Chuẩn bị từ sớm, từ xa
Kinhtedothi-Hôm nay (12/3), khoảng 100.000 học sinh lớp 11 của Hà Nội tham gia làm bài khảo sát chất lượng với hai môn Ngữ văn và Toán. Đây được đánh giá là động thái tích cực, chủ động của ngành giáo dục Hà Nội đối với lứa học sinh đầu tiên học và thi theo Chương trình GDPT 2018.
Năm học 2023 – 2024 là năm thứ hai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với cấp THPT; đồng nghĩa với việc, lứa học sinh lớp 11 năm nay sẽ là lứa đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới vào năm 2025. Cuối tháng 11/2023, Bộ GD&ĐT đã chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ gồm 4 môn gồm 2 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 2 môn lựa chọn (trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Tháng 12/2023, Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa 17 môn thi và mới đây, quy định về cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT kể từ năm 2025 cũng được thông tin rộng rãi đến học sinh cả nước. Cấu trúc định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, bám sát nội dung, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và được thể hiện thông qua đề minh họa, bảng năng lực - cấp độ tư duy kèm theo.
Việc tổ chức khảo sát học sinh toàn TP đã được Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức nhiều năm qua, bảo đảm nguyên tắc chung là an toàn, nghiêm túc, khách quan và đạt kết quả trung thực, phản ánh đúng chất lượng dạy, học. Đề thi sẽ là đề chung do Sở GD&ĐT xây dựng trên cơ sở cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD&ĐT đã công bố; công tác chấm thi được tiến hành nghiêm ngặt theo đúng nguyên tắc của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Điểm mới của kỳ khảo sát năm học 2023 - 2024 là Sở mở rộng đối tượng tham gia, không chỉ có học sinh lớp 12 mà còn khảo sát với học sinh lớp 11. Như vậy, trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, lứa học sinh lớp 11 năm nay sẽ được tham dự 2 đợt khảo sát (1 đợt của lớp 11 và 1 đợt của lớp 12). Việc chủ động triển khai thi khảo sát với học sinh lớp 11 của ngành giáo dục Thủ đô được phụ huynh, học sinh cũng như dư luận xã hội đánh giá cao; thể hiện tinh thần chủ động, quan tâm của ngành với những thay đổi về phương thức và số môn thi tốt nghiệp.
Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm, Hà Nội có hơn 100.000 thí sinh dự thi, tổ chức gần 190 điểm thi, trên 4.200 phòng thi chính thức và điều động khoảng 15.000 cán bộ tham gia công tác làm thi. Năm 2023, Hà Nội có bước đột phá về thành tích thi tốt nghiệp THPT khi tỷ lệ tốt nghiệp THPT chung của toàn TP đạt 99,56%, đứng thứ 16 toàn quốc (tăng 11 bậc so với năm 2022). Xét theo tỉnh, thành, Hà Nội là địa phương có số lượng bài thi đạt điểm 10 nhiều nhất (trên 1.200 điểm 10).
Với sự chủ động trong công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 11 năm nay cùng nhiều giải pháp tích cực khác, Hà Nội kỳ vọng tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học; đồng thời cải thiện thứ bậc xếp hạng tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và những năm tiếp theo.
Vững tâm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Kinhtedothi–Để có cái nhìn tổng quan về việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác Bộ GD&ĐT vừa có buổi làm việc với trường Nguyễn Siêu, qua đó thấy được những thuận lợi, khó khăn của thầy-trò khi dạy và học theo chương trình mới.
Ngành giáo dục Hà Nội phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ
Kinhtedothi – Sáng 28/2, ngành giáo dục Hà Nội phối hợp với huyện Mê Linh tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Giáp Thìn năm 2024. Tham dự Lễ phát động có Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn.
Công đoàn giáo dục Hà Nội tri ân 110.000 nữ cán bộ, giáo viên
Kinhtedothi – Ngày 7/3, tại Trường THCS-THPT Newton (quận Bắc Từ Liêm), Công đoàn ngành Giáo dục và Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức chương trình kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng.