Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Kinhtedothi - Tọa đàm về đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam với sự tham gia của các tập đoàn tài chính, công nghệ toàn cầu.
Nhân Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF Davos 55), trưa 21/1, theo giờ địa phương, tại Davos, Thuỵ Sĩ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tập đoàn FPT và VinaCapital tổ chức Tọa đàm về “Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh”.
Tham dự tọa đàm có Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan liên quan; các tập đoàn của Việt Nam như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty Cổ phần FPT, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico, VinaCapital…
Đáng chú ý, dự toạ đàm có nhiều tập đoàn, tổ chức hàng đầu thế giới như: Google, City Group, Bitcoin Suisse, Ngân hàng Seb, Schneider Electric, Qualcomm, Visa, Ericsson, Bitcoin Suisse, Hyundai Moto, Phòng Thương mại ASEAN - Thụy Sĩ, A.P.Moller Capital…
Phát biểu đề dẫn, giới thiệu về những tiềm năng thu hút đầu tư vào Việt Nam Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình chia sẻ, các cấp chính quyền Việt Nam đã thay đổi tư duy từ quản lý sang kiến tạo, từ kiểm soát quy trình sang quan tâm kết quả.
Việt Nam phấn đấu trong thời gian tới đạt mức tăng trưởng 2 con số, trong đó khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng, nhất là các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số, bán dẫn, dữ liệu lớn…
Điều này có cơ sở hơn khi doanh thu từ lĩnh vực công nghệ của Việt Nam đạt 2 tỷ USD/năm, có khoảng 1 nhân lực trong lĩnh vực công nghệ và có nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn như Viettel, VNPT, FPT...
Việt Nam và các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam mong muốn hợp tác với các đối tác để cùng Việt Nam cất cánh trong kỷ nguyên thông minh.
Cùng với nghe giới thiệu về tiềm năng thu hút đầu tư vào Việt Nam, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung về đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, tiềm năng thu hút FDI và thế mạnh của Việt Nam, đề xuất các kiến nghị để Việt Nam thu hút nhiều hơn đầu tư trong lĩnh vực công nghệ.
Đại diện các tập đoàn lớn như Google, Schneider Electric, A.P Moller Capital… cho rằng, Việt Nam có vị trí quan trọng, có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm công nghệ của khu vực ASEAN và thế giới; các tập đoàn đã lựa chọn Việt Nam bởi nhìn thấy cơ hội lớn, không chỉ trong phát triển khoa học công nghệ, mà cả trong phát triển hạ tầng, logicstics, y tế…
Các tập đoàn mong muốn Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, hạ tầng cứng và mềm, có chính sách ưu đãi nhất là thuế, phí, đất đai, cũng như quy định về tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài cởi mở hơn.
Giải đáp các ý kiến của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang nỗ lực cải cách môi trường đầu tư để trở thành điểm đến an toàn, hiệu quả và cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Với việc thực hiện cơ chế hậu kiểm, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần đăng ký là triển khai được ngay các dự án thay vì phải mất 2 - 3 năm chờ đợi phê duyệt đầu tư, thẩm định các thủ tục đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy như trước đây.
Tất cả đã có sẵn tiêu chuẩn, quy chuẩn để sau đó cơ quản quản lý hậu kiểm. Đặc biệt, Việt Nam đang xem xét điều chỉnh tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực. ưu tiên, trong đó có sân bay, cảng biển để thu hút thêm nguồn vốn vào hạ tầng trong tương lai.
Về trung tâm tài chính quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quốc hội Việt Nam đã duyệt chủ trương và hiện đang xây dựng hai trung tâm tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; mong muốn các đối tác tham gia đóng góp về chính sách, chia sẻ kinh nghiệm để việc triển khai xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam hiệu quả cao và đáp ứng tốt hơn cho các nhà đầu tư.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Toạ đàm, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cảm ơn, đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu, cũng như cảm ơn các doanh nghiệp đã chọn Việt Nam là điểm đến.
Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Việt Nam nhận thức sâu sắc phát triển công nghệ cao không chỉ là điều kiện cần thiết để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, mà còn là chìa khóa để đưa đất nước "cất cánh" trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại; là nền tảng để xây dựng nền kinh tế tri thức, hướng tới phát triển bền vững.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế, nhà đầu tư đánh giá tích cực; nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lựa chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất chiến lược, kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó có sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ quốc tế lớn như Samsung, Intel, Nvidia, Google, Meta… và sự phát triển nhanh chóng của các Tập đoàn công nghệ trong nước như Viettel, VNPT, FPT, CMC… trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của đất nước.
Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, để trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư công nghệ cao, vì Việt Nam có môi trường chính trị ổn định; tăng trưởng kinh tế bền vững; nguồn nhân lực chất lượng; hạ tầng ngày càng hoàn thiện; hệ sinh thái của ngành phát triển sinh động…
Trong kỷ nguyên mới, Chính phủ Việt Nam hướng đến một mô hình phát triển bền vững, lấy khoa học công nghệ làm trọng tâm, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá.
Do đó, Việt Nam khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu và phát triển, năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ...
Cho biết, cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư để phát triển lĩnh vực công nghệ cao thông qua các chính sách hỗ trợ về ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư, thủ tục đầu tư đặc biệt, ưu tiên phát triển nhân lực chất lượng cao…, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam khai phá những cánh cửa mới, mở rộng hợp tác đầu tư trong những lĩnh vực mà hai bên có nhiều thế mạnh, tiềm năng; tăng cường trao đổi, tiếp tục duy trì và mở rộng hợp tác; mạnh dạn, chủ động có những giải pháp đột phá, sáng tạo, hiện đại; trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ,” “đã nói là làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã làm là phải có sản phẩm,” “cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển; cùng chung niềm vui, niềm hạnh phúc và sự tự hào”./.
8 cơ quan, địa phương có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên 50%
Kinhtedothi - Cục Chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa công bố tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của 20 bộ, ngành và 63 tỉnh, TP trong năm 2024. Theo đó, năm 2024, cả nước có 8 cơ quan, địa phương có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên 50%.
iPhone SE 4 sắp trình làng
Kinhtedothi - Apple được cho là đang chuẩn bị ra mắt một mẫu iPhone SE mới với tên iPhone SE 4.
Android 16 sẽ có chế độ chia đôi màn hình
Kinhtedothi - Có nguồn tin tiết lộ, Android 16 sẽ có chế độ chia đôi màn hình giống như OxygenOS của OnePlus.