Kiểm soát chặt an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống
Kinhtedothi - Hiện nay, các chợ truyền thống tại Hà Nội đang bộc lộ nhiều bất cập về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), hạ tầng xuống cấp. Để công tác bảo đảm ATTP tại chợ đạt hiệu quả cao, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, tiểu thương và người tiêu dùng.
Thực trạng đáng báo động
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, TP hiện có 455 chợ, đảm nhận khoảng 40% nhu cầu mua sắm của người dân các quận nội thành và 70% tại các khu vực ngoại thành. Tại đây, người dân có thể dễ dàng tìm mua đa dạng mặt hàng, từ thực phẩm tươi sống như thịt, cá, hải sản, rau củ, trái cây đến các loại đồ khô, gia vị và thực phẩm chế biến sẵn.
Tuy nhiên, nhiều chợ dân sinh hiện đang đối mặt với tình trạng xuống cấp, không đáp ứng các tiêu chuẩn về ATTP, vệ sinh môi trường... Những hạn chế này không chỉ làm giảm chất lượng thực phẩm mà còn tạo điều kiện cho các tụ điểm chợ cóc phát triển, gây khó khăn trong việc kiểm soát.
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại một số chợ dân sinh trên địa bàn TP, không khó để bắt gặp cảnh các mặt hàng như hải sản, rau củ, hoa quả… đều được các tiểu thương bày bán ngay sát nền đất hoặc trên những chiếc sạp cũ kỹ, ọp ẹp.
Đơn cử, tại khu vực bán rau củ chợ Thanh Hà (quận Hoàn Kiếm), các tiểu thương thường tận dụng mọi khoảng trống để bày hàng, kể cả khu vực gần cống rãnh hoặc sát nơi tập kết rác thải. Những bó rau xanh, củ quả bày la liệt, nhiều loại vẫn còn nguyên bùn đất bám bên ngoài.
Đáng chú ý, khu vực thực phẩm chế biến sẵn như giò chả, nem chua hay các món ăn vặt cũng thiếu những dụng cụ bảo quản đạt chuẩn. Các mặt hàng thực phẩm này thường được bày trần trên sạp, “phơi mình” trước khói bụi từ xe cộ và môi trường xung quanh. Đáng lo ngại, tại một số chợ, nhiều quầy thực phẩm chế biến sẵn nằm sát ngay các quầy hàng bán đồ sống, làm gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn chéo.
Hay tại chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), khu vực kinh doanh thủy sản, gia cầm với hàng chục lồng gà, vịt, ngan, chim bồ câu… xếp hàng dài ngay trên nắp cống thoát nước khiến ai đi qua cũng phải ái ngại vì mùi hôi, thối đặc trưng bốc lên nồng nặc từ đống rác thải sau công đoạn giết mổ gia cầm.
Đó là chưa kể, tình trạng nước bẩn chảy tràn, ứ đọng, hôi tanh tại khu vực bán thủy sản khiến vấn đề ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh ngày càng nghiêm trọng. Thậm chí, nhiều người tiêu dùng phải nín thở và bịt mũi khi phải đi qua khu vực này.
Đáng lưu ý, tại các chợ dân sinh này, nhiều mặt hàng thực phẩm không có nhãn mác, hoặc có nhãn mác nhưng nhập nhèm thông tin, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần hay hạn sử dụng.
Dù các tiểu thương một mực khẳng định về nguồn hàng uy tín nhưng với chị Nguyễn Thị Nga (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng như những người tiêu dùng thông thái khác nghi ngờ về chất lượng ATTP. “Thực sự, nhiều mặt hàng thực phẩm tại chợ không nhãn mác, thương hiệu nên tôi chỉ biết nguồn gốc qua lời giới thiệu của người bán hàng. Vì vậy, thực phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào lương tâm và uy tín của người bán hàng” – chị Nga chia sẻ.
Thực tế, thực phẩm được bán ở siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tuy có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bao bì nhãn mác đầy đủ nhưng giá thành cao lại là yếu tố khiến nhiều gia đình, đặc biệt là những hộ có thu nhập thấp không thể tiếp cận. Chính vì vậy, họ vẫn phải lựa chọn mua hàng tại các chợ dân sinh, dẫu biết rằng mối nguy mất ATTP luôn rình rập.
