Zuckerberg thừa nhận thu thập dữ liệu ngay cả khi người dùng không đăng nhập Facebook
Kinhtedothi - Trong phiên điều trần thứ hai tại Quốc hội Mỹ ngày 11/4, Giám đốc điều hành (CEO) Facebook Mark Zuckerberg đã thừa nhận theo dõi cả những người không sử dụng trang mạng xã hội lớn nhất thế giới này vì lý do bảo mật.
Phát biểu tại phiên điều trần thứ hai kéo dài 5 giờ tại Hạ viện Mỹ, CEO Facebook Mark Zuckerberg tiếp tục gửi lời xin lỗi tương tự tại phiên điều trần trước đó rằng Facebook đã "mắc phải sai lầm lớn" do mạng xã hội này chưa "có đủ tầm nhìn" về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ dữ liệu của cộng đồng.
Trong buổi điều trần tại Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Mỹ ngày 11/4, CEO Facebook lại tiếp tục được các nghị sĩ đặt câu hỏi xoay quanh vụ bê bối Cambridge Analytica lợi dụng cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Nghị sĩ Ben Luján đã tra hỏi Zuckerberg về việc sử dụng “hồ sơ vô hình”- điều này giúp Facebook thu thập thông tin cá nhân mọi người ngay cả khi người đó không sử dụng Facebook.
“Trong một thông tin đã được xác nhận rằng Facebook có thu thập dữ liệu của người không dùng. Vậy, liệu những người mà không có tài khoản Facebook có thể chọn cách không chia sẻ dữ liệu của mình hay không?”, nghị sĩ Lujan hỏi Zuckerberg.
Ông Zuckerberg trả lời: “Bất cứ ai cũng có thể chọn không tham gia thu thập dữ liệu từ Facebook, dù họ có sử dụng dịch vụ của chúng tôi hay không. Nhưng để ngăn chặn trường hợp đánh cắp thông tin, chúng tôi cần biết khi nào người sử dụng truy cập liên tiếp vào dịch vụ của chúng tôi". Theo giải thích của ông chủ Facebook, trang mạng xã hội thu thập thông tin về những người không đăng ký tài khoản Facebook vì mục đích bảo mật.
CEO cũng tiết lộ rằng mình cũng nằm trong số 87 triệu người dùng Facebook bị chia sẻ dữ liệu bất hợp pháp với Công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica.
Trong cuộc điều trần đầu tiên tại Thượng viện Mỹ hôm 10/4, ông Zuckerberg dường như hầu như không bị đẩy vào thế chống đỡ do mỗi vấn đề không bị xoáy sâu.
Tuy nhiên, tại buổi điều trần tại Hạ viện, các nghị sĩ đã tập trung chất vấn CEO Zuckerberg với những câu hỏi hóc búa hơn. Nhưng mỗi nghị sĩ trong tổng số 55 thành viên tham gia phiên điều trần chỉ được 4 phút để đặt câu hỏi cho ông Zuckerberg.
Nghị sĩ Jan Schakowsky, đảng viên Dân chủ ở bang Illinois , đã nhắc lại những lời xin lỗi trong những năm trước của ông Zuckerberg và kết luận: "Đây là bằng chứng cho thấy rằng việc cam kết tự điều chỉnh của Facebook là không làm gì cả."
Khi được các nghị sĩ hỏi liệu có ủng hộ các quy định cụ thể về quyền riêng tư, CEO Zuckerberg nhấn mạnh: "Tầm quan trọng của Internet đang phát triển trên toàn thế giới, trong cuộc sống của người dân. Và tôi cho rằng việc cần phải có một số quy định là điều chắc chắn xảy ra. Tuy nhiên, tôi cho rằng các ngài cần phải cẩn thận khi áp dụng quy định. Nhiều lần điều chỉnh đã đặt ra các quy định mà một công ty lớn hơn, có những nguồn tài nguyên như của chúng tôi có thể dễ dàng tuân theo, nhưng lại có thể khó khăn hơn nhiều đối với một công ty khởi nghiệp nhỏ hơn".
Tại phiên điều trần, Zuckerberg cũng phản bác các ý kiến của một số Hạ nghị sĩ Mỹ khi cho rằng những người dùng Facebook không có đủ sự kiểm soát đối với dữ liệu trên mạng xã hội lớn nhất thế giới này.
Các nhà đầu tư dường như hài lòng với thái độ bình tĩnh và tự tin của ông chủ Facebook trong cả hai phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ trong 2 ngày 10-11/4. Cổ phiếu Facebook đã tăng 4,5% trong ngày 10/4, đạt mức cao nhất trong 2 năm và tiếp tục leo dốc 1,5% khi kết thúc phiên 11/4.
Cuộc điều trần diễn ra gần 1 tháng sau khi tờ New York Times and the Observer cho biết, Công ty dữ liệu Cambridge Analytica có khả năng tiếp cận thông tin của 50 triệu người dùng Facebook mà không có sự đồng ý của họ lan ra. Những thông tin này có thể được sử dụng để tác động đến cử tri trong chiến dịch vận động bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 của ứng viên đảng Cộng hòa lúc đó là ông Donald Trump. Mới đây, Giám đốc Kỹ thuật của Facebook Mike Schroepfer khẳng định có tới 87 triệu người dùng bị thu thập dữ liệu cá nhân phục vụ các mục đích khác nhau.