Xuất khẩu nông sản bền vững: Phải thay đổi tư duy sản xuất, bán hàng
Kinhtedothi - Tình trạng ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu phía Bắc kéo dài nhiều ngày qua đã làm đau đầu các nhà quản lý về giải pháp tháo gỡ cũng như gây thiệt hại không nhỏ cho DN, nông dân...
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Phạm Tất Thắng - Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, muốn xuất khẩu nông sản bền vững, về lâu dài Việt Nam phải thay đổi từ tư duy tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm đến chiến lược đa dạng hóa thị trường.
Không thể mãi áp dụng giải pháp tình thế
Ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc là câu chuyện không mới như điệp khúc đến hẹn lại lên, song lần này do nhiều nguyên nhân tình trạng ách tắc trở nên nghiêm trọng và kéo dài hơn. Ông có nhận định như thế nào về tình hình này?
- Đúng là việc hàng hóa Việt Nam lên các cửa khẩu quốc tế cũng như các cửa khẩu của địa phương sang thị trường Trung Quốc bị ách tắc gặp trục trặc thường xuyên diễn ra những năm qua. Điều này đã và đang xảy ra trong thời điểm này đúng vào dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.
Trung Quốc thắt chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã khiến cho nhiều cửa khẩu hạn chế hoặc dừng thông quan khiến cho tình trạng ách tắc càng kéo dài gây thiệt hại lớn cho DN, nông dân Việt Nam.
Mặc dù lần này Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã nhận thấy vấn đề này từ sớm, có chỉ đạo để phối hợp với phía Trung Quốc giải quyết. Nhưng với lý do phòng chống dịch Covid-19 chặt chẽ từ nước bạn thì nhiều khả năng tình hình có thể còn kéo dài.
Ông đánh giá như thế nào về các biện pháp can thiệp nhằm giảm thiểu tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu mà các bộ, ngành, địa phương đã và đang thực hiện?
- Thực hiện các giải pháp trước mắt để giảm thiểu tình trạng ùn ứ hàng hóa, Bộ Công Thương đã 6 lần điện đàm với Bộ Thương mại Trung Quốc; lực lượng Hải quan, chính quyền các tỉnh có cửa khẩu biên giới đã thường xuyên làm việc với phía nước bạn để tìm ra giải pháp gỡ nút thắt này. Thế nhưng kết quả giải quyết tình trạng này vẫn rất chậm. Chúng ta thấy rằng hiện trung bình mỗi ngày chỉ có từ 40 - 50 xe được thông quan như vậy, theo tính toán phải mất 3 - 4 tháng mới giải quyết lượng xe ùn ứ, nhưng với khoảng thời gian này thì không một loại nông sản nào bảo đảm được.
Nhiều giải pháp đã được các bộ, ngành, các tỉnh có cửa khẩu tiếp giáp yêu cầu phía Trung Quốc thực hiện như: Thiết lập bãi tập kết, làm thủ tục kiểm tra hàng hóa cả ngày nghỉ, bố trí lực lượng lái xe, lực lượng bốc vác tăng thêm ca làm việc… để giải tỏa ùn tắc.
Về phía các cơ quan quản lý Việt Nam đã thông báo với nhiều tỉnh thành có nông sản ngừng việc đưa hàng hóa lên biên giới để tránh tình trạng ùn ứ nặng thêm; nhiều trường hợp được khuyên quay đầu xe để khuyến khích tiêu thụ trên thị trường nội địa, đặc biệt là tại các TP lớn.
Tôi muốn nhấn mạnh đến Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand. Hiệp định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 sẽ tạo ra không gian kết nối sản xuất, thương mại trong toàn ASEAN và các đối tác. Do đó, cần phải tận dụng hiệu quả hơn các quy định, ưu đãi đã đàm phán, ký kết ở hiệp định này để khai thác tối đa cho quan hệ thương mại với Trung Quốc và các nước khác, trong đó có vấn đề thương mại biên giới." - PGS.TS Phạm Tất Thắng
Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng những biện pháp nêu trên đó chỉ là biện pháp tình thế, tạm thời và nếu như chúng ta vẫn cứ tiếp tục như thế này thì tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu chắc chắn sẽ lặp lại. Bởi với quy mô sản xuất và năng suất nông sản ngày càng cao của Việt Nam như hiện tại thì tình trạng ùn ứ không xảy ra lúc này cũng xảy ra lúc khác.
Tổ chức lại sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm
Nhiều ý kiến cho rằng, xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc, quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
- Tôi cho rằng chúng ta cần nhìn nhận thẳng vào nội tại nền kinh tế, là cách tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Chúng ta đã tham gia đàm phán ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đã hội nhập kinh tế quốc tế với bên ngoài tốt rồi nhưng vấn đề thay đổi cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu và nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm vẫn còn hạn chế.
