Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Thi tốt nghiệp với 2 môn bắt buộc: Học sinh có quay lưng với ngoại ngữ?

Kinhtedothi – Quanh đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn lựa chọn của Bộ GD&ĐT, có một số ý kiến băn khoăn rằng: Liệu việc không bắt buộc thi môn ngoại ngữ có khiến học sinh quay lưng với môn học này?

Phổ điểm tiếng Anh luôn gây chú ý

Nhiều năm trở lại đây, Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ là 3 môn thi bắt buộc tại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hàng năm, tỷ lệ thí sinh chọn môn Tiếng Anh thường áp đảo so với số thí sinh chọn các môn ngoại ngữ còn lại (tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật và tiếng Hàn). 

Phổ điểm tiếng Anh tại các kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn gây chú ý

Tuy vậy, khi Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm các môn thi, điểm tiếng Anh luôn gây chú ý theo chiều hướng “đáng lo ngại” hoặc “ít khởi sắc”.

Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết: Năm 2021, cả nước có 866.993 thí sinh tham gia thi bài thi tiếng Anh. Điểm trung bình của môn thi này là 5,84 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4 điểm. Có 144 thí sinh bị điểm liệt (từ 1 trở xuống). Ngoài ra có 349.175 thí sinh có điểm dưới 5.

Năm 2022, cả nước có 866.196 thí sinh tham gia thi bài thi Tiếng Anh, trong đó điểm trung bình là 5.15 điểm, điểm trung vị là 4.8 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3.8 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 423 (chiếm tỷ lệ 0.05%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 446,648 (chiếm tỷ lệ 51.56%).

Năm 2023, cả nước có 876,102 thí sinh tham gia thi bài thi Tiếng Anh, trong đó điểm trung bình là 5.45 điểm, điểm trung vị là 5.2 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4.2 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 192 (chiếm tỷ lệ 0.022%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 392,784 (chiếm tỷ lệ 44.83%).

Một số giáo viên cấp THPT tại khu vực ngoại thành cho biết: Nếu không bắt buộc thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ, kiểu gì học sinh, nhất là học sinh vùng nông thôn sẽ lười và ngại học môn này bởi đây vốn là môn học không dễ dàng tiếp nhận hoặc ghi nhớ.

Điểm ngoại ngữ của học sinh nông thôn luôn ở mức thấp so với học sinh TP. Nếu ngoại ngữ là môn bắt buộc như những năm trước thì giáo viên còn có lí do yêu cầu học sinh tập trung học để đi thi đạt điểm tốt. Ngược lại, nếu ngoại ngữ là môn lựa chọn, số học sinh chọn ngoại ngữ chắc chắn sẽ giảm nhiều.

“Tiếng Anh là môn em sợ nhất. Trong đại gia đình em, từng có một anh bị điểm liệt môn này tại kỳ thi tốt nghiệp nên em càng lo. Theo kế hoạch, học xong cấp 3 em sẽ đi học nghề. Nếu số môn thi bắt buộc là 2 môn và ngoại ngữ là môn lựa chọn thì em rất mừng. Em tin rằng, nhiều bạn cũng có cùng tâm trạng như em”, em Phan Văn Hoàng, học sinh Trường THPT Chương Mỹ B cho biết.

Không phải thi là kết quả ngoại ngữ sẽ tốt lên!

“Nếu môn Ngoại ngữ không thi bắt buộc liệu có dẫn tới việc học sinh không học, gây khó khăn trong hội nhập quốc tế hay không?". GS.TS Thái Văn Thành (Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An) trả lời câu hỏi này bằng việc nêu ví dụ từ tỉnh Nghệ An.

Theo đó, cách đây khoảng 5 năm, chất lượng dạy và học tiếng Anh của tỉnh Nghệ An ở mức thấp. Sau khi tỉnh có những cơ chế tác động tới người dạy, người học, quan tâm tới môi trường học tập, chất lượng dạy và học tiếng Anh nơi đây đã từng bước nâng lên.

“Muốn dạy và học tiếng Anh tốt cần có cơ chế tác động tới giáo viên, học sinh, đồng thời có môi trường học tập thuận lợi chứ không phải thi là kết quả ngoại ngữ sẽ tốt lên”, ông Thành bày tỏ.

Đồng quan điểm trên, Hiệu trưởng Trường THPT Minh Hà Nguyễn Hữu Khương chia sẻ: “Không phải khi ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, học sinh mới học ngoại ngữ và ngược lại, nếu không thi, học sinh sẽ lười biếng, mất gốc. Thực tế, không ít học sinh ngoại ngữ chính là tiếng Anh nhưng lại giỏi ngoại ngữ khác. Việc học môn nào đó, không hẳn là để thi mà liên quan đến định hướng nghề nghiệp và con đường học tập sau này của các em. Nếu học chỉ để đi thi thì thái độ học của học sinh sẽ mang tính chống đối, không mang tính thực chất, lâu dài”.

“Thí sinh thi ngoại ngữ nhưng nếu chỉ đạt 3 – 5 điểm, lên đại học không chú tâm học, ra trường lại không dùng thì cũng quên hết và không khác nào không học, không thi ngoại ngữ. Học ngoại ngữ là không khiên cưỡng, nếu có ý thức học để trang bị kiến thức và kỹ năng thì các em sẽ học tốt, học chăm từ lớp 1 đến lớp 12. Khi đó kiến thức của các em là thực chất, mang đúng nghĩa học để sử dụng và phát triển. Còn học chống đối hoặc chỉ để đỗ tốt nghiệp THPT thì chỉ nên đưa ra 2 môn thi bắt buộc", anh Lê Hải Thọ, phụ huynh học sinh phân tích

 “Việc không có môn ngoại ngữ sẽ không ảnh hưởng tới việc khuyến khích học sinh học tích cực ngoại ngữ để hội nhập quốc tế”, đây là khẳng định của Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (bộ GD&ĐT) Đặng Tự Ân cùng nhóm chuyên gia giáo dục.

Ông Ân dẫn chứng: Thực tế những năm gần đây, kết quả thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ được chia thành 2 nhóm: Một là những học sinh lo lắng, tập trung học ngoại ngữ để chuẩn bị cho du học hoặc theo nghề có liên quan trực tiếp phải dùng ngoại ngữ. Hai là những học sinh có khó khăn hoặc chỉ mong muốn làm nghề ít liên quan tới sử dụng ngoại ngữ. Học giỏi môn học ngoại ngữ là do chủ quan học sinh và gia đình mà không phải do môn thi tốt nghiệp định hướng và quyết định.

Theo định hướng của Chính phủ, kỳ thi tốt nghiệp THPT cần tổ chức gọn nhẹ, không tốn kém tiền của Nhà nước, phụ huynh và xã hội, đồng thời không gây áp lực học và thi cho học sinh. Hiện đông đảo giáo viên, học sinh, phụ huynh cả nước mong phương án thi tốt nghiệp với 2 môn lựa chọn và 2 môn bắt buộc sớm được phê duyệt để sớm công bố để tạo tâm lý yên tâm cho công tác dạy và học của các nhà trường.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Trường THCS vẫn được kiểm tra, đánh giá năng lực để tuyển sinh lớp 6

Trường THCS vẫn được kiểm tra, đánh giá năng lực để tuyển sinh lớp 6

10/01/2025 | 12:02

Kinhtedothi- Liên quan đến quy chế tuyển sinh THCS, Bộ GD&ĐT cho biết, khi thực hiện xét tuyển lớp 6, nếu số lượng học sinh đáp ứng tiêu chí vẫn vượt so với chỉ tiêu được giao thì nhà trường sẽ xây dựng tiêu chí xét tuyển riêng, trong đó có bài kiểm tra, đánh giá năng lực.

Tin mới
Bổ sung quy định mới giúp khắc phục bất cập đầu tư trạm dừng nghỉ

Bổ sung quy định mới giúp khắc phục bất cập đầu tư trạm dừng nghỉ

25/01/2025 | 07:30

Kinhtedothi - Do các quy định ở giai đoạn trước về đầu tư, kinh doanh, khai thác trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ, rõ ràng, nên việc triển khai xã hội hóa nguồn lực gặp rất nhiều khó khăn. Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 165/2024/NĐ-CP có hiệu lực sẽ giúp khai thông cơ chế, tháo gỡ các bất cập.

TOD và bài toán quy hoạch

TOD và bài toán quy hoạch

19/01/2025 | 09:24

Kinhtedothi - Transit Oriented Development (TOD) là định hướng phát triển đô thị lấy vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) nhanh, khối lớn làm hạt nhân trung tâm. Đây cũng là định hướng phát triển của Hà Nội trong hiện tại và tương lai, tuy nhiên TOD cũng đặt ra cho TP bài toán khó về quy hoạch.

Tin tài trợ