Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chất lượng

Kinhtedothi - Mặc dù thời gian chuẩn bị ngắn, song hồ sơ Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được đánh giá chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, chất lượng; bảo đảm tiến độ trình Quốc hội.

Tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi)

Mới đây, tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đặt ra trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Hồ sơ Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính phủ chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, chất lượng, gồm đầy đủ các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.   

 

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 18, thẩm tra Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức vào tháng 10/2023, các đại biểu đã thống nhất cao với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi Luật; đồng thời nhấn mạnh dự thảo Luật cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ. Các cơ chế, chính sách phải rõ ràng, rành mạch về phạm vi, nội dung phân quyền; lĩnh vực phân quyền phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với mục đích và các quan điểm xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và đề nghị trong quá trình xem xét, ban hành Luật cần lưu ý một số quan điểm, yêu cầu. Trong đó, bản chất của Luật Thủ đô là đạo luật về phân quyền, do đó, các quy định trong dự thảo Luật cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô.

Về một số quy định cụ thể trong Dự Luật, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội như dự án Luật trên cơ sở kế thừa mô hình đang được thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội. Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phương thức hoạt động của HĐND TP Hà Nội và HĐND quận, thị xã, nâng cao chất lượng đại biểu dân cử để tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trên địa bàn phường.

Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, việc củng cố, nâng cao năng lực của HĐND TP Hà Nội thông qua việc tăng số lượng đại biểu HĐND TP, tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và tăng số Phó Chủ tịch HĐND TP là cần thiết, bảo đảm khả năng đảm đương thêm các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền theo luật và phù hợp với yêu cầu tổ chức chính quyền đô thị. Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao việc đề xuất trong Dự Luật các cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP Hà Nội.

Đại biểu lãnh đạo TP Hà Nội tham dự Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại một số Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TƯ, Nghị quyết số 30-NQ/TƯ, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Phân quyền toàn diện, tạo cơ chế đột phá giúp Thủ đô vươn lên

Nhấn mạnh đây là đạo luật về phân cấp và phân quyền cho Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, phải phân cấp và phân quyền toàn diện, không chỉ ở lĩnh vực kinh tế; phải có trọng tâm, trọng điểm. Đối với nội dung nào phân cấp cho cấp thành phố cần thể hiện rõ, ngoài ra nghiên cứu quy định để thành phố có thể phân quyền cho cấp dưới như quận, huyện, sở, ngành.

 

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) xây dựng dựa trên 5 quan điểm chỉ đạo: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; Quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; Bám sát 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; Cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; Kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô 2012; Luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Góp ý Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định vị trí đặc biệt của Thủ đô, đây là luật đặc thù hoặc đây là luật riêng, các cơ chế đặc biệt đối với Thủ đô Hà Nội thì đó là cơ chế riêng mà ta không thể so sánh về quy mô, vị trí. Nhiều Thủ đô của các nước chỉ có 100.000 dân, nhưng họ có một cơ chế rất đặc biệt để làm sao phát triển trung tâm chính trị. Riêng Thủ đô Hà Nội lại rất đặc biệt, vì có nghìn năm văn hiến về lịch sử và là Thủ đô về văn hóa.

“Tôi hoàn toàn nhất trí tiếp tục sửa Luật Thủ đô nhưng các cơ chế trong dự thảo chưa đủ mạnh và chưa phải là cái riêng, cái đặc biệt. Còn nếu đặc thù như các nơi khác lại áp dụng được cho Thủ đô thì lại dưới tầm; do đó, phải tạo cơ chế đột phá giúp Thủ đô vươn lên. Hơn nữa, trước đây Quốc hội đã đột phá mở rộng quy mô của Thủ đô thì bây giờ phải làm sao có nguồn lực tương ứng với sự phát triển của quy mô đó. Nếu Thủ đô vẫn tiếp tục sử dụng các cơ chế bình thường với các phân cấp bình thường thì sẽ không có nguồn lực phát triển” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấm mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô và đánh giá cao quá trình chuẩn bị của Chính phủ, TP Hà Nội và các bộ, đặc biệt là Bộ Tư pháp. Cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cũng phối hợp rất chặt chẽ trong việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hồ sơ dự thảo Luật, đảm bảo đầy đủ, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đúng tiến độ của chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua.

Một góc Công viên Thanh Xuân

Nhấn mạnh đây là đạo luật riêng quy định cho Thủ đô Hà Nội, vừa là Thủ đô hành chính của cả nước, vừa là một đô thị đặc biệt của cả nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, quy định các cơ chế riêng, ưu đãi đặc thù, đặc biệt vượt trội so với hệ thống pháp luật hiện hành. Đồng thời, cũng là các quy định giao trách nhiệm lớn cho Hà Nội trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Luật Thủ đô (sửa đổi) vẫn phải đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật có liên quan. Ngoài Luật Thủ đô, Hà Nội vẫn phải thực hiện toàn bộ các quy định có liên quan của hệ thống pháp luật.

“Về áp dụng Luật Thủ đô, lưu ý cần có quy định điều khoản cụ thể, phù hợp, thuận tiện cho việc áp dụng Luật Thủ đô trong hệ thống pháp luật nhưng vẫn phải bảo đảm đúng các nguyên tắc cơ bản trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, cần phải tiếp tục rà soát để hoàn thiện các nội dung cơ bản về các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, ưu tiên đối với Hà Nội trong vấn đề phân quyền, phân cấp, ưu tiên và trách nhiệm. Đồng thời, xác định mỗi cơ chế, chính sách thì có phân quyền, có phân cấp, có ưu tiên nhưng đồng thời phải có trách nhiệm…” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý.

 

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 10/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long sẽ trình Quốc hội Tờ trình về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc sẽ tiến hành thảo luận tổ về Dự án Luật này. Tiếp đó, sáng 27/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012).

Xem bài viết gốc tại đây
Chia sẻ
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
TOD và bài toán quy hoạch

TOD và bài toán quy hoạch

19/01/2025 | 09:24

Kinhtedothi - Transit Oriented Development (TOD) là định hướng phát triển đô thị lấy vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) nhanh, khối lớn làm hạt nhân trung tâm. Đây cũng là định hướng phát triển của Hà Nội trong hiện tại và tương lai, tuy nhiên TOD cũng đặt ra cho TP bài toán khó về quy hoạch.

Hà Nội: Tạm dừng đào đường, hè phố dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2025

Hà Nội: Tạm dừng đào đường, hè phố dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2025

17/01/2025 | 21:58

Kinhtedothi- Để đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và tạo thuận lợi cho Nhân dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán 2025, Sở GTVT Hà Nội ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị tạm dừng thi công đào đường, hè trên địa bàn TP từ ngày 22/1 - 12/2/2025.

TP Hồ Chí Minh: thêm một dòng kênh trở lại màu xanh

TP Hồ Chí Minh: thêm một dòng kênh trở lại màu xanh

17/01/2025 | 14:19

Kinhtedothi – Hàng Bàng là một trong những con kênh thoát nước tại TP Hồ Chí Minh bị ô nhiễm trầm trọng, với hàng trăm hộ dân sinh sống trên kênh từ hàng chục năm qua, con kênh bị lấp hẳn. Việc khôi phục lại dòng kênh góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Tin tài trợ