Đau đầu với hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam
Kinhtedothi - Hàng Việt đang phải đối mặt với tình trạng hàng hóa nước ngoài giả mạo xuất xứ Việt Nam. Công cuộc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, gian lận nguồn gốc xuất xứ, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, để có thể triệt được tận gốc tình trạng này, đòi hỏi phải sửa đổi các quy định pháp luật sao cho phù hợp thực tế.
Hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các quầy hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị, trung tâm thương mại cao cấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng…
Theo số liệu từ Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong 10 tháng qua, trên cả nước có gần 80.000 vụ việc vi phạm về vấn đề hàng gian, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ được ngành chức năng phát hiện, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018 với tổng số tiền bị phạt và tịch thu hàng hóa trị giá hơn 1.500 tỷ đồng.
Riêng lực lượng Quản lý thị trường, từ đầu năm 2019 đã phát hiện và xử lý trên 130.000 vụ vi phạm, nộp ngân sách gần 600 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ rằng, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn cả nước vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và rất manh động.
Đặc biệt, nổi lên tình trạng sản xuất, kinh doanh trái phép hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo xuất xứ, nhãn mác "Made in Vietnam" để gian lận thương mại, gây thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Theo Thượng tá Đỗ Đức Tạo - Phó trưởng Phòng 11, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an), hiện có nhiều bất cập trong việc xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, Điều 226 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 có quy định chi tiết về “quy mô thương mại”, “gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý” nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là “quy mô thương mại” và “tiêu chí, cách thức đánh giá, xác định mức thiệt hại gây ra cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý”.