Việc làm cho người khuyết tật nhiều nhưng không ít trở ngại
Kinhtedothi – Để phục hồi thị trường lao động, nhiều DN chủ động tuyển chọn người khuyết tật (NKT) làm những công việc phù hợp với khả năng với mức lương khá. Tuy nhiên, việc tuyển NKT không dễ bởi những trở ngại từ phía NKT và các yếu tố khác.
Người khuyết tật có nhiều cơ hội việc làm
TP Hà Nội có khoảng hơn 100.000 NKT, trong đó hơn 30.000 người có khả năng lao động. Hỗ trợ giải quyết việc làm nhằm tìm cho NKT một công việc phù hợp, không chỉ giúp họ tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng mà còn khẳng định vai trò của NKT, giúp họ tham gia đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của TP Hà Nội. Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Hoàng Thành Thái cho hay, TP Hà Nội đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch về an sinh xã hội, tạo việc làm, dạy nghề cho NKT. Những năm qua, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm (GDVL) lồng ghép tuyển dụng lao động là NKT.
Thông tin về kết quả tạo việc làm cho NKT, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết: Kể từ năm 2012, chúng tôi đã phối kết hợp với Hội NKT Hà Nội và hội NKT 30 quận, huyện để triển khai các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tư vấn vị trí việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động, hàng năm tổ chức các phiên GDVL lồng ghép tuyển dụng lao động là NKT. Chúng tôi đã tổ chức được gần 30 phiên GDVL dành cho NKT và có trên 600 đối tượng tìm được việc làm tại các DN.
Cơ hội việc làm cho NKT là có. Các DN có nghĩ đến tạo việc làm cho NKT. Nhưng NKT có biết thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động là NKT của DN, tìm được công việc phù hợp với bản thân mình hay không thì phải có cầu nối, thông tin chính thống thông qua Hội NKT Hà Nội và Trung tâm DVVL Hà Nội. Vì thế, phiên GDVL lồng ghép tuyển dụng lao động là NKT năm 2022 (hưởng ứng Ngày NKT Việt Nam 18/4) đã thu hút 10 DN tham gia tuyển dụng NKT với 317 chỉ tiêu. Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ hàng không Việt Nam Nguyễn Hải Phong cho biết: Chúng tôi mong muốn tuyển 95 lao động NKT vào vị trí nhân viên tư vấn tuyển sinh chuyên ngành hàng không. Chúng tôi sẽ phối hợp với Hội NKT Hà Nội tổ chức khóa đào tạo kiến thức, sản phẩm tuyển sinh liên quan đến chuyên ngành hàng không; mức lương cơ bản 5 – 6 triệu đồng/tháng cộng với lương hiệu suất công việc. Bà Chử Thị Thanh Hương – Giám đốc sáng lập DN xã hội vì người khiếm thính Việt Nam có nhu cầu tuyển 10 NKT để đào tạo miễn phí nghề đan các sản phẩm làm từ vỏ bao mì tôm; sau thời gian học nghề, học viên đạt yêu cầu thì sẽ được DN nhận vào làm việc với mức lương thử việc 4 triệu đồng/tháng và sau đó sẽ tăng lên….
Tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho người khuyết tật
Chủ tịch Hội NKT Hà Nội Dương Thị Vân chia sẻ về những khó khăn của NKT: Khi NKT muốn đi xin việc thì phải biết làm hồ sơ, lập kế hoạch cá nhân phù hợp với công việc mà mình mong muốn; thế nhưng có nhiều NKT không biết khả năng, sở thích của mình. Hội NKT với vai trò kết nối và nâng cao nhận thức, năng lực cho NKT đã tổ chức các lớp tập huấn về lập kế hoạch cá nhân, làm hồ sơ, trang bị kỹ năng cho NKT. Hội NKT Hà Nội thường xuyên phối hợp với Trung tâm DVVL Hà Nội tạo điều kiện cho NKT được tư vấn ngành nghề, kỹ năng trụ việc và ứng tuyển vào vị trí phù hợp với bản thân.
Từ thực tế bản thân là NKT đã từng đi tìm việc, làm việc tại DN và nay đã trở thành Giám đốc Công ty TNHH TĐT Digital, anh Trần Thành Trung hiểu được những khó khăn của NKT trong hành trình tìm kiếm việc làm. “Đa số NKT yếu về năng lực, nhận thức và trình độ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số NKT trẻ đã có trình độ, kỹ năng và có thể đáp ứng được công việc marketing online. Với những NKT chưa có tay nghề đang học việc, tôi hỗ trợ 2 - 3 triệu đồng/tháng; NKT có kinh nghiệm sẽ hưởng lương 5 – 7 triệu đồng/tháng” – anh Thành Trung cho hay.
Với hơn 20 năm làm công tác tuyển dụng nhân sự, Giám đốc sáng lập DN xã hội vì người khiếm thính Việt Nam Chử Thị Thanh Hương chỉ ra những vấn đề mà NKT gặp phải khi tiếp cận việc làm. Hiện nay mọi người đều đăng tuyển tìm việc trên mạng xã hội nhưng không phải NKT nào cũng tiếp cận mạng này để có nguồn tin. NKT không hiểu nhiều về những quy định trong Luật Lao động để khi bước chân vào thị trường lao động có cách ứng xử bình đẳng. DN thông tin tuyển dụng NKT mất nhiều thời gian vì phải có công văn và chờ đợi lâu trong khi DN cần người làm ngay.
Với mong muốn NKT có được trợ giúp tốt nhất để tìm việc làm phù hợp, khẳng định quyền hòa nhập và bình đẳng của NKT, trong thời gian tới, Sở LĐTB&XH Hà Nội sẽ chỉ đạo Trung tâm DVVL Hà Nội và các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu tham mưu cơ chế chính sách về tài chính hỗ trợ NKT học nghề, hỗ trợ người sử dụng lao động nhận NKT vào làm việc, hỗ trợ những NKT có ý tưởng mở cơ sở sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Sở sẽ phát huy cao hơn nữa vai trò của các trung tâm đào tạo nghề hỗ trợ NKT và tổ chức các phiên GDVL hướng đến NKT.
1.000 cơ hội việc làm cho người lao động, người khuyết tật
Kinhtedothi – Tại Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật, các DN tuyển sinh, tuyển dụng 1.022 chỉ tiêu, đa dạng ngành nghề, mức lương từ 5 - trên 10 triệu đồng/tháng, là cơ hội để nhiều lao động tìm được việc làm phù hợp.
Nhiều doanh nghiệp trả lương cao, có hai lương cho người lao động
Kinhtedothi – DN đưa ra mức lương cao kèm theo các chế độ, thậm chí có DN trả 2 lương nhưng vẫn khó tuyển người lao động (NLĐ), kể cả người khuyết tật (NKT).
Người lao động bị mắc Covid-19 được hưởng những chính sách gì?
Kinhtedothi – “Chế độ, chính sách và chăm sóc sức khỏe cho người lao động (NLĐ) bị nhiễm Covid-19” là chủ đề của các buổi giao lưu trực tuyến do báo Lao động Thủ đô tổ chức ngày 14 và 15/4 tại huyện Thanh Oai, quận Hoàng Mai thu hút nhiều đoàn viên, NLĐ.