Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Kinhtedothi - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng - Phó Trưởng Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho biết, vẫn còn một số vấn đề còn những ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận, góp ý về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù

Cụ thể, về thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù (điểm a khoản 1 Điều 10), hiện có 2 loại ý kiến về vấn đề này.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù mà HĐND thành phố Hà Nội có thẩm quyền thành lập. Hiện dự thảo Luật đang quy định cụ thể 3 cơ quan, tổ chức đặc thù là Sở An toàn thực phẩm, Ban quản lý khu công nghệ cao và Đội Quản lý trật tự xây dựng.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng để bảo đảm quyền chủ động, linh hoạt cho HĐND thành phố Hà Nội thì ngoài quy định cụ thể 3 cơ quan, tổ chức nêu trên, Luật Thủ đô cần cho phép HĐND thành phố Hà Nội quyết định thành lập các cơ quan, thiết tổ chức đặc thù khác trong trường hợp cần thiết để bảo đảm sự linh hoạt cần trong tổ chức bộ máy chính quyền của Thủ đô.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo cơ chế đặc thù, vượt trội để Hà Nội phát triển

Về biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức

Về biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức của thành phố Hà Nội (điểm b khoản 1 Điều 10), hiện có 2 loại ý kiến về vấn đề này.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng: việc quyết định biên chế cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị. Do vậy, để bảo đảm tính ổn định, cân đối tổng thể trong tổng biên chế chung của cả hệ thống cơ quan trung ương và địa phương, đồng thời vẫn đáp ứng được nhu cầu số lượng biên chế cao hơn của Hà Nội so với các tỉnh, thành khác, dự thảo Luật nên quy định theo hướng: “Trên tổng số biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, Hà Nội được giao tăng thêm tối đa 10% căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm do cơ quan có thẩm quyền quy định, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội để đảm bảo các chi phí cho biên chế tăng thêm”.

Một số thành viên Ban soạn thảo cho rằng phương án này đưa ra các tiêu chí phù hợp với đặc thù của Thủ đô Hà Nội để làm căn cứ cho cơ quan có thẩm quyền xem xét khi giao biên chế nên sẽ dễ được các cơ quan có thẩm quyền chấp nhận hơn.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị: HĐND thành phố Hà Nội được quyết định biên chế công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền quy định, phù hợp với quy mô dân số, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội (điểm b khoản 1 Điều 10). Quy định này bảo đảm chủ động cho Hà Nội trong việc xác định tổng biên chế cần có trên cơ sở căn cứ vào vị trí việc làm, quy mô dân số, yêu câu nhiệm vụ và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội.

Về thẩm quyền của HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội

Về thẩm quyền của HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội (Điều 14 và Điều 15), Dự thảo Luật quy định một số thẩm quyền đặc thù cho HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội trong tổ chức bộ máy (như: quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù thuộc UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội; điều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố thuộc thành phố; tổ chức tuyển dụng công chức cho các cơ quan, tổ chức thuộc thành phố thuộc thành phố) và trong đầu tư, kể cả đầu tư tư (tại các Điều 14, Điều 15 và khoản 6, khoản 7 Điều 44).

Tuy nhiên, một số có ý kiến đề nghị không nên quy định cụ thể thẩm quyền của HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội trong Luật Thủ đô mà nên giao Chính phủ quy định chi tiết. Lý do: hiện nay, thành phố thuộc thành phố Hà Nội vẫn chưa được thành lập nên chưa có căn cứ để xác định thẩm quyền phù hợp với chức năng riêng của từng thành phố.

