Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Hà Nội, những Tháng Tư

Kinhtedothi - Đang là những ngày tháng Tư, một trong những tháng đẹp nhất trong năm của Hà Nội.

Thật ra, Hà Nội của tôi vào thời khắc nào cũng đẹp, nhưng đẹp nhất là những lúc giao mùa, mà tháng Tư là một thời điểm như thế. Nói Hà Nội của tôi là bởi tôi sinh ra, lớn lên ở Hà Nội, sinh cơ, lập nghiệp…và giờ thì đang già đi ở TP thân thiết này. Cuộc đời mỗi con người, thường gắn với một cái mốc thời gian đáng nhớ nào đó. Mỗi tháng, mỗi mùa trong năm. Một loài hoa, thậm chí chỉ là một sắc hoa, hương hoa thân thiết. Với tôi, những điều đó đều đọng lại trong mỗi tháng Tư.
 Lá sấu rụng vàng con đường Phan Đình Phùng những ngày tháng 4/2020. Ảnh: Chiến Công
Tháng Tư năm 1954 trên dải đất hình chữ S thân thương diễn ra những biến động đầy khốc liệt. Chiến sự ở lòng chảo Điện Biên Phủ đang dần đi đến những dấu mốc quyết định. Tháng Tư ấy, bầu trời Hà Nội, nơi tôi được mẹ sinh ra luôn ầm ì tiếng động cơ của những chiếc Đa Cô Ta đi về, hà hơi tiếp sức cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đang hấp hối. Không lâu sau đó, Chiến thắng Điện Biên Phủ, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu đưa đến việc ký kết Hiệp Giơnevơ, lập lại hòa bình dù là tạm thời trên đất nước. Điều thú vị là nhiều đứa trẻ sinh tháng Tư năm ấy, cả trai lẫn gái được cha mẹ đặt tên là Bình như: Hòa Bình, Thanh Bình… Có vẻ như người ta đã nghĩ đến một nền hòa bình sắp tới với đất nước thân yêu.
Lại cũng tháng Tư, nhưng là ngót hai chục năm sau, tôi cùng bạn bè đồng trang lứa tạm biệt Hà Nội có mặt trong đội hình những cánh quân tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972. Những chàng trai sinh ra vào tháng Tư năm 1954, khi ấy tròn 18, đủ tuổi lên đường làm nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, từ biệt TP quê hương khi chỉ ít ngày nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.
Những ngày hè khốc liệt năm 1972 ở Quảng Trị mà đỉnh điểm là 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ với sự tham gia của không ít những chàng trai Hà Nội đã làm thất bại âm mưu “đàm phán trên thế mạnh” tại Hội nghị Paris mà Mỹ cố tạo ra trên chiến trường miền Nam. Chiến thắng Quảng Trị cùng với trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 đã buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Người ta thường nói, tuổi hai mươi là tuổi đẹp nhất của đời người. Với nhiều người trong lứa chúng tôi, sinh ra trong những ngày tháng Tư năm 1954, có một niềm vui trong cái năm tròn 20 tuổi đáng nhớ ấy. Năm ấy, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cùng một số trường khác chiêu sinh muộn, mãi tháng Tư năm 1974 sinh viên khóa 1973 - 1978 mới nhập học thay vì tháng 9 năm trước. Đó cũng là năm sau khi Hiệp định Paris được ký kết, nhiều người lính, trong đó có những chàng trai sinh năm 1954, được trở về với công việc đèn sách sau những gian khổ, hy sinh đối mặt với đạn bom, chết chóc nơi chiến trường. Được trở về mái trường tạm xa hay lần đầu bước vào cổng trường đại học mình mơ ước, là niềm vui không nhỏ với những người lính.
Rồi một năm sau đó, cũng những ngày tháng Tư không thể quên, những chàng sinh viên lính trở về từ mặt trận lại cảm thấy rộn rực, xen lẫn một tâm trạng gần như là sự nuối tiếc. Nuối tiếc khi mỗi ngày dõi theo bước chân thần tốc của đồng đội từ khắp mọi ngả đang tiến về giải phóng Sài Gòn, cắm lá cờ chiến thắng trên nóc dinh Độc Lập. Nuối tiếc vì lẽ ra, nếu may mắn, không do thương tích, bệnh tật… mình đã có mặt trong đoàn quân giải phóng, đã được tham dự vào sự kiện long trời lở đất mà đời mỗi con người không dễ gì có được. Nuối tiếc và hồ hởi. Hồ hởi trước những chiến công của đồng đội.
Với cá nhân tôi, khi được biết Lữ đoàn Công binh cầu phà mà mình từng phục vụ, trong đó có những người bạn từng chung bàn, chung lớp, những đồng đội cùng chia bom sẻ đạn tại Quảng Trị là một trong những đơn vị tham gia cánh quân hướng Đông Bắc tiến vào giải phóng Sài Gòn. Hà Nội vỡ òa trong niềm vui, tự hào khi đúng 12 giờ trưa ngày 30/4, Đài Tiếng nói Việt Nam dõng dạc tuyên bố chính thức: 11 giờ 30 phút hôm nay 30/4/1975, quân giải phóng đã tiến vào dinh Độc Lập.
Người Hà Nội mừng vui đến trào nước mắt, cùng cất cao giọng hát, và không ai bảo ai, đôi chân cứ tự động hòa vào dòng người trên phố hướng về Hồ Gươm, nơi vang lên tiếng pháo, tiếng đàn, tiếng hát, tiếng hò reo vang dậy tự đáy lòng. Cả Hà Nội bừng lên trong niềm vui đến bàng hoàng trước tin chiến tranh chấm dứt, đất nước hoàn toàn thống nhất.
Những gương mặt còn in nét khắc khổ thời chiến rạng rỡ nụ cười và cả những dòng nước mắt. Phố phường Hà Nội rộn rã những giai điệu hào hùng, bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, sáng tác nóng hổi của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Người dân thủ đô Hà Nội như sống trong không khí của ngày Tết. Người người, nhà nhà dọn dẹp, cắm hoa, treo cờ đỏ sao vàng. Nhiều gia đình trích từ khẩu phần tem phiếu ít ỏi thời chiến tổ chức ăn mừng…
Một chút nuối tiếc vì đã không có cơ hội cùng đồng đội đi đến cái đích cuối cùng. Một chút tự hào về những người đồng đội vẻ vang và bản thân đã góp chút máu xương cho chiến thắng vĩ đại hôm nay. Chiều ngày 30/4 ấy, bên miệng hầm phòng không chưa kịp dỡ bỏ ven hồ Hoàn Kiếm, chợt nghĩ tới sự tích trả gươm mà lòng ngập tràn hy vọng vào một cuộc dựng xây đất nước trong thanh bình, ước vọng ngàn đời của bao thế hệ, trong đó có những cô gái chàng trai sinh vào tháng Tư của cái năm hòa bình lập lại trên miền Bắc. Miệng mỉm cười mà mắt rưng lệ…
Vậy mà đã 45 năm cái thời khắc hào hùng xúc động ấy được tạc vào lịch sử. Và đã lại là tháng Tư của năm 2020, thời điểm mà Hà Nội cùng cả nước vào trận với tinh thần “ chống dịch như chống giặc.” Bình thường, đây sẽ là một thángTư đầy xúc cảm với những lễ kỷ niệm long trọng mừng ngày thống nhất, những cuộc gặp mặt trong nụ cười và nước mắt, trong vòng tay ôm siết của những cựu chiến binh từng dìu nhau vượt qua bom đạn của chiến tranh và cả những cam go thời hậu chiến, đến giờ kẻ còn người mất. Với những người được sinh ra trong tháng Tư, sẽ là những cuộc gặp mặt ấm áp bên gia đình, bạn bè, người thân.
Lẽ ra là vậy, nhưng Hà Nội cùng cả nước đang dồn sức bước sang giai đoạn mới của cuộc chiến phòng chống dịch bệnh để đất nước có thêm một chiến thắng, chiến thắng đại dịch Covid-19. Một lần nữa, sự đoàn kết đồng lòng, truyền thống tương thân tương ái, nghĩa đồng bào của dân tộc Việt Nam lại được phát huy để đất nước vững vàng trước những khó khăn, thử thách. Và niềm tin, một niềm tin vào tương lai tốt đẹp của dân tộc, đất nước lại thêm một lần được khẳng định!
Hà Nội thường rất đẹp vào những lúc giao mùa. Những ngày thực hiện giãn cách xã hội, TP tĩnh lặng lại càng bộc lộ vẻ đẹp của nó với những rặng bằng lăng trổ lộc, những gánh hoa loa kèn, đặc trưng của Hà Nội tháng Tư như trôi đi giữa những con phố bình yên. Và những cây sấu sẽ xạc xào trút lá để chuẩn bị cho mùa rắc hoa trên những hè phố Hà Nội. Người Hà Nội đang ngắm nhìn những con phố, hàng cây qua những khung cửa sổ, những ban công xanh mát những vòm hoa mà mong tới lúc được ùa tới cùng nhau tận hưởng những vẻ đẹp mà thiên nhiên cùng bàn tay khối óc con người đã tạo tác, đắp bồi trên mảnh đất thân thương này.
Tháng Tư này, bằng tất cả những gì đã trải nghiệm từ những tháng Tư, Hà Nội mến yêu vẫn tràn đầy hy vọng, niềm tin mọi sự rồi sẽ tốt đẹp, an lành.
Hà Nội, những ngày tháng Tư 2020
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Nghệ nhân sơn mài Hà Nội chào Xuân với 45 bức tượng rắn độc đáo

Nghệ nhân sơn mài Hà Nội chào Xuân với 45 bức tượng rắn độc đáo

17/01/2025 | 21:55

Hơn 20 năm không ngừng sáng tạo và đổi mới, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã thổi một làn gió mới vào nghệ thuật sơn mài truyền thống, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị của làng nghề Thủ đô. Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã tạo ra 45 bức tượng rắn độc đáo với nhiều hình thái khác nhau.