Nỗ lực cải thiện từ chính quyền
Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Trần Thị Phương Lan cho biết, tại Hà Nội, 60% nguồn thực phẩm ở chợ cung cấp cho người dân. Thế nhưng, việc kiểm soát chất lượng rau, thịt bày bán ở các chợ cóc, chợ tạm còn hạn chế.
Trong Đề án quản lý ATTP ở chợ, mỗi chợ truyền thống phải xây dựng được trạm xét nghiệm nhanh chất lượng thực phẩm. Đến nay, hơn 500 chợ trên địa bàn TP mới có 22 trạm xét nghiệm nhanh, tỷ lệ rất thấp nên dẫn đến việc kiểm soát chất lượng thực phẩm còn hạn chế.
“Qua thực tế kiểm tra cho thấy, các mặt hàng trái cây nhập khẩu về Việt Nam rất nhiều, thuốc bảo quản từ nguồn nhập khẩu cũng rất lớn. Điều này tác động lớn đến vấn đề ATTP và sức khỏe của người dân. Do đó, chúng ta cần đẩy mạnh tăng cường quản lý các cửa hàng trái cây” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nêu giải pháp.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thời gian qua, TP đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm cải thiện điều kiện ATTP tại các chợ truyền thống. Đến tháng 10/2024, TP đã cải tạo 19/38 chợ và dự kiến xây mới thêm 4 chợ (đạt 8/21 chợ) vào cuối năm. Đến hết năm 2025, dự kiến sẽ hoàn thành xây thêm 2 chợ mới trên địa bàn các quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, đồng thời hoàn thành cải tạo thêm 10 chợ khác. Song song với việc nâng cấp hạ tầng, TP đã giải tỏa 176/213 tụ điểm kinh doanh tự phát và tiếp tục xử lý 37 tụ điểm còn lại trong thời gian tới.
Đặc biệt, một trong những bước tiến quan trọng là Hà Nội đặt ra chỉ tiêu cụ thể trong năm 2025: 100% các chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng, ATTP và cơ bản đáp ứng quy định về ATTP. TP phấn đấu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ đáp ứng yêu cầu tại Đề án và được cấp biển nhận diện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
TP cũng thiết lập đường dây nóng và công khai thông tin các cơ sở vi phạm; nghiên cứu xây dựng, lắp đặt nhà trạm xét nghiệm nhanh thực phẩm tại chợ và tổ chức vận hành.
Mặt khác, TP tổ chức thanh kiểm tra, hậu kiểm việc chấp hành quy định về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ theo phân công, phân cấp; xử lý nghiêm vi phạm theo quy định.
Ngoài ra, TP cũng tăng cường lấy mẫu giám sát chất lượng, cảnh báo nguy cơ về ATTP, tập trung vào các sản phẩm rủi ro cao, tiêu thụ nhiều (rau, củ, quả, thịt gia súc, thịt gia cầm, thủy sản...); sử dụng có hiệu quả xe kiểm nghiệm chuyên dụng và các thiết bị test nhanh để kiểm nghiệm ATTP tại chợ.
Hà Nội triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm
Kinhtedothi - Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều vụ thực phẩm “bẩn” không rõ nguồn gốc xuất xứ khiến người tiêu dùng lo lắng, hoang mang. Trước thực tế đó, Hà Nội ráo riết triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP).
Cần cơ chế để Hà Nội hút vốn đầu tư, nâng cấp chợ truyền thống
Kinhtedothi - Để có thể cải tạo, nâng cấp, xây mới Chợ truyền thống cần có quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, qua đó tạo cơ sở pháp lý trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Cải tạo chợ truyền thống: Phù hợp với đời sống dân sinh
Kinhtedothi - Chợ truyền thống vẫn bảo đảm cung ứng 80% hàng hóa tươi sống cho người dân, giải quyết đầu ra cho sản xuất. Chính vì vậy, cải tạo mạng lưới chợ là yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với đời sống dân sinh.