định, thẩm tra văn bản có trách nhiệm xem xét, cho ý kiến về nội dung này trong dự án, dự thảo.
Ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô trong hệ thống pháp luật
Ngày 13/3/2024, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có báo cáo về một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo đó, về nguyên tắc áp dụng pháp luật (Điều 4 Dự thảo Luật Thủ đô): Trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo các quy định của một số luật và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung 2 nội dung mới trong nguyên tắc áp dụng pháp luật theo hướng:
(1) Xác định rõ trong trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề và quá trình triển khai áp dụng quy định này sẽ thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô nhưng việc áp dụng lại chưa được quy định cụ thể trong luật, nghị quyết đó thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ (khoản 3).
(2) Để khắc phục vướng mắc trong thực tiễn áp dụng Luật Thủ đô năm 2012 và một số nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương hiện đang được triển khai, dự thảo Luật quy định: trường hợp có sự khác nhau giữa văn bản quy định chi tiết hoặc văn bản ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao theo quy định của Luật Thủ đô với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản quy định chi tiết, văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô (khoản 4).
Góp ý về quy định này trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội từng chỉ rõ, TP Hà Nội không phải là một tỉnh hay một địa phương mà là Thủ đô của cả nước, là hình ảnh đại diện cho cả quốc gia, mang tính hình mẫu, đóng vai trò dẫn dắt và có sức lan tỏa nhằm thúc đẩy sự phát triển của cả nước. Hà Nội phải đi trước, phát triển cao hơn mức yêu cầu chung của đất nước. Vì vậy, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có những cơ chế, chính sách thực sự đặc thù, mang tính riêng, nhằm tạo ra sức hút riêng của Thủ đô để thu hút các nguồn lực cho phát triển.
Theo đại diện Sở Tư pháp Hà Nội, rất cần thiết có một điều khoản quy định việc áp dụng Luật Thủ đô (sửa đổi) trong quan hệ với các luật khác, bao gồm cả luật ban hành trước hay sau Luật Thủ đô, nhằm khắc phục bất cập về hiệu lực thực tế và khả năng thi hành được của các quy định tại Luật Thủ đô.
Đại diện Bộ Tư pháp cũng cho hay, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định một điều về áp dụng pháp luật với quan điểm bảo đảm tính nhất quán và xuyên suốt trong việc áp dụng Luật Thủ đô trong hệ thống pháp luật hiện hành, vừa phát huy giá trị và hiệu lực của Luật Thủ đô, vừa bảo đảm nguyên tắc về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không phá vỡ tính ổn định, thống nhất của hệ thống pháp luật…
Thường vụ Quốc hội xem xét về tiếp thu, chỉnh lý Luật Thủ đô (sửa đổi)
Kinhtedothi - Dự kiến, sáng 14/3, ngày làm việc đầu tiên tại Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tiếp thu, chỉnh lý toàn bộ Dự Luật Thủ đô (sửa đổi), phân quyền mạnh hơn
Kinhtedothi- Sáng 14/3, tại Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, Dự Luật lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân quyền mạnh hơn, xác định rõ phạm vi, trách nhiệm của TP Hà Nội trong một số lĩnh vực.
Luật Thủ đô (sửa đổi) đi vào nội hàm cụ thể về phân cấp, phân quyền
Kinhtedothi- Sáng 14/3, tại Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Dự Luật đã đi vào những nội hàm rất cụ thể liên quan đến phân cấp, phân quyền.