Vấn nạn mạo danh bác sĩ bán thuốc bao giờ chấm dứt?
Kinhtedothi - Gần đây, trong một dịp ngồi trò chuyện với BS Hoàng Khánh Toàn (nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), chúng tôi được ông kể về chuyện bị mạo danh để quảng cáo bán thuốc.
Ông lắc đầu ngán ngẩm vì chưa biết có cách gì ngăn chặn tệ nạn này, dù người dân bị ảnh hưởng không ít.
Mới đây, trên trang cá nhân, BS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) kể ông bị mời gọi mua sản phẩm Hyper care, được quảng cáo là chữa đủ các loại bệnh tim mạch. Đặc biệt, kẻ buôn bán sản phẩm này đã dùng hình ảnh của GS Nguyễn Lân Việt để quảng cáo.
BS Nguyễn Lân Hiếu viết: “Tôi không kìm được tức giận nên đã nói thẳng ra các ông bà thật táng tận lương tâm khi chỉ vì đồng tiền mà làm nguy hại sức khỏe đồng bào của mình. Dập máy mới thấy chưa tỉnh táo, đáng nhẽ phải tiếp tục nghe tiếp để xem mức độ trắng trợn của bọn chúng đến đâu.
“Tôi và nhiều bác sĩ tim mạch đã lên tiếng về sản phẩm lừa đảo này vậy nhưng chúng vẫn tồn tại, vẫn nhiều nhà bỏ tiền triệu ra mua, nhiều nạn nhân bỏ thuốc huyết áp đang dùng và phải nhập viện vì các biến chứng của tăng huyết áp. Trắng trợn đến mức tiếp thị với chính bác sĩ mà đã mạo danh và hình ảnh”.
BS Nguyễn Lân Hiếu cho biết thêm: “ Đường link bán thuốc lấy tên GS Lân Việt Nguyễn nhưng ảnh lại là của tôi đang phát biểu trước Quốc hội”.
GS Nguyễn Lân Việt cũng phản hồi: “Tôi cũng đã nhiều lần khẳng định bọn người xấu này đã nhiều lân lợi dụng uy tín và hình ảnh của tôi và làm giả cả các bài phỏng vấn vớ vẩn để quảng cáo các thuốc lăng nhăng, lừa gạt người bệnh. Mọi người dứt khoát đừng mắc lừa bọn này và cảnh báo cho càng nhiều người càng tốt!”.
Chúng tôi cũng được biết, nhiều bác sĩ khác (thường là nổi tiếng) bị lấy hình ảnh rồi lập trang Facebook giả quảng cáo bán thuốc và trang thiết bị y tế khác.
Có bác sĩ bị lập rất nhiều trang cá nhân giả mạo, khiến ông phải luôn luôn cảnh báo: “Tôi chỉ có một trang duy nhất, tất cả là giả mạo”.
Nhiều bác sĩ đã thông tin đến cơ quan công an để tố cáo kẻ mạo danh.
BS Nguyễn Lân Hiếu cho biết: “Tôi đã trực tiếp chuyển đường link và số điện thoại đến cơ quan an ninh điều tra. Hy vọng những kẻ lừa đảo sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Một số bác sĩ còn cho biết họ lúc trực cấp cứu gặp rất nhiều người vào cấp cứu vì ngừng thuốc huyết áp vì nghe linh tinh uống các loại thực phẩm chức năng với đeo vòng huyết áp là khỏi phải dùng thuốc huyết áp. Nhiều lúc khuyên mãi mà bệnh nhân không nghe, rồi lại phải vào cấp cứu…
Dư luận xã hội mong rằng, cơ quan công an tiếp tục có biện pháp chế tài mạnh với những kẻ mạo danh bác sĩ để bán thuốc. Các trang mạng xã hội như Facebook cũng cần nghe báo cáo và nhanh chóng nhận diện các trang mạo danh để ngăn chặn.
Cuối cùng, người bệnh nói riêng, người dân nói chung không nên tin vào những lời quảng cáo thổi phồng trên mạng, cần cảnh giác trước hiện tượng hình ảnh bác sĩ, nhất là bác sĩ nổi tiếng, đi quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội. Những bác sĩ uy tín và nổi tiếng không bao giờ đi làm những việc linh tinh và thiếu trách nhiệm đó.
Mạo danh bác sĩ, giả mạo lãnh đạo bệnh viện để lừa bệnh nhân
Kinhtedothi - Thời gian gần đây, trên không gian mạng xuất hiện nhiều fanpage mạo danh, sử dụng tên của Bệnh viện Nội tiết Trung ương hay các bác sĩ của bệnh viện để lừa đảo.
Lừa đảo, mạo danh bệnh viện cung cấp dịch vụ chăm sóc sau sinh
Kinhtedothi - Ngày 17/5, thông tin từ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết, hiện nay có một số đối tượng mạo danh nhân viên của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đến nhà khách hàng thực hiện các dịch vụ sau sinh như: tắm bé, massage bé, bán thuốc tại nhà...
Tràn lan website mạo danh bác sỹ, bệnh viện -trách nhiệm của cơ quan quản lý?
Kinhtedothi-Hiện người tiêu dùng đang bị bủa vây bởi thông tin giả: Hàng hoá được quảng bá sai sự thật về chất lượng; xuất hiện nhiều trang web giả mạo thương hiệu... khiến người tiêu dùng "tiền mất tật mang". Người tiêu dùng có quyền yêu cầu và đặt câu hỏi trách nhiệm của các cơ quan quản lý.