Hà Nội tổ chức đợt cao điểm ATVSLĐ, chăm lo cho công nhân, lao động
Kinhtedothi – Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh, lao động (ATVSLĐ) TP Hà Nội năm 2022, có sự tham gia của 1.000 người với nhiều hoạt động ý nghĩa.
Ngày 20/4/2022, Ban Tổ chức Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ TP Hà Nội năm 2022 tổ chức họp đánh giá công tác ATVSLĐ năm 2021 và triển khai các nội dung tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ TP Hà Nội năm 2022, với sự chủ trì của Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức Bạch Liên Hương.
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, Phó Trưởng ban tổ chức Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết: Lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 được tổ chức vào 8 giờ ngày 29/4/2022 tại sân nhà điều hành Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long (địa chỉ: Xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Dự kiến có 1.000 người tham gia Lễ phát động, trong đó khách mời của Trung ương, TP, các đơn vị quận, huyện, thị xã, cơ quan liên quan là 200 người và lực lượng hưởng ứng mít tinh gồm công nhân lao động, các DN, người sử dụng lao động…800 người.
Tháng Công nhân năm 2022 có chủ đề: “Công nhân Việt Nam: Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng”. Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 có chủ đề “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ được tổ chức từ ngày 1/5/2022 đến hết ngày 31/5/2022.
Theo Kế hoạch của UBND TP, sẽ có nhiều hoạt động được tổ chức tại Lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐTP Hà Nội năm 2022, như phóng sự về phong trào công nhân lao động Thủ đô và công tác ATVSLĐ năm 2021, phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022, trao quà cho 100 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động…
Trưởng Ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Tạ Văn Dưỡng cho biết: Sẽ có 100 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn được nhận quà hỗ trợ của TP tại Lễ phát động và 100 công nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhận quà tại Liên đoàn Lao động TP Hà Nội. Ngoài ra, còn có 500 nữ công nhân được khám sức khỏe và cấp thuốc miễn phí tại Lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐTP Hà Nội năm 2022..
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 đã cơ bản hoàn tất. Trưởng Ban tổ chức Bạch Liên Hương nhấn mạnh, tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ nhằm tạo đợt cao điểm trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động, người lao động về ý thức tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ trong các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh. Và, tuyên truyền về vị trí của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và đội ngũ công nhân lao động Thủ đô nói riêng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và đất nước.
“Quan điểm của chúng ta, các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức không chỉ tập trung tổ chức trong ngày phát động, trong Tháng Công nhân và Thánh hành động về ATVSLĐ mà sẽ thường xuyên, liên tục trong 12 tháng của năm 2022” – Giám đốc Sở LĐTB&XH Bạch Liên Hương nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 25/3/2022, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch 96/KH-UBND Tổ chức Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ TP Hà Nội năm 2022, gồm các hoạt động được tổ chức trước, trong và sau Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022.
Trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022, các sở, ngành, địa phương cùng các cơ quan liên quan sẽ tăng cường tuyên truyền về triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ trên địa bàn TP; cấp phát tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền về công tác ATVSLĐ cho UBND các quận, huyện, thị xã và các DN trên địa bàn TP. Đồng thời, tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra về công tác ATVSLĐ; tổ chức các hoạt động chuyên đề ATVSLĐ và hoạt động cộng đồng (tư vấn, hỗ trợ DN cải thiện điều kiện lao động; tuyên truyền, huấn luyện cho người lao động làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động…); thăm hỏi tặng quà các gia đình, nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tháng Công nhân năm 2022 tập trung vào một số hoạt động về tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động, tổ chức Công đoàn, đoàn viên, người lao động về mục đích, ý nghĩa, các hoạt động Tháng công nhân; truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân Việt Nam; về truyền thống, tinh thần bất diệt của ngày Quốc tế Lao động 1/5; công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Cùng với đó, là tổ chức các hoạt dộng thăm hỏi, hỗ trợ cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; kết nối, giới thiệu, tạo cơ hội việc làm, học nghề cho đoàn viên, người lao động. Công đoàn cấp cơ sở tăng cường hoạt động thương lượng, đối thoại tại nơi làm việc, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; chăm lo đời sống, việc làm, lương, thưởng, phúc lợi, điều kiện làm việc của người lao động.
Cũng trong Tháng Công nhân 2022 sẽ có các hội thi tay nghề, hội thi thợ giỏi, tuyên dương công nhân giỏi, sáng kiến, sáng tạo, hưởng ứng Chương trình “1 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”….
Nhiều hoạt động trong Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022
Kinhtedothi – Trong Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2022, TP Hà Nội tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác ATVSLĐ; hỗ trợ DN cải thiện điều kiện lao động; thăm hỏi, tặng quà công nhân có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Việc làm cho người khuyết tật nhiều nhưng không ít trở ngại
Kinhtedothi – Để phục hồi thị trường lao động, nhiều DN chủ động tuyển chọn người khuyết tật (NKT) làm những công việc phù hợp với khả năng với mức lương khá. Tuy nhiên, việc tuyển NKT không dễ bởi những trở ngại từ phía NKT và các yếu tố khác.
Tăng lương tối thiểu từ 1/7/2022 là phương án tối ưu?
Kinhtedothi – 8 hiệp hội đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng (LTTV) đến ngày 1/1/2023; trong khi đó phía đại diện người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) cho rằng không thể kéo dài sự chậm trễ này bởi NLĐ đang rất khó khăn.