Cà Mau: Chính quyền số lấy người dân làm trung tâm
Kinhtedothi - Từ “mục tiêu chuyển đổi số bắt đầu từ người dân”, ứng dụng trên điện thoại CaMau-G kết nối chính quyền với người dân đã thành công bước đầu.
Thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau, sau gần 2 tháng đi vào vận hành, app điện thoại CaMau-G đã nhận được nhiều tương tác tích cực từ phía người dân. Đặc biệt là ứng dụng phản ánh hiện trường trên app CaMau-G. Theo đó, người dân vào mục “Phản ánh” trên ứng dụng, chọn lựa lĩnh vực, địa phương, thông tin cá nhân, vị trí, thêm ảnh hoặc video phản ánh. Ngay lập tức, cán bộ trực của từng địa phương nhận phản ánh sẽ báo cáo và xử lý nhanh chóng.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, từ khi đi vào hoạt động chính thức, thông qua ứng dụng này đã có 158 ý kiến phản ánh trực tiếp của người dân về các lĩnh vực: Hạ tầng đô thị, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường... gửi đến chính quyền 9 huyện/thành phố trong tỉnh được các địa phương xử lý dứt điểm nhanh chóng. Nhiều nhất là TP cà Mau với 60 ý kiến, ít nhất là huyện Phú Tân với 3 ý kiến phản ánh.
Ông Trần Thanh Minh (trú phường 8, TP Cà Mau) chia sẻ: “Ứng dụng CaMau-G cũng rất dễ sử dụng, chỉ cần người dân có điện thoại thông minh là được. Mong rằng thời gian tới chính quyền sẽ tạo ra nhiều kênh tương tác hơn nữa để người dân thuận tiện dễ dàng hơn trong việc kiến nghị, phản ánh”.
Cùng đồng tình với ông Minh, ông Ngô Minh Thảo (trú Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) cho hay: “Cá nhân tôi nhận thấy ứng dụng CaMau-G thao tác dễ dàng, đỡ tốn thời gian, công sức đi nhiều nơi như trước. Các ý kiến đều được cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý nhanh, trước kia các ý kiến tương tự không biết đi đâu phản ánh”.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau Trần Quốc Chính cho biết, theo quy định, ứng dụng CaMau-G không tiếp nhận ý kiến phản ánh liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính và khiếu nại tố cáo.
“Người dân chưa nắm rõ nên còn gửi phản ánh về lĩnh vực này khá nhiều nên cơ quan điều phối phải xử lý trả lại. Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu, nắm rõ quy định” - ông Trần Quốc Chính thông tin thêm.
Ứng dụng CaMau-G tích hợp các nội dung: Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp; du lịch Mũi Cà Mau; hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh. Kèm theo đó là dữ liệu quan trắc môi trường; thống kê tình hình kinh tế - xã hội; hệ thống thư viện điện tử; phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức; hệ thống tra cứu thông tin về quy hoạch sử dụng đất, giá đất…
Ngoài ra, còn các tính năng: Lịch làm việc cho lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh. Đặt lịch khám bệnh; tra cứu thủ tục hành chính; tra cứu tình hình giải quyết hồ sơ; tra cứu số điện thoại khẩn cấp...
Cà Mau: Đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các dự án vào phát triển kinh tế
Kinhtedothi – Đến nay, Cà Mau đã giải ngân 39,5% vốn đầu tư công. Tuy cao hơn so với cả nước và khu vực, nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu chung.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Chuyển đổi số phải bắt đầu từ người dân
Kinhtedothi - Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt thấp do thói quen người dân, chính vì vậy để chuyển đổi số thành công, Cà Mau phải bắt đầu từ người dân, làm cho dân hiểu công nghệ là dễ dàng thiết thực
Du lịch Cà Mau sẵn sàng bùng nổ dịp Quốc khánh 2/9
Kinhtedothi - Dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay được xem là cơ hội của ngành du lịch Cà Mau, khác hẳn thời điểm này năm ngoái phải chịu cảnh ảm đạm vì dịch Covid-19.