Thursday, 10:38 25/10/2018
Vẫn băn khoăn về hai phương án xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc
Kinhtedothi - Sáng 25/10, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Trong đó, việc có mở rộng phạm vi áp dụng ra khu vực ngoài nhà nước, xử lý tài sản tăng thêm không giải trình được về nguồn gốc, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập... vẫn là những nội dung được quan tâm.
Cơ quan nào kiểm soát tài sản, thu nhập?Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn của Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, trong các lần thảo luận trước, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 2 của Dự Luật do Chính phủ trình là giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình; ý kiến khác đề nghị Thanh tra Chính phủ chỉ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên. Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga: UBTV Quốc hội nhận thấy, Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành quy định cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập là cơ quan quản lý trực tiếp người có nghĩa vụ kê khai tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Quy định này dẫn đến quá nhiều cơ quan có chức năng quản lý bản kê khai và xác minh tài sản, thu nhập; cán bộ làm công tác này thực chất là cán bộ làm công tác tổ chức thiếu nghiệp vụ, kinh nghiệm về kiểm soát tài sản, thu nhập dẫn đến việc thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp. Để khắc phục những hạn chế này thì việc sửa đổi mô hình cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cần theo hướng tăng cường một bước tính tập trung, đồng thời cũng phải phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi. Nếu theo phương án 1 của Dự Luật do Chính phủ trình, giao cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập hoặc thành lập cơ quan chuyên trách để kiểm soát tài sản, thu nhập thì có thể gây quá tải, thiếu khả thi, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của cơ quan này, nhất là trong điều kiện dự thảo Luật đã mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai và giao thêm nhiều thẩm quyền cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. “Do đó, tán thành với đa số ý kiến đại biểu, đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý Điều 30 theo hướng giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình”- Chủ nhiệm Lê Thị Nga nêu.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |