Quận Hoàn Kiếm: Để phát triển du lịch theo cách tiếp cận mới, tư duy mới
Kinhtedothi-Chiều 12/6, Ban Văn hoá-Xã hội, HĐND Thành phố Hà Nội tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển du lịch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Trước khi làm việc với UBND quận, Đoàn giám sát đã tiến hành khảo sát thực tế tại một số cơ sở lưu trú trên địa bàn.
Du lịch từng bước trở thành kinh tế mũi nhọn
Theo nhận định của UBND quận Hoàn Kiếm, để triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về du lịch, từ năm 2017 đến nay UBND quận đã ban hành 44 văn bản, Nghị quyết, Đề án, kế hoạch, quyết định, công văn để chỉ đạo, triển khai công tác phát triển du lịch trên địa bàn quận. Quận định hướng xây dựng du lịch phát triển cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có giá trị tăng trưởng cao.
Kết quả cho thấy, mặc dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng các hoạt động du lịch trên địa quận tiếp tục được duy trì và đạt được nhiều kết quả qua đó đã thu hút đông khách du lịch tới địa bàn quận góp phần phục hồi kinh tế của quận. Du lịch đã tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế-xã hội phát triển như văn hóa, thương mại, thương mại, giao thông, công nghiệp… góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quận.
Bên cạnh đó, việc bảo tồn các di tích, các công trình kiến trúc văn hóa, tạo ra các không gian sáng tạo, tìm ra cách thức quản lý phát huy các giá trị của các không gian lịch sử, văn hóa là mục tiêu được quận đưa ra và kiên trì thực hiện trong nhiều năm, đến nay đã đạt được những thành quả bước đầu. Từ năm 2020 đến nay đã quận tổ chức 142 hoạt động, sự kiện văn hóa tại các điểm di tích, 3.031 buổi biểu diễn nghệ thuật. Cùng đó, công tác đầu tư cho phát triển du lịch trên địa bàn quận đã được quan tâm và tập trung vào các hạng mục như: nâng cấp cơ sở hạ tầng, tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, các phố nghề. Từ năm 2016 đến năm 2022, quận đã đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích với tổng mức đầu tư là 274,429 triệu đồng. Hoàn thành việc cải tạo, chỉnh trang các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm;...
Việc triển khai các đề án phát triển du lịch còn chậm
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách phát triển du lịch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng gặp một số hạn chế, vướng mắc như: Một số đề án, dự án nhằm tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế của quận triển khai còn chậm (đề án “Phát triển bãi giữa, bãi ven sông Hồng, quận Hoàn Kiếm thành Không gian văn hóa, du lịch”; kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn quận...).
Văn minh thương mại còn tồn tại, tình trạng kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên một số tuyến phố còn phổ biến, hiệu quả hoạt động của các chợ truyền thống trong Trung tâm thương mại chưa được cải thiện. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, kinh doanh dịch vụ có điều kiện còn diễn biến phức tạp...
Từ những thực tế nêu trên, UBND quận Hoàn Kiếm đề nghị thành phố quan tâm hỗ trợ từ nguồn ngân sách thành phố đầu tư cho chương trình mục tiêu phát triển du lịch toàn diện; tạo dựng sản phẩm thân thiện, cơ sở hạ tầng du lịch thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận điểm du lịch đã được xác định, trong đó có Hoàn Kiếm tại Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Đề xuất thành phố cho phép mở rộng phạm vi hoạt động của phương tiện giao thông sạch để kết nối các điểm du lịch của quận Hoàn Kiếm với các điểm du lịch của thành phố (như: Văn miếu Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long…). Đồng thời, đề nghị thành phố kiến nghị với Chính phủ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú về điều kiện phòng cháy chữa cháy.
Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát đề nghị quận làm rõ công tác quản lý lưu trú tại các cơ sở lưu trú; việc tái kiểm tra khắc phục tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm; việc đảm bảo vệ sinh tại các nhà vệ sinh công cộng; giải pháp triển khai các đề án phát triển du lịch trên địa bàn...
Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch du lịch
Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Văn hoá-Xã hội, HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình đã chia sẻ khó khăn của quận-nhất là về nhân lực. Ghi nhận thời gian qua quận đã quan tâm đặc biệt tới phát triển du lịch và cụ thể hoá thành các chương trình, đề án. Quận đã tích cực tìm tòi để có mô hình mới, sáng kiến, sáng tạo trong các đề án đầu tư cơ sở hạ tầng, điểm đến du lịch an toàn-thân thiện-chất lượng-hấp dẫn, xử lý vi phạm, đảm bảo an ninh trật tự... Hoàn Kiếm là nơi tổ chức không gian đi bộ đầu tiên của cả nước; cải tạo vườn hoa, công viên theo chương trình 03 của Thành ủy làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của khu vực...
Theo Đoàn giám sát, không gian phát triển du lịch của quận Hoàn Kiếm vẫn còn, nhiều công trình chưa được khai thác hết, nhiều đề án chưa triển khai được. Đoàn giám sát đề nghị quận Hoàn Kiếm quan tâm khắc phục những khó khăn, hạn chế, có biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc phục hồi du lịch; rà soát quy hoạch đầu tư hệ thống hạ tầng du lịch (giao thông cộng cộng, giao thông tĩnh-bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng) để khai thác hết tiềm năng du lịch của quận.
Đồng thời, Trưởng Ban Văn hoá-Xã hội đề nghị quận xác định du lịch là trọng tâm của quận cũng như của thành phố nhưng cần phát triển theo cách tiếp cận mới, tư duy mới theo hướng du lịch hiện nay. Cần đổi mới mới hơn nữa, có sản phẩm du lịch mới theo hướng độc đáo, đặc sắc, hấp dẫn; đổi mới sản phẩm theo quy hoạch du lịch của thành phố, tạo ra sản phẩm du lịch văn hoá, trải nghiệm, giải trí có chất lượng cao; tiếp tục đổi mới ở phố đi bộ để tạo ra giá trị kinh tế chứ không phải chỉ là một công viên. Quận cần quan tâm rà soát quy hoạch liên quan đến lĩnh vực du lịch, đầu tư xây dựng cơ bản... để phát triển du lịch xứng với tiềm năng.
Hà Nội: Tạo thêm nhiều không gian sinh hoạt văn hóa qua tuyến phố đi bộ
Kinhtedothi-Sau hơn hai năm thực hiện Chương trình 03-Ctr/TU của Thành ủy, đến nay có 4 chỉ tiêu đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành; có 14 chỉ tiêu triển khai cơ bản đảm bảo tiến độ. Những kết quả này góp phần quan trọng trong chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị của Thủ đô.
Chuyển biến chất lượng nhà vệ sinh công cộng tại phố đi bộ Hồ Gươm
Kinhtedothi - Công nhân lau dọn thay ca liên tục, sửa sang lại hệ thống quạt thông gió, khử mùi,...giữ cho các nhà vệ sinh công cộng khu vực phố đi bộ Hồ Gươm sạch sẽ là nỗ lực đáng ghi nhận của Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội, chi nhánh Hoàn Kiếm thời gian gần đây.
Chuyển biến chất lượng nhà vệ sinh công cộng tại phố đi bộ Hồ Gươm
Kinhtedothi - Địa bàn quận Hoàn Kiếm, đặc biệt là phố đi bộ Hồ Gươm luôn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Một trong những vấn đề được UBND quận Hoàn Kiếm quan tâm chỉ đạo trong thời gian qua là nâng cao, chuyển biến chất lượng nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách.