Tiếp tục xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Kinhtedothi – Ngày 23/7, tại Hoàng thành Thăng Long, Hội đồng Lý luận T.Ư phối hợp với Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “50 năm xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về văn hóa và kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975 - 2025).
Chủ trì hội thảo có GS.TS Tạ Ngọc Tấn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư; PGS.TS Phạm Văn Linh – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong.
Dự hội thảo về phía TP Hà Nội còn có Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng.
Mở đầu hội thảo, các đại biểu thành kính dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo mẫu mực, trọn đời vì nước, vì dân.
Hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa
Phát biểu chào mừng tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, với chiều dài lịch sử, bề dày văn hiến nghìn năm, Hà Nội luôn luôn nhận thức sâu sắc vấn đề văn hóa vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài.
Văn hóa đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội với quan điểm bảo đảm phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.
Điểm nhấn trong triển khai xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô là liên tiếp nhiều nhiệm kỳ Thành ủy Hà Nội đều ban hành Chương trình công tác lớn riêng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Đặc biệt, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phát biểu Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thành ủy Hà Nội tiếp tục ban hành, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả rõ nét Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”.
Chúng ta cần xây dựng hệ sinh thái sáng tạo cho toàn xã hội để đảm bảo phát triển công nghiệp văn hóa bền vững. Hệ sinh thái sáng tạo được cấu tạo bởi các không gian sáng tạo, sự kiện sáng tạo. Hà Nội là tấm gương, là ngọn hải đăng dẫn dắt sự phát triển văn hóa của cả nước, trong đó có công nghiệp văn hóa. Tôi mong rằng, thông điệp của Hà Nội có thể lan tỏa đến cả nước.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Bên cạnh đó, để phát huy và khai thác tối đa nguồn lực trên lĩnh vực văn hóa, ở nhiệm kỳ này, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Gần đây nhất, để khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, ngàn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên, Nhân dân Hà Nội, Thành ủy Hà Nội tiếp tục tạo bước đột phá trong xây dựng văn hóa, con người Thủ đô bằng việc ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
"Đây được coi giải pháp nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng, thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô trong thời kỳ mới" - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển văn hóa, con người Thủ đô được quan tâm tăng lên qua từng giai đoạn. Mức đầu tư cho văn hóa tăng dần theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến mức đầu tư cho văn hóa chiếm 2% tổng thu ngân sách TP.
Công tác xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển được triển khai bài bản, có trọng tâm, trọng điểm.
Công tác phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt được nhiều thành tựu quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, quốc phòng của Thủ đô.
Trong đó, cơ cấu kinh tế Thủ đô chuyển biến tích cực, tỷ trọng ngành dịch vụ tăng cao (chiếm khoảng 65%), GRDP phục hồi và tăng trưởng mạnh, năm sau tăng hơn năm trước và cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 6.000 USD/người/năm… Hà Nội đang trở thành một TP năng động, phát triển, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thủ đô được nâng cao.
Để văn hóa thật sự trở thành động lực phát triển đất nước
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; xác định một trong những định hướng lớn là phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, cho đến nay, văn hóa vẫn chưa thực sự được các cấp, ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa có lúc còn lúng túng, chậm trễ, đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, chưa đạt hiệu quả cao.
Đơn cử, đối với lĩnh vực công nghiệp văn hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đưa ra một số điểm hạn chế như: hệ thống quản lý và các mô hình đầu tư chưa thực sự phù hợp cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp văn hóa; sự thiếu hụt và yếu kém trong kỹ năng quản lý và kỹ năng chuyên môn để có thể thành công trong sáng tạo và kinh doanh văn hóa. Bên cạnh đó, thiếu sự hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan trong lĩnh vực văn hóa.
Bên cạnh đó, tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học tập trung chia sẻ các nội dung về thành tựu, hạn chế, định hướng, giải pháp tiếp tục xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, GS.TS Tạ Ngọc Tấn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư nhấn mạnh, hội thảo đã tập trung vào 5 nhóm vấn đề gồm: phân tích, đánh giá bối cảnh 50 năm xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thay đổi lớn về nhận thức đối với văn hóa; đánh giá toàn diện, đầy đủ về thành tựu, hạn chế của công cuộc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển văn hóa của 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; dự báo bối cảnh, yêu cầu đặt ra đối với văn hóa.
“Trên cơ sở những nhận thức đó, chúng ta cần tập trung một cách sâu sắc hơn về phát triển văn hóa. Phát triển văn hóa là phát triển đời sống tinh thần, đặc biệt là phát triển con người” - GS.TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh.
Nghiên cứu, vận dụng các nghị quyết vào giảng dạy lý luận chính trị
Kinhtedothi-Ngày 11/4, Hội đồng khoa học (HĐKH) Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu, vận dụng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XIII) vào giảng dạy lý luận chính trị và công tác ở Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP Hà Nội”.
Đồng chí Đào Duy Tùng - Người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc
Kinhtedothi – Chiều 10/5, tại huyện Đông Anh (TP Hà Nội), Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Đào Duy Tùng - Người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc của Đảng”.
Vì sao các nhà lý luận, phê bình sân khấu “chạy làng”?
Kinhtedothi - Nhà lý luận phê bình sân khấu được ví như “bác sĩ” của sân khấu. Tuy nhiên, lực lượng này còn thiếu và yếu, ảnh hưởng không nhỏ tới việc định hướng sáng tác cho văn nghệ sĩ cũng như định hướng thẩm mỹ cho công chúng tiếp nhận.