Về việc chuyển giao các bệnh viện thuộc Bộ Y tế về Hà Nội quản lý

Về việc chuyển giao các bệnh viện thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn Thủ đô về thành phố Hà Nội quản lý, Khoản 1 Điều 27 dự thảo Luật quy định: “Chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện của các trường đại học. Việc chuyển giao các bệnh viện thuộc Bộ Y tế thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quyết định”.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, vẫn còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau khi lấy ý kiến về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Quy định này phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về việc “Chuyển dần các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và các bộ, cơ quan nhà nước ở Trung uơng về địa phương quản lý (trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện của các trường đại học)” và Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII quy định “Về cơ bản, các bộ (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), các cơ quan ngang bộ không chủ quản các bệnh viện; Bộ Y tế chỉ chủ quản một số rất ít bệnh viện đầu ngành...”. Đồng thời bảo đảm phù hợp với Đề án tổng thể sắp xếp, tổ chức lại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Trong quá trình soạn thảo Luật, ý kiến chính thức của Bộ Y tế (tại Công văn số 4164/BYT-KH-TC ngày 04/7/2023) cho rằng, việc tiếp tục duy trì các bệnh viện tuyến Trung ương thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế là cần thiết và phù hợp. Đồng thời đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng và tham khảo ý kiến trực tiếp từ các bệnh viện về việc chuyển giao cho thành phố Hà Nội quản lý. Do vậy, dự thảo Luật (khoản 1 Điều 27) bổ sung Phương án 2, theo đó không quy định việc chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô về thành phố Hà Nội quản lý

Ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính

Về việc áp dụng một số biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính (Điều 35), hiện có 2 loại ý kiến về vấn đề này.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, từ tình hình vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Thủ đô, muốn kịp thời ngăn chặn, bảo đảm tính răn đe, duy trì trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thì cần phải cho phép Chủ tịch UBND các cấp của thành phố Hà Nội áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính bằng việc yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ điện, nước ngừng cung cấp dịch vụ đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực nêu trên.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, việc yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với tích cách là biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng vì có thể ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân, can thiệp vào quan hệ dân sự trong hợp đồng cung cấp điện, nước giữa người dân với doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ điện, nước.

Huy động các nguồn lực từ các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

Về việc huy động các nguồn lực từ các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Hà Nội (Điều 36), hiện có 2 loại ý kiến về vấn đề này.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, dự thảo Luật không nên quy định về việc ngân sách thành phố Hà Nội được giữ lại 100% các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Hà Nội vì Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII đã nêu rõ cần “có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa trung ương và địa phương”.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, để Hà Nội có năng lực tài chính để thực hiện các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm của Thủ đô, Vùng Thủ đô, các dự án đầu tư theo phương thức PPP, dự án phát triển đô thị theo TOD - là các dự án cần nguồn lực tài chính rất rất - thì cần quy định ngân sách thành phố Hà Nội được giữ lại 100% các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Hà Nội

Về quản lý tài sản công

Về quản lý tài sản công (khoản 1 Điều 42), loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định thành phố được thực hiện nhượng quyền kinh doanh, quản lý đối với các công trình hạ tầng văn hóa, thể thao, bảo tàng do Nhà nước đầu tư trên địa bàn Thủ đô.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị ngoài các công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thì cho phép mở rộng đối với một số công trình trọng điểm do Hà Nội quản lý.

Về mô hình thử nghiệm có kiểm soát (khoản 2 Điều 42), Dự thảo Luật cho phép thành phố Hà Nội được áp dụng mô hình thử nghiệm có kiểm soát đối với: các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo; đầu tư mạo hiểm có sử dụng một phần ngân sách thành phố và huy động các nguồn vốn để thu hút, thúc đẩy khởi nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp, đổi mới công nghệ theo lĩnh vực ưu tiên của thành phố; các khu thúc đẩy thương mại và văn hóa ở một số địa điểm trên địa bàn Thủ đô.

Quy định nêu trên được thiết kế trên cơ sở tham thảo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, một số thành viên Ban soạn thảo cho rằng các lĩnh vực được áp dụng mô hình thử nghiệm có kiểm soát theo quy định tại khoản 2 Điều 42 dự thảo Luật là quá rộng. Do vậy, đề nghị rà soát, lựa chọn một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện.

