Mức sinh giảm thấp, thách thức của công tác dân số
Kinhtedothi - Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong công tác dân số, nhất là mức sinh giảm thấp nhất trong lịch sử, bên cạnh đó là già hóa dân số.
Những vấn đề này đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống xã hội hiện tại và tương lai. Xung quanh nội dung này, Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Đức Vinh - Viện trưởng Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Nhiều hệ lụy cho xã hội
Hiện nay, công tác dân số Việt Nam gặp nhiều thách thức khi mức sinh giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Ông đánh giá thế nào về tỷ lệ sinh, cơ cấu dân số cũng như chất lượng dân số của Việt Nam hiện nay?
- Thực ra, tình trạng mức sinh giảm cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội gần như là quy luật trên thế giới.
Hầu hết dân số các nước đều trải qua quá trình đó và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Thậm chí, Việt Nam còn duy trì được mức sinh thay thế khá lâu, gần 20 năm. Mức sinh năm qua giảm xuống một chút (năm 2023 ước tính là 1,96 con/phụ nữ) chưa phải là quá sâu.
Nếu Việt Nam duy trì mức sinh không bị thấp quá cũng không phải là mức đáng lo ngại nhất so với nhiều nước phát triển. Tuy nhiên, có một điều khác là ở Việt Nam, mức sinh có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, thậm chí, nhiều tỉnh/TP đã giảm khá sâu, không đồng nhất trên toàn quốc.
Chẳng hạn như tại các tỉnh Đông Nam Bộ mức sinh rất thấp (với 1,56 con/phụ nữ); TP Hồ Chí Minh (1,48 con/phụ nữ)… Ở Việt Nam, nhiều khả năng trong thời gian tới, mức sinh sẽ giảm, tiếp tục giảm mức sinh thay thế xuống khá sâu với những thay đổi xã hội, văn hóa, lối sống, điều kiện kinh tế…
Có thể thấy, mức sinh giảm thấp quá nhanh, dẫn đến già hóa dân số nhanh, từ đó để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, an sinh, ổn định đất nước như nhiều nước đã gặp phải. Đó là vấn đề về thiếu hụt dân số, nguồn lực lao động, thay đổi rất nhanh về cơ cấu gia đình, cơ cấu chi tiêu, cơ sở hạ tầng..., làm cho xã hội khó ổn định.
Ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản…, nhiều nơi rất ít người có con, thiếu hụt lao động, người cao tuổi chiếm tỷ lệ cao. Trong đó, nhiều dịch vụ cho thanh niên, trẻ em phải đóng cửa. Tuy nhiên, năng suất lao động của các nước này rất cao nên một người lao động có thể đóng góp vào quỹ an sinh một tỷ lệ rất lớn về chi phí phúc lợi xã hội để chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi…
Trong khi, năng suất lao động ở Việt Nam còn thấp nên nếu già hóa dân số quá nhanh sẽ rất bất cập. “Chúng ta không đủ nguồn lực để nuôi một cơ cấu dân số quá già”. Hơn nữa, tốc độ già hóa dân số của nhiều nước ở châu Âu không nhanh như ở Việt Nam, thậm chí, tốc độ này kéo dài hàng thế kỷ hoặc vài chục năm. Còn ở Việt Nam, theo dự đoán, từ dân số trẻ sang dân số già và siêu già lại rất nhanh.
Nếu chỉ xét đến mức sinh và việc duy trì mức sinh thay thế thì Việt Nam khá khả quan so với nhiều nước phát triển. Nhưng nếu tính đến tương lai về mức thu nhập, năng suất lao động ở Việt Nam hiện nay, đây là điều đáng lo ngại cần phải ngăn chặn.
Tôi nghĩ rằng, trong bối cảnh hiện nay, trên thế giới chưa nước nào duy trì được mức sinh như thế mãi. Do đó, Việt Nam cũng phải duy trì mức sinh như thế càng lâu càng tốt hoặc không để mức sinh giảm sâu quá nhanh thì sẽ giảm được tốc độ già hóa dân số nhanh.
Mức sinh giảm dẫn tới những hệ lụy khó lường cùng nhiều thách thức. Vậy, đâu là nguyên nhân, thưa ông?
- Như đã nói ở trên, mức sinh giảm là tình trạng chung trên thế giới, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Có thể thấy, ở xã hội phát triển hiện nay, nhu cầu sinh con trai giảm, tỷ lệ trẻ em tử vong ít hơn, mức sinh đã thấp, mức chết cũng thấp so với trước kia. Hiện nay, xu hướng nhiều người trẻ chỉ cần 1 con, thậm chí không cần con nào. Hơn nữa, quan niệm có con để hy vọng khi về già có người chăm sóc, nuôi dưỡng đã giảm nhiều so với trước.
Trong khi đó, hiện nay, giá trị cá nhân được đẩy mạnh, có nhiều mục tiêu: nghề nghiệp, chơi bời, du lịch, hưởng thụ đóng góp xã hội,… cho nên họ cũng không có nhiều thời gian dành cho việc nuôi con bởi nuôi một đứa con quá tốn kém cả về thời gian, tiền bạc, công sức. Do vậy, nhiều người càng không muốn đẻ.
Do đó, dẫn đến tình trạng mức sinh ngày càng giảm, có nơi giảm nhanh, có nơi giảm thấp bởi vì những chênh lệch giữa được và mất, những giá trị của con cái đem lại và chi phí mất đi,… Khi chênh lệch càng lớn thì mức sinh càng thấp và ngược lại, tùy từng bối cảnh. Thế nhưng, sự khác biệt giữa các vùng, tỉnh, TP ở nước ta rất lớn, ít địa phương có mức sinh đúng.