Sôi động với trải nghiệm “Tết truyền thống” tại Hà Nội

Sôi động với trải nghiệm “Tết truyền thống” tại Hà Nội

16/01/2025 | 17:39

Kinhtedothi - Từ ngày 18/1, tại nhiều điểm di sản, giao lưu văn hóa như phố cổ Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Làng cổ Đường Lâm diễn ra các chương trình trải nghiệm “Tết truyền thống” với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn.

Phát huy sức mạnh âm nhạc trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Phát huy sức mạnh âm nhạc trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

29/12/2024 | 09:54

Kinhtedothi - Âm nhạc luôn gắn liền với đời sống và tâm hồn người dân Thủ đô, góp phần tạo nên văn hóa đặc sắc của Hà Nội. Để xây dựng chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh, cần bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc truyền thống, đồng thời khuyến khích những sáng tạo mới.

Hơn 50.000 hộ dân quận Ba Đình được công nhận "Gia đình văn hóa"

Hơn 50.000 hộ dân quận Ba Đình được công nhận "Gia đình văn hóa"

27/12/2024 | 11:58

Kinhtedothi - Sáng 27/12, UBND quận Ba Đình tổ chức tổng kết thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2025.

Câu chuyện ý thức: Góc phố sạch

Câu chuyện ý thức: Góc phố sạch

23/12/2024 | 21:31

Kinhtedothi - Trong nhịp sống hối hả của thời đại, việc giữ gìn sự sạch sẽ và văn minh nơi công cộng không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là thước đo văn hóa của cả cộng đồng. Thế nhưng, xả rác bừa bãi tưởng chừng như nhỏ nhặt lại đang trở thành một vấn đề nhức nhối.

Tin mới
Gỡ vướng để hoàn thành khoảng 1.000km đường cao tốc trong năm 2025

Gỡ vướng để hoàn thành khoảng 1.000km đường cao tốc trong năm 2025

29/01/2025 | 21:42

Kinhtedothi- Theo Bộ GTVT, các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT trong năm 2024 dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn bảo đảm tiến độ, chất lượng. Đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác 2.021km đường cao tốc. Để hoàn thành mục tiêu 3.000km cao tốc trong năm 2025, cần hoàn thành thêm khoảng 1.000km.

Hà Nội xác định 10 nhóm giải pháp căn cơ đẩy lùi ùn tắc giao thông

Hà Nội xác định 10 nhóm giải pháp căn cơ đẩy lùi ùn tắc giao thông

29/01/2025 | 21:38

Kinhtedothi - Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng Đề án tổng thể giảm thiểu ùn tắc giao thông (UTGT) trên địa bàn TP, giai đoạn 2025 - 2030 và những năm tiếp theo. Trong đó, có 10 nhóm giải pháp lâu dài, căn cơ nhằm từng bước giải quyết nguy cơ UTGT trong hiện tại và cả tương lai.

Đường sắt đô thị: xương sống “xanh” của giao thông đô thị

Đường sắt đô thị: xương sống “xanh” của giao thông đô thị

28/01/2025 | 10:56

Kinhtedothi - Đường sắt đô thị (ĐSĐT) được ví như xương sống của hệ thống giao thông công cộng bởi năng lực vận chuyển ưu việt. Hơn nữa, ĐSĐT còn là phương tiện chủ đạo để những đô thị lớn như Hà Nội kiến tạo một hệ thống giao thông xanh, bến vững.

Hà Nội: tăng cường xử phạt vi phạm trông giữ xe

Hà Nội: tăng cường xử phạt vi phạm trông giữ xe

28/01/2025 | 10:51

Kinhtedothi - Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, năm 2024 đã xử phạt hơn 748 trường hợp vi phạm trông giữ xe, phạt tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Năm 2025, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng liên ngành cùng địa phương tăng cường kiểm tra các điểm trông giữ xe trên địa bàn TP.

“Tết vội” trên công trường trọng điểm của Thủ đô Hà Nội

“Tết vội” trên công trường trọng điểm của Thủ đô Hà Nội

27/01/2025 | 08:34

Kinhtedothi - Những ngày sát Tết Nguyên đán Ất Tỵ, trên công trường khoan hầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội vẫn nhộn nhịp công nhân, kỹ sư cùng máy móc ầm ì hoạt động. Để bảo đảm “đường găng” tiến độ, công trường sẽ nghỉ Tết muộn và quay trở lại làm việc từ sớm.

Tin Tài Trợ