Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tiêu thụ hàng Việt: Đừng bỏ qua chợ truyền thống

Hệ thống chợ truyền thống là kênh phân phối chủ lực hàng hóa đến người tiêu dùng (NTD) của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Đây là điều kiện để DN đưa hàng Việt tới tay NTD, thế nhưng trên thực tế, hàng Việt lại chiếm tỷ lệ không nhiều như mong muốn.
Không mặn mà với chợ truyền thống
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, sau 7 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỷ trọng hàng Việt tại hệ thống siêu thị đã tăng lên 80 - 90%, tại hệ thống chợ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt chỉ chiếm 50 - 60%.
Tại chợ Đồng Xuân, tỷ lệ hàng Việt và hàng Trung Quốc hiện khoảng 50 - 50%, một số ngành hàng Việt Nam có tỷ lệ cao trong chợ là giày dép (70%), nông sản thực phẩm (80%), còn các nhóm hàng như đồ lưu niệm, hàng Việt Nam chỉ chiếm 20%, quần áo 40%... Theo ông Đỗ Xuân Thủy - Tổng Giám đốc Công ty CP Đồng Xuân: Hàng Việt Nam bày bán tại chợ chủ yếu là sản phẩm của các cơ sở sản xuất nhỏ hoặc các làng nghề thủ công, còn các DN lớn hầu như không tham gia vào kênh phân phối này.

Người tiêu dùng mua hàng tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: Hoài Nam

Thực tế cho thấy có tình trạng trên là do DN lớn chú trọng phát triển kênh phân phối riêng tại các tỉnh, TP, đồng thời sợ mất thương hiệu khi  tiêu thụ sản phẩm tại chợ truyền thống khi NTD có tâm lý “sản phẩm bày bán trong siêu thị tốt hơn ở chợ”. Về phía các tiểu thương, mặc dù ủng hộ hàng Việt nhưng hàng Việt giá thành khá cao, không phù hợp với mọi đối tượng tiêu dùng, nhất là người có thu nhập thấp. Điều đó dẫn đến việc các hộ kinh doanh ngại nhập hàng của các DN trong nước sản xuất.
Ngoài ra, phương thức thanh toán thiếu linh hoạt, mẫu mã hàng hóa chậm đổi mới cũng là lý do khiến hàng Việt không được tiểu thương lựa chọn bày bán. Chị Nguyễn Thị Thao (quầy 22A1), kinh doanh tạp phẩm tại chợ Đồng Xuân phản ánh: Công ty Giày Thượng Đình yêu cầu tiểu thương muốn tiêu thụ sản phẩm thì mỗi đơn hàng phải lên đến hàng trăm đôi, trong khi nhà kho của tiểu thương không đủ diện tích để chứa sản phẩm.
Đẩy mạnh liên kết
Hiện, cả nước có gần 9.000 chợ truyền thống, chiếm tới 80% kênh phân phối nên được xem là một trong những kênh phân phối chủ lực hàng hóa đến NTD. Tuy nhiên, để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường này đòi hỏi sự liên kết giữa DN sản xuất với các hộ kinh doanh.
Mặc dù đánh giá cao sức lan tỏa của hàng Việt thông qua chợ truyền thống nhưng bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, các DN nên chú trọng đến sức mua, khả năng thanh toán và thiết lập kênh phân phối hàng hóa nhiều tầng tại hệ thống này. Ngoài ra, cần thiết lập sự liên kết chặt chẽ giữa DN sản xuất - nhà phân phối và DN quản lý chợ. “Mỗi DN đều có lợi thế riêng, nếu tạo dựng mối liên kết chặt chẽ sẽ tạo sức mạnh để hàng Việt dần chiếm lĩnh thị phần nội địa” - bà Loan phân tích.
Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội: Hiện, người dân không yên tâm khi sử dụng hàng hóa Trung Quốc, và đây chính là cơ hội để các DN Việt Nam đưa hàng hóa vào hệ thống chợ truyền thống. Để làm được việc này, các DN nên tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như may mặc, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm… Ngoài ra, DN cần linh động trong phương thức kinh doanh, thanh toán, thường xuyên tiếp thị hàng hóa, đặc biệt là giá cả phải phù hợp.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nêu rõ: Bên cạnh việc chú trọng tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống siêu thị, các DN Việt phải đầu tư hơn vào bán lẻ ở chợ truyền thống, bởi đây chính là kênh thu hút nhiều NTD nhất. Đặc biệt, các DN nên giao cho tiểu thương tại các chợ đầu mối phân phối hàng hóa về khu vực nông thôn, vì họ đã có sẵn đầu mối. Việc làm này sẽ giúp các DN tiết kiệm chi phí về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực khi mở đại lý tiêu thụ hàng hóa tại các địa phương.
Bên cạnh sự nỗ lực từ phía DN còn đòi hỏi hệ thống chợ truyền thống nâng cấp cơ sở vật chất, kho bãi bảo quản hàng hóa, tích cực tổ chức các chương trình gặp gỡ giữa tiểu thương và DN để liên kết đưa hàng hóa vào chợ. Như vậy, DN có thể tiếp cận tiểu thương đỡ tốn kém, tạo độ tin cậy cao với tiểu thương.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Sơn La: phát triển bền vững cây cà phê

Sơn La: phát triển bền vững cây cà phê

11/01/2025 | 15:29

Kinhtedothi - Tỉnh Sơn La đang có trên 21.000 ha cà phê, sản lượng tăng đều qua các năm và giá trị kinh tế ngày càng cao, giúp đời sống người trồng cà phê ngày một phát triển và tạo nhiều việc làm cho lao động mùa vụ.

Khai mạc lễ hội hoa kiểng đầu tiên của tỉnh Bến Tre

Khai mạc lễ hội hoa kiểng đầu tiên của tỉnh Bến Tre

09/01/2025 | 07:41

Kinhtedothi - Tối 8/1, UBND huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) tổ chức khai mạc Lễ hội hoa - kiểng Chợ Lách năm 2025 với chủ đề “Sắc màu Chợ Lách”. Lễ hội diễn ra từ ngày 8-12/1/2025 với chuỗi hoạt động đặc biệt.

Tin tài trợ