Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
Kinhtedothi - Với 426/430 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 88,94% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Chiều 21/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung phiên họp.
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật này.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 426/430 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 88,94% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược với tỷ lệ tán thành cao.
Theo đó, đối với các biện pháp quản lý giá thuốc, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược quy định rõ: Đấu thầu thuốc dự trữ quốc gia, đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật về dự trữ quốc gia. Đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cung cấp thuốc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia, quốc phòng, an ninh, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa, phòng, chống dịch bệnh theo quy định của pháp luật. Công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến đối với thuốc kê đơn, trừ trường hợp được miễn công bố theo quy định của Chính phủ đối với thuốc sản xuất trong nước hoặc thuốc nhập khẩu không vì mục đích thương mại.
Luật cũng quy định, kiến nghị về mức giá bán buôn thuốc dự kiến đã công bố, công bố lại trong quá trình thuốc lưu hành trên thị trường khi Bộ Y tế phát hiện một trong các trường hợp sau: Giá bán buôn thuốc dự kiến cao hơn mức giá cao nhất của mặt hàng thuốc tương tự đã công bố, công bố lại mà chưa có kiến nghị của Bộ Y tế, trừ trường hợp cơ sở có báo cáo giải trình và có tài liệu chứng minh phù hợp về sự biến động giá. Trường hợp thuốc có giá bán buôn dự kiến có hàm lượng hoặc nồng độ theo đơn vị liều khác với các mặt hàng thuốc tương tự thì sẽ thực hiện so sánh mức giá theo quy đổi tương đương; Mức chênh lệch của giá bán buôn thuốc dự kiến so với giá trúng thầu của chính mặt hàng thuốc đó cao hơn mức chênh lệch tối đa do Chính phủ quy định, trừ trường hợp cơ sở có báo cáo giải trình và có tài liệu chứng minh phù hợp về sự biến động giá; Thuốc có giá bán buôn dự kiến công bố, công bố lại chưa có mặt hàng thuốc tương tự lưu hành tại Việt Nam và có mức giá công bố, công bố lại cao hơn giá bán tại nước xuất xứ hoặc nước khác, trừ trường hợp cơ sở có báo cáo giải trình và có tài liệu chứng minh phù hợp về sự biến động giá.
Theo quy định tại Điều 3, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 3, các quy định sau đây có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025: Quy định về gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại khoản 30 Điều 1 của Luật này; Quy định về bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại điểm a khoản 19, điểm b khoản 20 và điểm a khoản 21 Điều 1 của Luật này.
Trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam đi qua 20 tỉnh, thành phố
Kinhtedothi - Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng góp phần phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện, làm giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường.
Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét sắp xếp đơn vị hành chính của Hà Nội
Kinhtedo thị- Theo thông tin từ Văn phòng Quốc hội, phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 15/11 sẽ xem xét, cho ý kiến đối với 12 nội dung
Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 39, cho ý kiến với 12 nội dung
Kinhtedothi - Sáng 14/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 39, xem xét nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là cho ý kiến tiếp thu, giải trình các dự án Luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.