"Vọng khúc ca trù" - lan tỏa di sản âm nhạc đất Kinh kỳ
Kinhtedothi - Hướng tới việc bảo tồn di sản văn hóa Phi vật thể của dân tộc, tối 14/4 đã diễn ra sự kiện “Vọng khúc ca trù” do nhóm Việt Hòa Ca - sinh viên khoa Viết văn - Báo chí trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức.
Chương trình bao gồm 3 phần chính: Hát Ả đào, talkshow “Tinh hoa văn hóa ca trù” và hát thơ.
Mở đầu chương trình là bản hòa tấu hiếm khi được lựa chọn để biểu diễn rộng rãi, đó là tiết mục đỉnh cao của ca trù “Đào hồng, đào tuyết”. Ca khúc được ca nương ưu tú Đinh Thị Vân thể hiện, đã đưa khán giả tìm về những ký ức dân gian vô cùng đặc sắc.
Tiếp đến là talkshow "Tinh hoa văn hóa ca trù” với sự tham gia trao đổi của nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê - hậu duệ của dòng tộc họ Nguyễn có 7 đời làm nghề và truyền nghề liên tục; nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Mậu - tác giả cuốn sách “Ca trù nhìn từ nhiều phía” và ca nương - nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thúy Hòa.
Đề cập đến vấn đề làm thế nào để ca trù “đi tiếp” trong thời đại hiện nay, nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê cho biết: “Hiện ca trù có 70 làn điệu, hơn 100 các thể cách. Dù đã xuất hiện từ rất lâu nhưng đến nay ca trù vẫn là một điều bí ẩn đối với tất cả nhà nghiên cứu, với nhiều điều cần phải tìm hiểu."
Ca trù là một loại hình nghệ thuật có từ lâu đời, độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng dân tộc Việt Nam và được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại năm 2009.
Đối với vấn đề bảo tồn nghệ thuật ca trù, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Mậu cho biết: "Câu chuyện bảo tồn đã đặt ra từ lâu rồi, từ hồi đổi mới đã có một số câu lạc bộ thơ được hình thành. Nhiều người nghĩ đến đưa ca trù vào nhà trường, nhưng có người lại cho rằng đưa ca trù vào nhà trường là áp đặt. Việc đưa ca trù vào nhà trường gặp khó do không gian sinh hoạt của ca trù là của nhóm tri thức tìm nhau trong cuộc chơi thú vui thanh sắc.
Muốn bảo tồn nghệ thuật ca trù, các nơi có truyền thống ca trù như Lỗ Khuê, Cổ Đại nên tạo điều kiện cho họ nuôi dưỡng các thế hệ sống bằng niềm vui của văn nghệ. Từ đó, mới nuôi dưỡng được nghệ thuật ca trù."
Trong khi đó, nghệ nhân ưu tú Thúy Hòa cho rằng: "Để bảo tồn ca trù, không cần số lượng quá nhiều bởi bây giờ có nhiều thứ để giải trí, tiếp cận nhiều thú vui khác và ca trù chỉ là một trong những cái đó thôi. Giờ mình làm rộng ra, chất lượng lại không tốt. Làm một ca nương cần sự hiểu biết về lịch sử chứ không phải chỉ đến học thôi.
Quan điểm của tôi là mỗi một làng chỉ nên có một điểm thôi, không cần quá nhiều người hát, kết hợp nhạc đương đại của giới trẻ với ca trù nhưng vẫn phải mang lại sự đặc trưng của ca trù.
Ngoài ra, vẫn phải giữ được mái đình, không gian cửa đình, đầu tư vào những điểm đó để cho những ca nương được sống bằng chính nghề, không phải làm những nghề khác thì dứt khoát là sẽ bảo tồn nghệ thuật ca trù thành công."
Ở phần 3 của sự kiện, khán giả có cơ hội giao lưu, trò chuyện, giải đáp những thắc mắc với các ca nương, quan viên và kép đàn - 3 nhân vật “cộm cán” trong một buổi biểu diễn ca trù.
Đặc biệt, người xem có cơ hội thể hiện khả năng văn thơ của bản thân, các ca nương sẽ biến những vần thơ thành lời hát đầy trữ tình. Hơn thế nữa, văn hóa thưởng “thướng đầu” (thẻ tre) cũng được tái hiện phỏng theo văn hóa truyền thống tại phủ quan xưa.
“Vọng khúc ca trù” được tổ chức nhằm lưu trữ và bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của ca trù, giúp loại hình âm nhạc truyền thống này đến gần hơn với giới trẻ hiện nay. Từ đó, đưa ca trù từng bước đi vào đời sống xã hội đương đại, tạo được sức sống lâu dài, bền bỉ.
Không chỉ tận hưởng không gian đậm chất cổ xưa, khán giả còn được thưởng thức những điệu hát đậm chất “xưa” tưởng chừng đã đi vào quên lãng qua phần trình diễn của các ca nương chuyên nghiệp cùng lễ mở xiêm y truyền thống - một nét đặc sắc riêng chỉ ca trù mới có.
Bên cạnh đó, chương trình còn tổ chức workshop “Tìm về ký ức dân gian”, khán giả được trải nghiệm mặc thử trang phục truyền thống như áo dài, Việt phục,... và thưởng trà trong không gian truyền thống Bắc Bộ.
Ngoài ra, khách tham dự cũng được quay về thời thơ ấu với trò chơi ô ăn quan, chơi chuyền và lưu giữ những tấm ảnh bên gian hàng trưng bày về bộ môn nghệ thuật ca trù.
Nơi giữ vẹn nguyên các bài ca trù cổ
Kinhtedothi - Đến làng Chanh Thôn, huyện Phú Xuyên từ mỗi ngõ, xóm đều văng vẳng tiếng tom - chát và tiếng hát ngân nga vang - rền, rất nền - nẩy. Không được tập trung đông người để sinh hoạt CLB nhưng các nghệ nhân vẫn say mê với lời ca, tiếng hát, tiếng đàn ở tại nhà mình.
Tạo sức sống lâu bền cho di sản ca trù Thủ đô
Kinhtedothi - Sau 12 năm vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (năm 2009) của UNESCO, nhiều nghệ nhân gạo cội đã đi xa. Di sản ca trù của Hà Nội đang được tiếp nối với sự góp sức của cả cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam – giọng ca trù miệt mài truyền lửa đam mê
Kinhtedothi – Năm nay đã 74 tuổi, song Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Tam vẫn miệt mài truyền “lửa” đam mê ca trù cho các thế hệ trẻ với mong muốn giữ gìn, phát huy nét đẹp loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của dân tộc.