Về thẩm quyền đầu tư

Về thẩm quyền đầu tư, Điều 44 dự thảo Luật đang phân quyền cho Hà Nội thực hiện một số thẩm quyền đầu tư từ thẩm quyền của Quốc hội là quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án trên 10.000 tỷ đồng và dự án sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên.

Hầu hết thành viên Ban soạn thảo đều nhất trí cần phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội trong việc quyết định các chủ trương đầu tư để tạo sự chủ động cho thành phố trong việc thực hiện các dự án đầu tư bằng chính ngân sách của thành phố, nhất là những trường hợp theo quy định hiện hành thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, trường hợp phân quyền cho Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án trên 10.000 tỷ đồng, dự án sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500ha trở lên thì cần có thêm quy định giới hạn về mức trần mà HĐND thành phố được quyết định.

Về việc thành lập công ty đầu tư, phát triển hạ tầng

Về việc thành lập công ty đầu tư, phát triển hạ tầng; doanh nghiệp quản lý, khai thác quỹ đất thuộc sở hữu 100% vốn Nhà nước. Khoản 6 Điều 30 dự thảo Luật quy định: “UBND thành phố Hà Nội, UBND cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc thành phố thành lập và giao trách nhiệm quản lý, khai thác quỹ đất thuộc thẩm quyền quản lý cho doanh nghiệp do mình nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định của Luật này và pháp luật đất đai”.

Khoản 1 Điều 43 dự thảo Luật quy định: “UBND thành phố Hà Nội được thành lập Công ty đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và kinh doanh vốn Nhà nước và quản lý khai thác tài sản thuộc sở hữu 100% vốn Nhà nước”.

Một số ý kiến thành viên Ban soạn thảo đề nghị cân nhắc sự cần thiết của việc thành lập các công ty, doanh nghiệp này trong bối cảnh chủ trương của Đảng về cổ phần, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước).

Mặt khác, đối với quy định tại khoản 6 Điều 30 dự thảo Luật thì hiện nay, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại khoản 1 Điều 115 cũng đang có quy định về: “Tổ chức phát triển quỹ đất được thành lập theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập ở cấp tỉnh hoặc cấp huyện để phục vụ công tác phát triển quỹ đất tại địa phương”.

 

Chiều 14/7, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) của Thành uỷ chủ trì cuộc làm việc với Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, nên các cơ quan, đơn vị và cá nhân được giao nhiệm vụ tham gia xây dựng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đóng góp để hoàn thiện Dự thảo Luật bảo đảm chất lượng. Phải nhận thức rõ rằng, phát triển Thủ đô không phải trách nhiệm của riêng Thủ đô mà còn là trách nhiệm của cả nước. Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giúp Hà Nội giải quyết được các hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ...

Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi mới nhất quy định những nội dung gì?

Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi mới nhất quy định những nội dung gì?

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
Bổ sung quy định mới giúp khắc phục bất cập đầu tư trạm dừng nghỉ

Bổ sung quy định mới giúp khắc phục bất cập đầu tư trạm dừng nghỉ

25/01/2025 | 07:30

Kinhtedothi - Do các quy định ở giai đoạn trước về đầu tư, kinh doanh, khai thác trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ, rõ ràng, nên việc triển khai xã hội hóa nguồn lực gặp rất nhiều khó khăn. Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 165/2024/NĐ-CP có hiệu lực sẽ giúp khai thông cơ chế, tháo gỡ các bất cập.

TOD và bài toán quy hoạch

TOD và bài toán quy hoạch

19/01/2025 | 09:24

Kinhtedothi - Transit Oriented Development (TOD) là định hướng phát triển đô thị lấy vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) nhanh, khối lớn làm hạt nhân trung tâm. Đây cũng là định hướng phát triển của Hà Nội trong hiện tại và tương lai, tuy nhiên TOD cũng đặt ra cho TP bài toán khó về quy hoạch.

Tin tài trợ