Thực tế hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu rất nhiều nông sản vào thị trường Trung Quốc, sản xuất theo mùa vụ, cứ đến vụ là đưa hàng lên cửa khẩu. Chúng ta vẫn làm như vậy nhưng việc thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và sản phẩm thì chưa theo kịp yêu cầu. Do đó, Việt Nam cần phải tạo nên chuỗi sản xuất mà trong đó DN lớn là hạt nhân lôi kéo được sự tham gia của hợp tác xã, nông dân trong chuỗi sản xuất quy mô lớn. Chuỗi sản xuất ấy phải tuân thủ quy định về vùng trồng, mã số mã vạch, các tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm... thì mới tránh được rủi ro.
Mặt khác, nông dân, DN Việt phải đồng lòng, quyết tâm xây dựng một nền nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp hữu cơ có chứng nhận xuất xứ, chứng nhận địa lý, xác nhận vùng miền cho nông sản. Cùng với đó chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi làm giả xuất xứ, chứng nhận địa lý, xác nhận vùng trồng.
Nhìn vào thực tế những năm vừa qua ta thấy rằng có nhiều điển hình mà chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng để rút ra bài học. Ví dụ quả vải thiều Bắc Giang bao nhiêu năm cần phải giải cứu, nhưng với cách tiếp cận thị trường mới, năm 2020 và năm 2021 quả vải được mùa, nông dân được giá.
Hay tại một số vùng miền khó khăn, nhiều loại nông sản chưa có tên tuổi nhưng nhờ sự vào cuộc của các DN có tâm, có tầm, có năng lực và phối hợp cầu thị của chính quyền địa phương và nông dân đã mở ra cơ hội xuất khẩu lớn và nông sản Việt đã được thế giới biết đến như: Nhãn Hưng Yên, xoài Sơn La…
Không nên bỏ trứng vào cùng một giỏ
Vậy giải pháp căn cơ để xử lý dứt điểm tình trạng ùn ứ nông sản, hướng tới xuất khẩu bền vững này là gì, thưa ông?
- Về những biện pháp mang tính lâu dài chúng ta cần phải đặc biệt lưu tâm. Đầu tiên, chúng ta theo chủ trương giảm bớt dần việc vận tải bằng container lên các cửa khẩu để chuyển sang phương tiện như tàu hỏa, tàu thủy. Muốn như vậy thì Việt Nam cần phải đảm bảo xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp. Đơn cử như đường sắt của Việt Nam có chiều rộng là 1,1m là đang lệch so với đường sắt của Trung Quốc là 1,4m nên rất cần thiết khắc phục hiện trạng này.
Về lâu dài, cần xây dựng những tuyến đường sắt nối từ các cửa khẩu lớn tới các hải cảng và xây dựng những tuyến đường cao tốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Thứ hai là phải có sự đồng lòng của các DN, người dân, của các địa phương trong việc thống nhất giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch và nâng dần tỷ trọng xuất khẩu chính ngạch. Sở dĩ tôi nói như vậy vì nâng dần tỷ trọng xuất khẩu chính ngạch lên đòi hỏi chúng ta cần phải tuân thủ những quy định khắt khe của chính ngạch và đây là xu hướng tất yếu.
Thứ ba là về mặt quan điểm, tư duy người sản xuất Việt Nam cần phải thay đổi bởi thị trường Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính nữa. Thị trường rộng lớn hơn 1,4 tỷ dân này cũng đang phát triển đòi hỏi những tiêu chí, tiêu chuẩn cao hơn, khắt khe hơn đối với nông sản, thực phẩm của Việt Nam.
Tôi nói ví dụ như các quy tắc về xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, về xác nhận vùng miền của nông sản, thực phẩm của nước bạn hiện nay đòi hỏi chúng ta phải bài bản hơn trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, đóng gói, bao bì. Tất cả các quy tắc này cần được các đơn vị giao dịch hai bên thống nhất. Nghĩa là phải chuyển từ sản xuất tự phát sang sản xuất theo tiêu chuẩn đặt ra của bên nhập khẩu.
Thứ tư, chúng ta không chỉ đơn thuần dựa vào thị trường Trung Quốc mà cần thực hiện phương châm “không nên bỏ trứng vào cùng một giỏ” phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Việc này chúng ta có thể hoàn toàn làm được khi gần đây đang có những dấu hiệu rất là tích cực khi thanh long được Nhật Bản cấp chỉ dẫn địa lý; bưởi mấy chục ngày nữa thôi sẽ được xuất sang thị trường Mỹ; hay vải, vú sữa, thủy hải sản vào thị trường Australia, Nhật Bản, châu Âu.
Thứ năm, chúng ta đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là 2 hiệp định thương mại tự do EVFTA và RCEP, thì việc cần làm hiện nay là các DN phải tận dụng tối đa cơ hội, lợi thế để đưa được hàng hóa Việt Nam vào những thị trường này.
Từ đó, Việt Nam vừa đa dạng hóa thị trường xuất khẩu vừa đưa hàng hóa vào những thị trường cao cấp, thị trường tiên tiến như: Châu Âu, Nhật Bản, Australia. Khi đã đáp ứng được yêu cầu của các thị trường này rồi nông sản hàng hóa của Việt Nam những điều kiện của thị trường Trung Quốc sẽ không còn là vấn đề lớn.
Xin cảm ơn ông!