Vì sao các nhà lý luận, phê bình sân khấu “chạy làng”?
Kinhtedothi - Nhà lý luận phê bình sân khấu được ví như “bác sĩ” của sân khấu. Tuy nhiên, lực lượng này còn thiếu và yếu, ảnh hưởng không nhỏ tới việc định hướng sáng tác cho văn nghệ sĩ cũng như định hướng thẩm mỹ cho công chúng tiếp nhận.
Lực lượng lý luận, phê bình sân khấu còn thiếu và yếu
Ở Việt Nam, ngành lý luận, phê bình sân khấu còn rất non trẻ. Theo PGS.TS Trần Trí Trắc - Ủy viên Ban Lý luận - phê bình, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, nguồn đào tạo chính cho đội ngũ lý luận, phê bình sân khấu là do Liên Xô, Trung Quốc, Trường Đại học Tổng hợp Văn (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) và Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Đội ngũ này đã được phát huy rực rỡ khi nền sân khấu cách mạng phát triển cực thịnh, tạo lập vị thế của lý luận, phê bình sân khấu Việt Nam rất đáng tự hào.
Lương thấp, nhuận bút ít, làm việc tận tụy để được “cái ghét”, thì đành... thượng sách phải “chạy làng” hoặc hạ sách là “uốn bút”.
Ủy viên Ban Lý luận - phê bình, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, PGS.TS Trần Trí Trắc
Nhưng, từ khi đất nước thống nhất đến nay, nền sân khấu cách mạng ngày càng đi xuống, kéo theo lý luận, phê bình sân khấu tụt hậu. Hiện nay, nguồn nhân lực cũ đã cạn kiệt và nguồn lực mới hầu như không có, từ đó, làm cho cơ nghiệp ngành lý luận, phê bình sân khấu Việt Nam trở nên ảm đạm.
TS Trần Thị Minh Thu - Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, khoảng 20 năm nay, Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội không tuyển sinh được một khóa đào tạo lớp lý luận nào, dẫn đến không có đội ngũ nhà lý luận kế cận bổ sung. Những cây bút có tên tuổi, giàu kinh nghiệm, kiến thức sâu rộng phần lớn đã ra đi hoặc tuổi cao, sức yếu; giới trẻ hiện chỉ còn vài người và cũng đã ngấp nghé tuổi 50.
Theo TS Trần Thị Minh Thu, đa phần các bài phê bình không chuyên chỉ nhằm mục đích lăng xê tác phẩm hay gương mặt nghệ sĩ, mang ý kiến chủ quan, áp đặt yêu ghét cá nhân để bình phẩm. Sự trống vắng thể hiện ở chỗ có rất ít công trình, bài viết, chuyên luận thực sự sắc bén, có chiều sâu, mang tính toàn diện, phát hiện, sáng tạo và có vai trò định hướng cho giới văn nghệ sĩ.
Mặt khác, ngành lý luận, phê bình sân khấu ở Việt Nam chưa thể gọi là chuyên nghiệp, bởi bản thân những người cầm bút cũng chưa bao giờ coi đó là nghề nghiệp sống còn của mình. Bài viết của họ dù có công phu đến mấy, lao tâm khổ tứ đến mấy, thì cũng chỉ được chút nhuận bút ít ỏi, không tương xứng với giá trị “đầu vào”. Do đó, nhiều người được đào tạo chuyên ngành lý luận, phê bình sân khấu hoặc đã từng có tiếng tăm một thời, sớm muộn cũng đã “chạy làng” để mưu sinh như đi dạy học, sáng tác, đạo diễn, thậm chí… xuất khẩu lao động.
Mặt khác, các nhà hát, đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ cũng hầu như chưa bao giờ coi nhà lý luận, phê bình sân khấu là thành viên thân thiết của mình trong sáng tạo.
Lấp khoảng trống
Từ những bất cập trong ngành lý luận, phê bình sân khấu kể trên, tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp của lý luận, phê bình sân khấu hôm nay” do Hội Sân khấu Hà Nội vừa tổ chức, nhiều giải pháp tháo gỡ cũng được đưa ra.
Trước hết, cần nâng cao nhận thức của cấp quản lý, đơn vị nghệ thuật về vai trò của lý luận, phê bình sân khấu, từ đó phối hợp, phát huy năng lực của họ trong việc tác động, thúc đẩy sáng tác hiệu quả. Đồng thời tăng cường chất lượng đào tạo nghệ thuật và lý luận, phê bình nghệ thuật; nâng chế độ nhuận bút cho các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng có chất lượng, có tác động tích cực cho tác phẩm sân khấu.
Theo nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, NSND Bùi Thanh Trầm, để giải quyết được những khó khăn, thách thức hiện hữu, cơ quan quản lý phải thấy rõ tầm quan trọng của lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, dẫn dắt để các nhà lý luận phát huy năng lực và có tác động tới sáng tác.
Trong khi đó, nhà viết kịch Lê Quý Hiền cho rằng, điều cần thiết nhất của lý luận, phê bình sân khấu là giúp ekip sáng tạo bảo đảm được tính thống nhất của vở diễn, nhấn được thông điệp của tác phẩm. Vì vậy, để lý luận, phê bình sân khấu thực sự phát huy vai trò của mình, các đơn vị sân khấu, hội đồng nghệ thuật cần có những nhà hoạt động sân khấu rành về lý luận, phê bình có trình độ, hiểu biết những vấn đề cơ bản của tác phẩm dưới góc độ khoa học và thực tiễn.
Biến đường phố thành "sân khấu": xử phạt nghiêm để tạo sức răn đe
Kinhtedothi - Nhiều người biến đường giao thông thành nơi chụp ảnh, quay video, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Hành vi này cần được xử lý nghiêm nhằm thực hiện các quy định của pháp luật góp phần giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông.
Học sinh Thủ đô thêm yêu lịch sử qua Đề án sân khấu học đường
Kinhtedothi- Ngày 20/5, hàng nghìn học sinh Hà Nội đã được thưởng thức chùm kịch ngắn “Lời bà kể” do Nhà hát Kịch Hà Nội biểu diễn. Đây là chương trình mở màn triển khai Đề án sân khấu học đường cho học sinh tiểu học quận Hoàn Kiếm nói riêng và học sinh Thủ đô nói chung.
Sân khấu thiếu nhi nỗ lực đổi mới, vẫn thiếu tác phẩm “bom tấn” mùa Hè
Kinhtedothi - Từ việc mời đạo diễn nước ngoài dàn dựng vở diễn, lần đầu tiên xiếc kết hợp ảo thuật Nhật Bản, xã hội hóa tác phẩm sân khấu… là cách làm hay nhằm giữ chân khán giả nhí đến với sân khấu mùa hè này.