Công sức của cơ quan báo chí đang bị ăn cắp công khaiTheo Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Xuân Trung, vấn đề xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí hiện nay rất phổ biến, công khai... dưới nhiều hình thức như dẫn lại, trích nguồn... Việc vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí hiện để lại những hậu quả nghiêm trọng, cơ quan báo chí bị thất thu về mặt kinh tế, uy tín, thương hiệu, trong khi đó đối tượng xâm hại không phải đầu tư công sức mà vẫn ngang nhiên hưởng thành quả lao động của các đơn vị nắm bản quyền. Trong 7 năm, báo Tuổi Trẻ nhận được 350 công văn xin khai thác thông tin, nhiều nhất là các trang thông tin điện tử.
Trong khi đó, Thư ký tòa soạn báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh Đinh Đức Thọ cho biết, báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh đang là nạn nhân của tình trạng xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Có tác phẩm báo chí trên báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh phải đầu tư hơn 2 tháng để hoàn thành nhưng chỉ vừa xuất bản là đã có báo lấy lại nguyên văn. Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh phát hiện, đã gọi điện thoại yêu cầu gỡ xuống, đơn vị vi phạm không hợp tác, chỉ đến khi làm mạnh thì mới chịu gỡ. Đối tượng xâm phạm tác quyền các tác phẩm báo chí của báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh nhiều nhất vẫn là các trang thông tin 3 không (không có địa chỉ, không có cơ quan chủ quản, không biết ai là chủ)...
Cũng liên quan vấn đề bản quyền tác phẩm báo chí, Phó ban kiểm tra VTV Nguyễn Thanh Vân cho biết, chỉ tính trong vòng 30 ngày gần đây, các chương trình gameshow giải trí của VTV có 94.000 lượt vi phạm; các chương trình thiếu nhi có gần 50.000 lượt xâm phạm. Bên xâm phạm sử dụng chương trình của VTV phát lại trên các nền tảng khác, thu lợi nhuận kinh tế. Bên xâm phạm còn lồng ghép sản phẩm của họ vào chương trình của VTV, việc xâm phạm tác quyền không đơn thuần chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn có yếu tố chính trị.
Tự phát bảo vệChia sẻ về cách đối phó với tình trạng xâm phạm bản quyền các tác phẩm báo chí, ông Đinh Đức Thọ cho biết: “Từ thực tiễn, vi phạm của các cơ quan đồng nghiệp, trang thông tin điện tử, những trang web 3 không, tài khoản mạng xã hội, báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh đã thành lập tổ bản quyền, có trách nhiệm rà soát phát hiện kịp thời các xâm phạm, lập danh sách các đơn vị xâm phạm... báo về tổ kỹ thuật, xác định địa chỉ trang web, địa chỉ đơn vị xâm phạm. Sau đó, sử dụng biện pháp linh hoạt, gọi điện... yêu cầu gỡ, gửi công văn yêu cầu chấm dứt sử dụng, yêu cầu trả tiền, đề nghị xử lý, nếu nghiêm trọng tính đến khởi kiện ra toà, đưa lên mặt báo... mục đích cuối cùng bảo vệ lợi ích của báo. Sau 4 tháng có hiệu quả, chấm dứt hoạt động xâm phạm tác quyền. “Tuy nhiên, đối với những trang web 3 không chúng tôi bó tay, dạng này nhan nhản trên mạng”- ông Đinh Đức Thọ chia sẻ.
Ông Lê Xuân Trung chia sẻ về quy trình xử lý của báo Tuổi Trẻ: “Khi phát hiện lần đầu, chúng tôi nhắc nhở, yêu cầu gỡ các thông tin vi phạm. Nếu yêu cầu gỡ bài đơn vị xâm phạm không thực hiện, bước tiếp theo chúng tôi phát công văn cảnh báo. Nếu tiếp tục phớt lờ chúng tôi làm công văn kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước giải quyết”.
Giải pháp nào cho vấn đề bản quyền các tác phẩm báo chí?Sáng lập viên trang thông tin điện tử VNBiz Lê Hồng Kỹ cho biết, bản thân DN của ông là công ty khởi nghiệp, mảng thông tin tổng hợp là một phần trong công việc làm ăn của DN.
Ông Lê Hồng Kỹ bộc bạch: “Bản thân DN có vi phạm bản quyền nhưng chưa đối mặt vụ kiện nào nhưng từ đầu 2020, nhận thấy mô hình kinh doanh không thể dựa trên sự vi phạm nên đã chấm dứt sự xâm phạm. Chúng tôi hợp tác mua bản quyền thông tin trong nước và quốc tế phù hợp nhu cầu của chúng tôi”. Ông Lê Hồng Kỹ cũng dẫn lại một số liệu về doanh số quảng cáo hàng năm ở Việt Nam khoảng 6.000 tỷ đồng, trong đó 2 nền tảng Facebook và Google hưởng 80%. Dựa trên các nền tảng công nghệ, nhiều chủ thể khai thác, sử dụng thông tin trên báo chí chính thống để kiếm tiền và tình trạng này hết sức phổ biến. Bản thân VNBiz cũng là nạn nhân. Ông Lê Hồng Kỹ đề xuất, muốn chống lại nạn xâm phạm bản quyền cần phải có một tổ chức chuyên nghiệp như cách một số hội ngành nghề đã làm. Tổ chức bảo vệ tác quyền các tác phẩm báo chí có trách nhiệm thay mặt cơ quan báo chí, tác giả để làm việc với bên xâm phạm và xử lý các vấn đề phát sinh.