Xây dựng phố đi bộ Trần Nhân Tông thành điểm đến du lịch
Kinhtedothi - Ngày 11/1, Sở VH&TT Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Văn hóa, Thể thao năm 2024.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng - Nguyễn Quang Trung chia sẻ, ngày 30/12/2022, quận Hai Bà Trưng khai trương và chính thức đưa không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận giai đoạn 1 đi vào hoạt động vào thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần. Chuyên mục “Không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận” đã được tạo lập trên Cổng thông tin điện tử quận và Trang Thông tin điện tử 18 phường.
Quận đã chủ động, thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông của T.Ư và TP thực hiện tuyên truyền , quảng bá hình ảnh và hoạt động của phố đi bộ Trần Nhân Tông và khu vực phụ cận đến đông đảo Nhân dân Thủ đô và mọi miền của Tổ quốc.
Qua 1 năm hoạt động, nơi đây đã có hàng trăm chương trình biểu diễn nghệ thuật, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thoa, các lễ hội, hội chợ… được tổ chức với nhiều nội dung phong phú. Gần đây nhất, quận đã phối hợp với các sở, ngành, tổ chức thành công Lễ hội Ẩm thực, Lễ hội quà tặng. Các chương trình đã nhận được sự hưởng ứng của người dân Thủ đô và du khách.
Theo Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung, các hoạt động của phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận đang dần đi vào nền nếp, được người dân phấn khởi đón nhận và tham gia, tạo nên không gian giải trí, nghỉ ngơi, thư giãn cho người dân; đồng thời góp phần nâng cao công tác tuyên truyền trong lĩnh vực văn hóa thông tin trên địa bàn.
Bước sang năm mới 2024 là năm phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận bước vào giai đoạn 2 với sự thay đổi đồng bộ, mạnh mẽ về diện mạo khi các dự án chỉnh trang xung quanh hồ Thiền Quang; tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị kiến trúc, nghệ thuật, thắng cảnh hồ Thiền Quang và di tích chùa Quang Hoa, chùa Thiền Quang, chùa Pháp Hoa được triển khai thi công và sẽ hoàn thành năm 2024.
Quận Hai Bà Trưng tin tưởng rằng hoạt động không gian đi bộ khu vực Trần Nhân Tông và phụ cận sẽ phát huy giá trị vốn có của khu vực: Công viên Thống Nhất, hồ Thiền Quang, cụm di tích chùa Quang Hoa, Pháp Hoa kết hợp với quảng trường “Công an nhân dân vì dân phục vụ” tạo ra khu vực văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa, vui chơi giải trí, mua sắm gắn với ẩm thực của Nhân dân và du khách; từ đó phát triển thương mại, du lịch dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc.
Đây cũng là nội dung thiết thực để thực hiện Chiến lược “Phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2023” của quận.
Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, Nguyễn Quang Trung cho hay: bước sang năm 2024, quận Hai Bà Trưng mong muốn tiếp nhận được sự chỉ đạo của UBND TP, sự phối hợp, hướng dẫn hiệu quả của Sở VH&TT cùng các sở, ngành của TP trong việc triển khai thực hiện các chi tiêu nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là sự phối hợp trong công tác: quản lý, thực hiện tu bổ, tôn tạo; điều chỉnh khoanh vùng di tích; phát huy hoạt động tại phố đi bộ Trần Nhân Tông và khu vực phụ cận để xây dựng điểm đến du lịch của TP.
Cử tri kiến nghị quản lý chặt các hoạt động trong không gian phố đi bộ
Kinhtedothi - Sáng 22/12, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cùng đại biểu HĐND TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau Kỳ họp thứ 14, HĐND TP Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.
Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm mở cửa 4 ngày dịp Tết Dương lịch 2024
Kinhtedothi - Trong dịp nghỉ Tết Dương lịch năm nay, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm hoạt động trong 4 ngày từ 29/12/2023 (thứ Sáu) đến hết ngày 1/1/2024 (thứ Hai), kéo dài thêm 1 ngày so với lịch hoạt động trước đó.
Biển người đổ về phố đi bộ Hồ Gươm đón chào năm mới 2024
Kinhtedothi - Tối 31/12, người dân và du khách khắp nơi đổ về phố đi bộ Hồ Gươm chào đón năm mới 2024.