Kịp thời hỗ trợ cho người dân sinh đẻ
Vậy, theo ông, Việt Nam cần làm gì để mức sinh được bảo đảm, chất lượng dân số tiếp tục được cải thiện?
- Để duy trì mức sinh thay thế, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp, chính sách duy trì mức sinh, tuy nhiên chưa làm được nhiều. Mặc dù, nước ta duy trì mức sinh được 10 năm nay nhưng thực ra chúng ta cũng để khẩu hiệu “chính sách là mỗi vợ chồng nên có một đến hai con”, vẫn thiên nặng về giảm sinh.
Tôi nghĩ không nhất thiết bắt buộc phải có mấy con như Điều 10 Pháp lệnh dân số đang hiện hành, dẫn đến nhiều nơi vẫn còn biện pháp phạt hay kỷ luật đối với người sinh con thứ 3. Hiện Pháp lệnh dân số này không cần thiết nữa. Nhà nước nên bỏ quy định về số con trong Pháp lệnh dân số, không cần đợi Luật Dân số ra đời.
Hiện nay, các cặp vợ chồng tự hiểu và quyết định về số con mình sẽ sinh đẻ phù hợp với điều kiện về kinh tế, văn hóa, xã hội... Thế nhưng, Nhà nước khuyến khích, vận động các gia đình trong điều kiện nên sinh, đặc biệt là hai con.
Với những nơi mức sinh cao, nước ta đã có những giải pháp giảm sinh, nay vẫn làm tiếp nhưng cũng phải là những nơi có điều kiện hơn vì nhiều địa phương càng chậm phát triển lại sinh nhiều, sinh nhiều lại chậm phát triển. Rõ ràng, chúng ta vừa phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cho người dân sinh ít con, vừa phải tạo điều kiện cho người dân bằng việc cung cấp các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, tuyên truyền, vận động không kết hôn sớm, tảo hôn…
Còn những nơi mức sinh thấp làm sao đừng giảm tiếp tỷ lệ sinh, điều này sẽ khó hơn rất nhiều. Việt Nam phải làm rõ thông điệp, chính sách rõ ràng. Trước mắt, phải tăng cường truyền thông vận động, vẫn là hệ thống truyền thông đang có nên không mất thêm nhiều kinh phí, nguồn lực.
Để bảo đảm mức sinh, cần tăng cường tuyên truyền, động viên, khuyến kích người dân kết hôn vì hiện nay nhiều người trẻ kết hôn muộn, thậm chí không muốn kết hôn. Muốn vậy, Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi, thân thiện cho việc hôn nhân trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay.
Ngoài ra, cần quan tâm hơn đến dịch vụ khám bệnh, bảo đảm sức khỏe sinh sản cho mọi lứa tuổi, kể cả người chưa kết hôn lẫn người kết hôn, những người đã có con, cần đi khám thường xuyên, điều trị kịp thời phát hiện bệnh.
Tuy nhiên, kinh phí khám chữa bệnh, đặc biệt điều trị hiếm muộn chi phí rất cao, nhất là các gia đình thực hiện kỹ thuật IVF. Chi phí quá đắt trong khi bảo hiểm y tế (BHYT) không chi trả. Vấn đề này rất quan trọng, cần làm ngay, vì vậy, Nhà nước nên đưa vào danh mục BHYT chi trả, tỉ lệ phù hợp với quỹ BHYT. Bên cạnh đó, Chính phủ nên tạo điều kiện thân thiện, có các chính sách hỗ trợ cho người dân sinh đẻ.
Hiện nay, đa số gia đình trẻ muốn có 2 con nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên họ không thực hiện được. Do vậy, chúng ta chỉ cần có một hỗ trợ nhỏ, họ vẫn có thể đẻ thêm con bằng cách kết hợp từng nhóm, từng đối tượng. Ví dụ, nước ta có thể hỗ trợ người dân về ngày nghỉ thai sản, có thể tăng chế độ nghỉ thai sản lên 9 - 12 tháng thì ở một số khu vực mức sinh sẽ tăng. Ngoài ra, Nhà nước có thể hỗ trợ điều kiện sinh đẻ, nuôi dạy con cái, khám, chữa bệnh,… trong khả năng cho phép của hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Tôi nghĩ không nhất thiết bắt buộc phải có mấy con như Điều 10 Pháp lệnh dân số đang hiện hành, dẫn đến nhiều nơi vẫn còn biện pháp phạt hay kỷ luật đối với người sinh con thứ 3. Hiện Pháp lệnh dân số này không cần thiết nữa. Nhà nước nên bỏ quy định về số con trong Pháp lệnh dân số, không cần đợi Luật Dân số ra đời. Hiện nay, các cặp vợ chồng tự hiểu và quyết định về số con mình sẽ sinh đẻ phù hợp với điều kiện về kinh tế, văn hóa, xã hội...
PGS.TS Nguyễn Đức Vinh
Mức sinh hoạt phí cơ sở áp dụng cho cơ quan Việt Nam ở nước ngoài
Kinhtedothi - Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 8/2019/NĐ-CP ngày 23/1/2019 quy định một số chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.
Mức sinh của Việt Nam giảm thấp nhất trong lịch sử
Kinhtedothi - Ngày 11/7, Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới và 30 năm thực hiện chương trình hành động về dân số và phát triển.
Hoàn thiện chính sách dân số để duy trì mức sinh thay thế bền vững
Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới.